Thứ 3, 05/11/2024, 05:34[GMT+7]

Thái Hà toàn lực chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 18/03/2019 | 08:49:56
1,093 lượt xem
Thái Hà là một trong những xã đầu tiên của huyện Thái Thụy xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp chống dịch, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch này.

Xã Thái Hà thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ hôm tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đến nay, ông Nguyễn Hữu Ngoạn, thôn Nam Cường thường xuyên thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng hóa chất và vôi bột với tần suất 1 lần/ngày. Qua đó nhằm tiêu diệt vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi để tránh lây lan ra các hộ chăn nuôi lợn khác. Ông Ngoạn cho biết: Sau khi thấy 1 con lợn của gia đình bị chết vào tối ngày 5/3, tôi đã chủ động báo cáo với xã. Sáng ngày hôm sau thì có cán bộ của tỉnh, huyện về lấy 9 mẫu xét nghiệm. Đến ngày 7/3, khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn 130 con, tổng trọng lượng gần 7,8 tấn.

Cũng theo ông Ngoạn, được sự tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng và địa phương cũng như qua theo dõi thông tin trên báo, đài về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã giúp ông nhận thức rõ về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch này đối với ngành chăn nuôi. Vì thế, ngay lúc ban đầu thấy lợn chết ông không có ý định giấu hay thực hiện việc bán tháo mà báo cáo với xã. Đồng thời, chấp thuận phương án tiêu hủy toàn bộ đàn lợn theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do số lợn tiêu hủy quá lớn, ước tính thiệt hại trước mắt lên tới vài trăm triệu đồng nên ông Ngoạn cũng như những hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy mong muốn nhà nước sớm hỗ trợ, giúp gia đình khôi phục sản xuất.

Theo ông Đoàn Xuân Huy, Chủ tịch UBND xã Thái Hà: Sau khi có kết quả xét nghiệm của đàn lợn nhà ông Ngoạn dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND xã đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc gia đình tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và rắc vôi bột toàn bộ khu chuồng nuôi và xung quanh. UBND xã chỉ đạo Ban Chăn nuôi và Thú y kết hợp với chính quyền thôn bảo vệ an toàn hố chôn xác lợn bệnh và đặc biệt cấm mọi hoạt động qua lại của người và chăn thả gia súc gần điểm tiêu hủy lợn. Cũng ngay trong chiều ngày 7/3, xã đã thông báo bệnh dịch trên đài truyền thanh để người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống. Thành lập và tăng cường cán bộ cho 4 chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào xã để kiểm soát việc vận chuyển lợn.

Song song với việc kiểm soát chặt chẽ, xã cũng chủ động đề xuất UBND huyện cấp thêm 200 lít hóa chất để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ xã, nhất là các điểm có nguy cơ lây lan bệnh dịch cao 1 lần/ngày, trong thời gian 1 tuần tính từ khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thực hiện việc tiêu độc, khử trùng bằng hóa chất và vôi bột khu vực chuồng trại và xung quanh, nhất là tại các hộ đang nuôi lợn.

Toàn xã Thái Hà hiện có 120 hộ đang nuôi lợn với tổng đàn lợn hơn 2.000 con. Sau một tuần xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn xã chưa ghi nhận thêm hộ nuôi lợn nào có hiện tượng lợn chết. Xã cũng đang tăng cường giám sát tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn nuôi tại địa phương; tổ chức đoàn kiểm tra tiến hành rà soát lại toàn bộ các hộ chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm của lợn...

Trần Tuấn