Thứ 3, 05/11/2024, 05:31[GMT+7]

Công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 6, 15/03/2019 | 18:57:39
1,652 lượt xem
Chiều ngày 15/3, UBND tỉnh tổ chức hội nghị ban hành quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các huyện Hưng Hà, Đông Hưng và Quỳnh Phụ.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Từ đầu tháng 2/2019 đến nay, cả nước đã có 17 tỉnh, thành phố phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trên địa bàn tỉnh, đến nay, dịch đã xảy ra tại 95 xã, thị trấn của 6 huyện, gồm: Đông Hưng 34/44 xã, Hưng Hà 24/35, Quỳnh Phụ 24/38 xã, Kiến Xương 1/37 xã, Thái Thụy 9/48 xã, Vũ Thư 3/30 xã. Tổng số lợn tiêu hủy đến 16 giờ ngày 14/3 là 12.061 con với tổng trọng lượng 695.765kg. Các địa phương trong tỉnh đã sử dụng 28.877 lít hóa chất và 1.041.466kg vôi bột để xử lý ổ dịch và thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sau khi công bố dịch, các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nội dung tại quyết định công bố dịch. Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định: tiêu hủy lợn và sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi; khoanh vùng ổ dịch, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên, liên tục; kiểm soát nghiêm việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn; chú trọng công tác giám sát, cảnh báo dịch bệnh và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học. Các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, diễn biến, cơ chế lây lan, các biện pháp phòng bệnh, xử lý khi bệnh dịch xảy ra; tuyên truyền để người dân chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, quản lý và chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng của đàn lợn; tuyên truyền rõ ràng cơ chế hỗ trợ các hộ có lợn tiêu hủy (đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra; đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh); tuyên truyền người dân không quay lưng với thịt lợn. Kiểm soát tốt việc sử dụng nguồn hóa chất hỗ trợ của tỉnh phục vụ cho công tác xử lý ổ dịch và phòng, chống dịch.

Thanh Huyền