Thứ 7, 11/01/2025, 11:49[GMT+7]

Cuộc hội ngộ tháng ba

Thứ 2, 11/03/2019 | 10:34:46
1,987 lượt xem
60 năm qua kể từ ngày thành lập lực lượng công an vũ trang nhân dân (nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Thái Bình, những người chiến sĩ “quân hàm xanh” vẫn luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc và chở che của nhân dân nơi biên giới biển của tỉnh. Ở nhà dân, cùng ăn, cùng làm với nhân dân và được nhân dân coi như người thân trong nhà là những kỷ niệm không bao giờ quên với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Vợ chồng ông Biên luôn coi cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh như người thân.

Suốt quãng đường trở về gia đình ông Trần Văn Biên, thôn Bạch Long, xã Đông Hoàng (Tiền Hải), chúng tôi được Đại tá Trần Viết Doanh, Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ những kỷ niệm về một thời cách đây hơn 30 năm khi còn là anh sĩ quan trẻ công tác ở Đồn Biên phòng 72 (nay là Đồn Biên phòng Cửa Lân). Khi ấy, các anh không thường xuyên ở đơn vị mà cùng đồng đội trong tổ công tác địa bàn xuống cơ sở ở nhà người dân để tiện cho công việc. Nơi mà các anh “đóng quân” là nhà ông Trần Văn Biên. Hơn 10 năm công tác tại Tiền Hải sau đó luân chuyển đi nhiều đơn vị nhưng mỗi lần có dịp về Tiền Hải hay đi qua xã Đông Hoàng, Đại tá Trần Viết Doanh vẫn tranh thủ vào thăm ông bà Biên.

Và hôm đó, cũng là một chuyến đi của Đại tá Trần Viết Doanh về nơi mình có quãng thời gian dài gắn bó nhưng khác với mọi lần, lần trở về này có ý nghĩa đặc biệt bởi đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày Biên phòng toàn dân và 60 năm ngày truyền thống BĐBP. Cùng đi trên chuyến xe ấy có đồng chí Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy - một sĩ quan biên phòng chuyển ngành. Câu chuyện của các thế hệ BĐBP Thái Bình càng thêm cuốn hút. Đại tá Trần Viết Doanh suy tư rồi quay sang nói với chúng tôi: Ngày ấy còn khó khăn, từ phương tiện cho đến sinh hoạt, ăn ở của anh em cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn thiếu thốn đủ bề. Đi cơ sở chủ yếu là đi xe đạp, đường sá đi lại khó khăn nên nhân dân cũng thấu hiểu và thương bộ đội nhiều lắm. Hơn 30 năm, cảnh cũ, người xưa không còn nữa, tất cả cũng đã già rồi nhưng tình cảm của người dân dành cho BĐBP vẫn cứ ấm áp, bền chặt như thế.

Xe dừng ở cổng, vợ chồng ông Biên đon đả ra mời đoàn vào nhà. Vẫn căn nhà khi xưa, chiếc giường dành cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngủ vẫn đặt trang trọng ngoài phòng khách. Bên chén trà mạn, câu chuyện lâu ngày mới có dịp hàn huyên của những người một thời “chia ngọt, sẻ bùi” lại rôm rả cả căn nhà. Ông Biên nhớ lại: Theo lời kể của bố tôi, gia đình tôi được BĐBP tỉnh chọn làm cơ sở nằm vùng từ năm 1966. Nhà đông người nhưng khi các anh ngỏ lời, bố mẹ tôi đồng ý ngay và dành cho các anh một chiếc giường đơn sơ ở ngay gian ngoài để tiện cho các anh đi lại. Ban ngày thì các anh đi cơ sở làm nhiệm vụ, đến tối, thậm chí quá đêm mới về nghỉ nên cửa nhà tôi không bao giờ khóa. Bố mẹ tôi coi các anh BĐBP như con nên có những hôm các anh bận công việc, bà lại tranh thủ nấu cơm canh tinh tươm để sẵn dưới bếp để các anh về có cơm dùng ngay. Không chỉ gia đình tôi, bà con hàng xóm ở đây cũng vậy, người góp bó rau, người góp con cá biếu các anh.

Rồi ông Biên đi bộ đội, vào đơn vị Hải quân tham gia chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vợ ông ở hậu phương cũng tích cực tham gia các phong trào địa phương và là cán bộ thư ký hợp tác xã của xã Đông Hoàng. Năm 2018, ông bà vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Khi bố mẹ mất, vợ chồng ông Biên vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân có nơi ăn, nghỉ và làm việc tại gia đình mình. Có khi một đồng chí, có lúc hai, ba đồng chí cán bộ biên phòng ở đây. Và hơn 50 năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân đã coi gia đình ông bà là ngôi nhà thứ ba, các địa phương biên giới biển là quê hương thứ hai của mình. Ông bà Biên cũng coi các anh như con cháu trong nhà. Mọi công to, việc lớn của gia đình đều có sự tham gia nhiệt tình của những người lính “quân hàm xanh”.

Trưa hôm đó, chúng tôi cùng đồng chí Chính ủy BĐBP tỉnh và đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng một số cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Lân được ông bà Biên mời cơm mà theo như đồng chí Chính ủy BĐBP tỉnh nói là để tìm về cảm giác ngày xưa. Bữa cơm đạm bạc, chỉ nem nắm, cá kho với bát canh cà nhưng đầm ấm, chan chứa tình cảm khiến ai cũng nghẹn ngào cảm xúc. Đồng chí Chính ủy BĐBP tỉnh bồi hồi tâm sự: Nhiều khi bám cơ sở để thực hiện nhiệm vụ đến đêm mới về, anh em ai cũng đói cồn cào định bụng về ăn lương khô với mỳ tôm qua loa cho xong bữa nhưng về đến gia đình ông bà đã thấy mâm cơm úp lồng bàn để sẵn trên bàn. Chẳng ai bảo ai, mấy anh em đều rưng rưng nước mắt cảm động. Cái ơn đó của người dân trên khu vực biên giới biển Thái Bình, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh không bao giờ quên được. Bà con nhân dân đã tiếp sức cho chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao từ những hành động nhỏ ấy.

Gia đình ông Biên chỉ là một trong số hàng chục gia đình trên dọc tuyến biên giới biển của tỉnh đã hàng chục năm cưu mang, che chở cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị biên phòng đứng chân trên địa bàn hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải thực hiện nhiệm vụ. Cũng chính quãng thời gian được “ba bám, bốn cùng” với người dân biên giới nên khi là chỉ huy đơn vị BĐBP tỉnh, đồng chí Trần Viết Doanh vẫn luôn thấu hiểu và cảm thông với đội ngũ cán bộ biên phòng hôm nay đang bám nắm cơ sở. Họ như sợi dây kết nối để hình ảnh người chiến sĩ biên phòng mãi mãi in đậm trong lòng nhân dân.

Vốn là người trưởng thành từ BĐBP lại có thời gian gắn bó với huyện ven biển Tiền Hải nên đây là dịp để đồng chí Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy thêm một lần được chứng kiến mối quan hệ quân dân cá nước của người dân trên khu vực biên giới với BĐBP. Đồng chí Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy tâm sự: Ai cũng có một thời để nhớ, để tự hào và với tôi đó chính là những ngày tháng được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh biên phòng. Cũng từ môi trường nền nếp, kỷ luật quân đội để cho mình trưởng thành hơn. Tôi luôn tin tưởng rằng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thái Bình hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP, tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển của tỉnh, góp phần đưa vùng biển Thái Bình ngày càng khởi sắc về mọi mặt.
“Đi dân nhớ, ở dân thương”, cuộc hội ngộ tháng ba kết thúc đầy cảm xúc. Với chúng tôi, những câu chuyện và những kỷ niệm về tình quân dân nơi biên giới biển như ngọn lửa mãi được thắp sáng. Mỗi người dân nơi biên giới như những “cột mốc sống” đang ngày ngày cùng với các lực lượng, trong đó có lực lượng BĐBP tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tất Đạt