Chủ nhật, 03/11/2024, 04:19[GMT+7]

An Dục: Quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 07/03/2019 | 09:01:44
1,387 lượt xem
Được coi là “điểm nóng” của bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quỳnh Phụ, những ngày này, cả hệ thống chính trị và nhân dân xã An Dục đang phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để phòng, chống dịch.

Chốt kiểm soát dịch bệnh xã An Dục thực hiện tiêu độc, khử trùng phương tiện giao thông qua địa bàn.

Xã An Dục có tổng đàn lợn 1.716 con, được nuôi tại 175 hộ. Ngày 27/2, tại 5 hộ thuộc 3 thôn với 128 con lợn xuất hiện 16 con ốm, trong đó chết nhanh 12 con. Địa phương đã nhanh chóng báo cáo tình hình tới cơ quan chức năng của huyện và tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm và có các biện pháp xử lý. 

Ông Mai Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngày 28/2, ngay sau khi UBND huyện Quỳnh Phụ công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn hai xã An Dục và Đông Hải, cấp ủy, chính quyền xã An Dục đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, dưới sự chỉ đạo của tỉnh và huyện cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. 

Song song với các biện pháp khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo đúng quy trình, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức và kỹ năng của người dân về phát hiện lợn nhiễm bệnh. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các hộ chăn nuôi để tránh tình trạng người dân giấu dịch, bán tháo lợn nhiễm bệnh ra thị trường. 

Từ nguồn cấp phát của huyện, đến nay xã đã tiếp nhận hơn 300 lít hóa chất và 20 tấn vôi bột, thực hiện phát động đợt cao điểm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên diện rộng môi trường vùng chăn nuôi và các khu vực công cộng... trong toàn xã. Được tỉnh và huyện tăng cường lực lượng, xã đã lập các đội vận chuyển, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh cùng các tổ tuần tra cơ động và 2 chốt kiểm soát dịch bệnh, ứng trực 24/24 giờ, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập lậu hoặc từ những vùng có dịch qua địa bàn xã.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch đã có những chuyển biến tích cực. 

Ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Việt Thắng chia sẻ: Gia đình tôi là một trong những hộ chăn nuôi đầu tiên trong xã phát hiện có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 49 con, trong đó có 9 lợn nái với tổng khối lượng 5.121kg. Dù thiệt hại kinh tế là rất lớn và ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi nhưng sau khi được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động, cấp hóa chất tiêu độc, khử trùng, ký các biên bản kiểm đếm, hỗ trợ... chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ sớm được ngăn chặn và đẩy lùi. 

Cùng chia sẻ đó, ông Phạm Văn Quân, thôn Bình Minh cho biết thêm: Gia đình tôi có tổng đàn 13 con phải tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong thâm tâm thực sự là tiếc song người dân phải nhìn vào lợi ích của chính người chăn nuôi và của cộng đồng để cùng chung tay phòng, chống dịch. Bên cạnh việc tự giác hợp tác và chấp hành các hướng dẫn của cơ quan chức năng, tôi đã vận động, tuyên truyền các hộ chăn nuôi khác trong thôn tích cực thực hiện tiêu độc, khử trùng, báo cáo ngay với xã khi lợn có biểu hiện nhiễm bệnh, không vận chuyển, bán chui, bán tháo lợn ra thị trường...

Đến hết ngày 4/3, xã An Dục đã tiêu hủy 358 con lợn với tổng khối lượng 16.203kg tại 28 hộ chăn nuôi. Địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, theo dõi đàn lợn trên địa bàn..., góp phần cùng huyện và tỉnh ngăn chặn và đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi.


Trịnh Cường