Chủ nhật, 03/11/2024, 04:19[GMT+7]

Tây Đô: Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Thứ 6, 08/03/2019 | 09:24:36
983 lượt xem
Là địa phương có bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, chính quyền và người dân xã Tây Đô (Hưng Hà) đang tích cực phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Tây Đô.

Thôn Quang Trung có tổng đàn lợn cao nhất và cũng là địa phương có lợn bị bệnh chết nhiều nhất xã. Trưởng thôn Nguyễn Danh Tùng cho biết: Toàn thôn có 20 hộ nuôi lợn với tổng đàn trên 1.200 con. Từ khi phát hiện lợn bị bệnh chết (ngày 27/2) đến ngày 5/3 thôn đã tiêu hủy 178 con lợn, trong đó hộ ông Hoàng Văn Nhã bị thiệt hại nhiều nhất là 142 con. Để phòng, chống dịch bệnh, thôn đã sử dụng 320 lít hóa chất, 5 tạ vôi bột để các hộ chăn nuôi tiêu độc, khử trùng và tổ chức 2 buổi vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thôn vẫn có lợn bị chết, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn được thực hiện tích cực nhằm hạn chế thiệt hại.


Ông Đinh Khắc Nhiên, Chủ tịch UBND xã Tây Đô chia sẻ thêm: Từ khi đàn lợn 13 con, trong đó có 1 con lợn nái và 12 lợn thịt ở gia đình ông Phạm Tiến Hoàng, thôn Nội Thôn mắc bệnh và chết (ngày 20/2) đến ngày 4/3, toàn xã đã tiến hành tiêu hủy 212 con lợn bị bệnh. Để khoanh vùng, dập dịch, những ngày qua, với sự hỗ trợ của huyện, xã đã lập 3 chốt kiểm soát việc vận chuyển lợn tại các điểm giáp ranh với các xã Hòa Bình, Thống Nhất (Hưng Hà), Lô Giang (Đông Hưng). Các chốt duy trì hoạt động 24/24 giờ và có đủ dụng cụ phòng, chống dịch bệnh cho lực lượng đứng chốt như quần áo mưa, khẩu trang, bình phun hóa chất... Xã cũng đã sử dụng 381 lít hóa chất và 23 tấn vôi bột để phun, rắc tại các ổ dịch và trên hệ thống đường làng, ngõ xóm. Đối với lợn bị chết, xã tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định. Địa phương đã huy động 1 máy xúc, 2 xe kéo, 5 bình hóa chất phục vụ công tác tiêu hủy. 

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm thông tin tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân cách phòng, chống... Địa phương đã tổ chức ký cam kết không vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn bị bệnh, lợn chết, lợn không rõ nguồn gốc tới 100% hộ chăn nuôi và giết mổ, kinh doanh thịt lợn. Cũng theo ông Nhiên, trước khi công bố dịch, người dân còn chủ quan, ý thức của một số người dân chưa cao, còn có hộ thả lợn chết xuống sông và không khai báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay người dân đã chủ động báo với chính quyền khi có lợn chết đồng thời thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy lợn chết và tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Tiêu hủy lợn chết tại xã Tây Đô.

Tuy vậy, qua công tác nắm tình hình cơ sở, sáng ngày 5/3, trên địa bàn xã Tây Đô vẫn tiếp tục xảy ra lợn bị chết tại hộ ông Nguyễn Văn Khen và ông Bùi Văn Minh ở thôn Quang Trung. Xã đã báo cán bộ chuyên môn của huyện xuống lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành các biện pháp phòng, trừ đã được khuyến cáo. Như vậy, có thể thấy bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ lây lan rộng không chỉ ở Tây Đô mà còn ở các địa phương khác. Theo chỉ đạo của tỉnh, huyện và ngành chức năng, xã Tây Đô đang “căng mình” phòng, chống dịch.

 Địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh, mối nguy hại của dịch bệnh đối với đàn gia súc cũng như kinh tế của người chăn nuôi. Hướng dẫn cách nhận biết, phát hiện lợn mắc bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống... Xã cũng tập trung thống kê, nắm bắt chặt chẽ tổng đàn lợn, số hộ chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia súc trên địa bàn để quản lý, giám sát. Thực hiện triệt để việc không giết mổ, kinh doanh buôn bán gia súc, sản phẩm từ gia súc không rõ nguồn gốc, gia súc bị bệnh, chết. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định. Tiếp tục tổ chức vệ sinh môi trường, rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng tại các hộ chăn nuôi, nơi công cộng trên địa bàn với mong muốn sớm dập được dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.


    Mai Thư