Thứ 7, 23/11/2024, 19:04[GMT+7]

Chợ Lầy đã khang trang

Thứ 4, 06/03/2019 | 08:46:47
7,472 lượt xem
Chợ Lầy, xã An Ninh là một trong những chợ đầu mối lớn của huyện Quỳnh Phụ. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư, hạ tầng của chợ Lầy được nâng cấp đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân địa phương và các xã trong vùng lân cận.

Chợ Lầy khang trang giúp các tiểu thương kinh doanh thuận lợi.

Chợ Lầy có từ rất lâu, mỗi tháng họp 12 phiên, là nơi giao lưu mua bán nông sản và các sản phẩm làng nghề của người dân địa phương và các xã: An Ninh, An Quý, An Vũ, An Bài, An Đồng, An Thái, An Cầu và Đông Hải. Trước đây, chợ chỉ có diện tích khoảng 2.000m2, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân, xã An Ninh quy hoạch lại, mở rộng chợ lên gần 6.000m2

Bà Lê Thị Bẩy, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: Từ nguồn ngân sách địa phương, xã đã đầu tư xây dựng được 6 dãy lán kiên cố với 30 gian hàng, tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, xã cũng tiếp nhận 2 dự án (Vahip và Lipsap) xây dựng 3 dãy lán chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống, kinh doanh gia cầm và xây dựng công trình vệ sinh, một số công trình phụ trợ khác, tổng kinh phí trên 5.500 USD. Các công trình này đáp ứng nhu cầu kinh doanh thường xuyên của 62 tiểu thương trong và ngoài xã.        

Mặc dù địa phương đã quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của tiểu thương do ngân sách xã rất hạn hẹp. Để tháo gỡ khó khăn này, cấp ủy, chính quyền xã đã thống nhất chủ trương và xây dựng cơ chế xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng chợ. Theo đó, địa phương đầu tư mặt bằng, quy hoạch diện tích, quy định kết cấu công trình và tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tiểu thương đầu tư xây dựng lán kinh doanh. Với cơ chế miễn phí thuê mặt bằng chợ từ 1 - 2 năm đầu tùy theo diện tích và giá trị đầu tư công trình của tiểu thương, xã An Ninh đã thu hút được 66 tiểu thương đầu tư xây dựng 11 dãy lán, tổng diện tích hơn 300m2 bảo đảm chất lượng và mỹ quan của chợ. 

Bà Vũ Thị Nhận, tiểu thương ở thôn Vạn Phúc, xã An Ninh cho biết: Ngoài chia sẻ khó khăn kinh phí với chính quyền xã, việc chúng tôi đầu tư xây dựng lán chợ mang lại lợi ích thiết thực cho chính tiểu thương. Bởi diện mạo chợ khang trang, nơi bán hàng sạch sẽ vừa giúp cho các sản phẩm bày bán bảo đảm đẹp mắt, an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa thu hút người dân tới mua sắm nên doanh thu của chúng tôi cũng được nâng lên.

Cùng với đầu tư xây dựng lán, ki-ốt kinh doanh, xã An Ninh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng thoát nước, các công trình vệ sinh, bãi trông coi xe và thu gom, xử lý rác thải chợ. Ban quản lý chợ phối hợp với lực lượng an ninh xã duy trì hoạt động các phiên chợ bảo đảm không để xảy ra tình trạng trộm cắp, gây rối làm mất an ninh trật tự nên ngày càng hấp dẫn tiểu thương đến kinh doanh và người dân đến mua sắm. Hiện nay, chợ Lầy là nơi giao lưu trao đổi các mặt hàng: nông sản, thực phẩm, một số sản phẩm làng nghề như chiếu cói, nón lá, đồ rèn, mây tre đan. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở trong và ngoài tỉnh đã chọn chợ Lầy là điểm đến đưa các mặt hàng đồ gia dụng sứ, thủy tinh và hàng may mặc thương hiệu Việt về quảng bá, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng.

Việc xã An Ninh đầu tư và thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ Lầy đã góp phần thúc đẩy người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa và mở mang làng nghề, nhất là phát triển dịch vụ, thương mại. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của xã đạt gần 530 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 153,1 tỷ đồng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 219,6 tỷ đồng, thương mại, dịch vụ đạt 155,2 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị sản xuất của xã.


Khắc Duẩn