Chủ nhật, 12/01/2025, 02:47[GMT+7]

Lô Giang: Nhiều khó khăn trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 20/03/2019 | 08:46:06
1,923 lượt xem
Lô Giang là xã đầu tiên của huyện Đông Hưng và là xã thứ hai của tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lúc đầu chỉ có gần 30 con lợn của 2 hộ ở 2 thôn bị nhiễm bệnh nhưng đến nay toàn xã đã có trên 1.200 con lợn của 177 hộ ở cả 4 thôn phải tiêu hủy với trọng lượng trên 62 tấn lợn hơi. Bệnh dịch đang diễn biến phức tạp bởi có nhiều khó khăn trong công tác khoanh vùng dập dịch tại đây.

Tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy trình, quy định.

Nhìn 2 con lợn nái của gia đình bị đưa đi tiêu hủy vì bệnh dịch tả lợn châu Phi, bà Nguyễn Thị Chinh, thôn Hoàng Nông khóc như một đứa trẻ. Bà bảo, vốn liếng của gia đình đã đầu tư cả vào 2 con lợn nái và đấy cũng là nguồn thu chủ yếu của gia đình. Mỗi con lợn nái giá hàng chục triệu đồng. Giờ thì trắng tay.

Chăn nuôi lợn cũng là nghề chủ yếu của gia đình anh Vũ Minh Khiên, thôn Hoàng Nông. Nhờ chăn nuôi lợn mà gia đình anh có cơ ngơi khang trang nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã biến gia đình anh thành con nợ. Anh Khiên cho biết: Gia đình nuôi 9 con lợn nái, 19 con lợn thịt, mỗi con lợn thịt trên 60kg. Từ khi xã thông báo có bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày nào tôi cũng phun hóa chất, rắc vôi bột trong chuồng trại và quanh nhà, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng không hiểu sao cách đây vài ngày tôi phát hiện lợn ốm bất thường nên đã báo cho thú y viên của xã đến lấy mẫu xét nghiệm. Khi có kết luận dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, tôi đã đồng ý tiêu hủy toàn bộ 28 con lợn của gia đình. Tôi mong nhà nước tăng mức hỗ trợ lợn tiêu hủy, đặc biệt là với lợn nái vì lợn nái đắt gấp nhiều lần lợn thịt.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi khả năng lây lan nhanh, chưa có thuốc chữa, 100% lợn bị bệnh là chết. Đường lây lan đa dạng, từ vận chuyển, giết mổ, bày bán, qua thức ăn, nước uống... Theo đa số hộ chăn nuôi ở đây, giá hỗ trợ lợn tiêu hủy, đặc biệt là lợn nái, lợn lai 3 máu chưa đáp ứng yêu cầu nên vẫn có hộ tiếc không thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi có lợn ốm. Lợn chết vì nhiễm bệnh dịch tả nhiều, nhân lực tham gia công tác tiêu hủy thiếu, tiền công trả cho thành viên tổ tiêu hủy thấp đang là khó khăn và là nguyên nhân chính khiến bệnh dịch trên đàn lợn ở Lô Giang chưa dập được. Anh Nguyễn Văn Dương, tổ tiêu hủy lợn bệnh của xã chia sẻ: Tôi đang đi làm thợ xây nhưng được sự động viên của xã tôi đã nghỉ việc tham gia vào tổ tiêu hủy lợn bệnh suốt 10 ngày nay. Cả tổ làm việc từ sáng tới tối. Công việc độc hại, gia đình cũng nuôi lợn nên ai cũng sợ mang dịch về nhà song mọi người vẫn động viên nhau làm cho tốt, làm đúng quy trình để góp phần dập dịch. Chỉ mong nhà nước chi trả tiền bằng với tiền công đi làm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, hơn 20 ngày qua, cấp ủy, chính quyền xã Lô Giang đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Xã đã tiếp nhận trên 630 lít hóa chất, mua gần 530 tấn vôi bột tổ chức phun, rắc tại các hộ chăn nuôi, các trục đường trong xã, nơi công cộng để tiêu độc, khử trùng, lập nhiều chốt kiểm dịch tại các cửa ra vào xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để người dân, nhất là các hộ chăn nuôi lợn thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kịp thời khai báo khi phát hiện lợn bệnh, không tái đàn, không giết mổ, bán nếu lợn ốm... Ông Vũ Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Lô Giang cho biết: Từ khi phát hiện lợn bị bệnh dịch tả đến nay xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai các giải pháp khoanh vùng dập dịch. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm, lây lan nhanh, lực lượng của xã mỏng, đặc biệt là tổ tiêu hủy lợn bệnh luôn thiếu người, các thành viên trong tổ phải làm việc gấp đôi, gấp ba vì số lượng lợn tiêu hủy hàng ngày lớn. Thêm vào đó, giá hỗ trợ tiêu hủy lợn ốm đối với lợn thịt thì hộ chăn nuôi đã có ít lãi nhưng với lợn nái thì quá thấp nên có hộ tiếc, giấu lợn bệnh dẫn đến không tiêu hủy kịp thời... Chính vì những điều đó mà bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Lô Giang vẫn tiếp tục lây lan, không chỉ trong xã mà còn ra hơn 10 xã trên địa bàn huyện. Thời gian tới, xã Lô Giang vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh đúng quy trình, quy định, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật...

Xã Lô Giang có tổng đàn lợn 5.200 con của 278 hộ chăn nuôi. Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi một cách hiệu quả không chỉ trông chờ vào nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng mà nhân dân, nhất là người chăn nuôi lợn phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và chỉ đạo của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhà nước cần áp dụng mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh sát với giá thị trường, có cơ chế phù hợp cho những người tham gia lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là tổ tiêu hủy lợn bệnh.

Thu Hiền - Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày