Thứ 2, 25/11/2024, 15:42[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Không quyết liệt, khó phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 6, 15/03/2019 | 09:10:51
918 lượt xem
Đến hết ngày 12/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ khi có 20 xã: Đông Hải, An Dục, An Lễ, An Tràng, An Vũ, An Vinh, Quỳnh Minh, Quỳnh Hải, Quỳnh Hội, Quỳnh Trang, An Ấp, Quỳnh Xá, Đồng Tiến, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hồng, Quỳnh Châu, An Thái, An Ninh, Quỳnh Sơn phát sinh dịch bệnh. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành tiêu hủy 2.550 con lợn của 222 hộ chăn nuôi tại 47 thôn, 18 xã với tổng trọng lượng 127.569kg.

Tiêu độc, khử trùng lợn chết trước khi tiêu hủy.

Trước tình hình đó, huyện Quỳnh Phụ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh và các ngành chức năng. Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi huyện cho biết: Quỳnh Phụ đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thôn vào cuộc, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh công tác tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dịch tại các địa phương. Phát động tuần lễ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn địa bàn huyện. Thành lập các tổ công tác hướng dẫn, giúp các địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch, thành lập đội kiểm tra lưu động và các chốt kiểm dịch động vật tại một số tuyến giao thông trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn. Tổ chức cấp phát 6.960 lít hóa chất, trong đó huyện hỗ trợ 1.000 lít, 100 tấn vôi bột cho các địa phương. Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, đến nay, các xã có dịch đã sử dụng 2.818 lít hóa chất, 97,6 tấn vôi bột để thực hiện tiêu độc, khử trùng.

Dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, sử dụng nhiều biện pháp nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Quỳnh Phụ vẫn có chiều hướng lây lan. Nếu như ngày 27/2 trên địa bàn huyện mới ghi nhận những trường hợp lợn ốm chết do nhiễm bệnh đầu tiên ở hai xã Đông Hải và An Dục thì đến ngày 7/3 đã có 12 xã phát sinh bệnh dịch và đến ngày 12/3 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 20/38 xã, thị trấn trong huyện.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như Quỳnh Phụ có địa bàn tiếp giáp với nhiều địa phương có dịch là huyện Hưng Hà và tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng cùng quốc lộ 10 và các tuyến đường nhánh chạy qua, có lượng người, phương tiện lưu thông lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn trái phép, gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, đây còn là huyện có đàn lợn lớn nhất tỉnh với gần 135.000 con, được nuôi tại 8.563 hộ. Tuy nhiên, chỉ có 204 trang trại, còn lại là chăn nuôi theo quy mô gia trại và nhỏ lẻ là phổ biến. Chính việc chăn nuôi tự phát, thiếu quy hoạch, nhiều gia trại nằm ngay trong khu dân cư với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý đàn lợn chưa đúng phương pháp đã gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo điều kiện phát tán mầm bệnh. Thêm vào đó, dù được cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện liên tục tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng nhưng một số địa phương và người dân rất thiếu ý thức trong công tác phòng, chống dịch dẫn đến xuất hiện tình trạng xác lợn chết bị thả trôi sông hoặc vứt ra các bãi rác... Trong những ngày đầu tháng 3, lực lượng chức năng xã Quỳnh Hội đã tổ chức thu gom xác, nội tạng lợn chết do một số hộ chăn nuôi vứt ra khu vực giáp ranh trên trục đường DH.76 và thả trôi trên sông Sành qua địa phận xã. Ông Đinh Văn Thuẫn, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xã An Lễ cho biết: Trước ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, An Lễ đã sử dụng 177 lít hóa chất, 1,6 tấn vôi bột thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn xã, tiến hành tiêu hủy 247 con lợn của 18 hộ dân thuộc 3 thôn với tổng trọng lượng 17.711kg. Dù xã đã quyết liệt phòng, chống, tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi ở địa phương khác đã lợi dụng đêm tối, khu vực vắng người ném xác lợn chết xuống sông trôi về khu vực An Lễ. Từ ngày 1 - 4/3, địa phương đã huy động hơn 10 người tuần tra, trục vớt xác 40 con lợn chết trên các tuyến sông của xã. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm phát tán mầm bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã. Một nguyên nhân khác cũng vô tình tác động khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan nhanh và tăng nguy cơ các vấn đề an toàn thực phẩm đó là tâm lý lo ngại mức hỗ trợ tiêu hủy thấp (38.000 đồng/kg), không đủ bù lỗ cho lợn nái và lợn đực giống, thời gian chi trả hỗ trợ chậm nên nhiều hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh xuất hiện tâm lý không khai báo mà cố giết thịt đem bán để kéo vốn. Lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch động vật ở một số xã có dịch làm nhiệm vụ còn mang tính hình thức, lấy lệ, hiệu quả chưa cao.

Dù đã cố gắng song Quỳnh Phụ cần có những điều chỉnh phù hợp với thực tế và quyết liệt hơn trong hành động để ngăn chặn và đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trịnh Cường









Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày