Thứ 7, 23/11/2024, 08:42[GMT+7]

Nước sẽ hiếm như dầu

Thứ 3, 19/03/2019 | 23:29:15
806 lượt xem
“Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” - Đó là thông điệp được phát đi trong Ngày Nước thế giới năm 2019.

Ảnh minh họa

Chưa bao giờ vấn đề sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước lại trở lên nóng bỏng như thời gian qua. Các nhà khoa học đã cảnh báo, trong thế kỷ 21, nguồn cung cấp nước sạch được dự báo sẽ giống như tình trạng khan hiếm dầu hiện nay. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề cấp thiết của không riêng một quốc gia nào.                   

Nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Hiện tại, gần 90% nguồn nước sạch trên thế giới đang được dùng để sản xuất thực phẩm và năng lượng. Rất nhiều người không có ý niệm gì về những sản phẩm dùng hàng ngày khiến lượng nước sạch tiêu hao mau chóng. Cụ thể, cần 1,5 tấn nước để sản xuất một máy vi tính, 6 tấn nước để làm ra một cái quần jean. Lượng nước sạch được tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu hàng năm tương đương với 10 con sông Nile.

Soi vào thực tiễn Việt Nam, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất thường tái diễn hàng năm. Tình trạng khan hiếm nước sạch nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở các khu vực thành thị như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà còn khắp các vùng nông thôn ở Tây Nguyên, vùng biển, thậm chí, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Mặc dù, có mạng lưới sông ngòi dày đặc và có nhiều ao hồ, nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia rơi vào tình trạng thiếu nước. Số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) cho thấy, nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Trong khi đó, dự báo lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số vừa nêu đến năm 2025.

Nằm trong danh sách những quốc gia nhận được sự trợ giúp của thế giới, thuộc Chương trình Mục tiêu Phát triển Toàn cầu (MDG) về cấp nước và vệ sinh, kể từ năm 2000 Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng những Chính phủ và các tổ chức thế giới đã giúp đỡ cho Chính phủ Việt Nam phát triển Chiến lược Cung cấp Nước sạch Nông thôn và Vệ sinh Quốc gia đến năm 2020. Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam, từ năm 2008, bắt đầu áp dụng các quy định bắt buộc về an toàn nước, theo quy chuẩn hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, đối với 68 nhà máy cung cấp nước trên toàn quốc. UNICEF còn hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để hướng dẫn cho cộng đồng cách thức xử lý và trữ nước ở những nơi mà người dân chưa thể tiếp cận nguồn nước máy.

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng thực tế, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại nhiều nơi đến nay vẫn là “chuyện dài nhiều tập”. Vào những thời điểm khan hiếm, hạn hán, để có nước sinh hoạt (và tưới tiêu) người dân đã phải chấp nhận đi mua nước sạch với giá rất cao.

Theo các số liệu của Chương trình Mục tiêu Phát triển Toàn cầu, chi phí cho các biện pháp bổ sung nguồn nước thiếu hụt trên toàn cầu sẽ được giải quyết ở mức thấp hơn nếu người dân các nước được giáo dục cách tiết kiệm nước. Giải pháp cấp bách là quản trị nguồn nước hiệu quả. Các chuyên gia về lĩnh vực này đặc biệt lưu ý đến ý thức về sử dụng nguồn nước của các chủ hộ gia đình tại những đô thị lớn. Đã có rất nhiều chương trình hành động, tuyên truyền nhằm tác động đến ý thức của đối tượng sử dụng này. Song, dường như hiệu quả thực tế chưa được như mong muốn.

Nhiều nghiên cứu trực tiếp đã cho thấy, nếu biết tận dụng, dự trữ nguồn nước mưa để dội toilet, giặt quần áo và tưới cây, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt có thể giảm đến 70% khi người ta nhận ra vấn đề.

Các dự báo về tình hình cạn kiệt tài nguyên nước trên thế giới hàng năm vẫn liên tiếp được đưa ra. Và tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng khi các nhà máy lớn, các thành phố ngày càng một phình rộng.

Theo baotainguyenmoitruong.vn