Thứ 5, 04/07/2024, 06:28[GMT+7]

Nam Trung: Tập trung phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 28/03/2019 | 16:18:53
989 lượt xem
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Với phương châm phòng là chính, xã Nam Trung (Tiền Hải) đã có những giải pháp phòng dịch, trong đó tập trung tuyên truyền, kiểm soát nghiêm đàn lợn, thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Các hộ dân xã Nam Trung thực hiện nghiêm công tác tiêu độc, khử trùng tại khu chăn nuôi.

Gia đình anh Trần Văn Luận, thôn Hợp Thành nuôi 40 con lợn. Để chủ động phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi, cứ khoảng 1 tuần anh Luận lại phun thuốc sát trùng quanh chuồng trại một lần. 

Anh Luận chia sẻ: Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin tiêm phòng nên tôi rất sợ lây lan vào đàn lợn, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Công tác phòng dịch bệnh được gia đình ưu tiên hàng đầu. Trong đó, trước khi vào khu chăn nuôi, mọi người đều phải thay quần áo, giày dép và thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. 

Còn đối với gia đình anh Phạm Văn Việt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 10 con lợn, do đó, thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và chủ động các biện pháp ứng phó theo hướng dẫn của Ban Chăn nuôi và Thú y xã như rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng chuồng trại, hạn chế người ra vào. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn dùng thức ăn liên quan đến sản phẩm động vật, gia đình anh Việt đều phải nấu chín trước khi cho đàn lợn ăn.

Bà Trần Thị Mừng, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Nam Trung cho biết: Xã Nam Trung có khoảng 651 hộ chăn nuôi lợn, với 4.982 con. Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan, vì vậy các hộ chăn nuôi lợn cần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên, tiêm phòng các loại vắc-xin đúng thời gian, đủ liều lượng. Đối với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, thuốc trị bệnh, bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh gây chết nhanh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện dụng cụ chăn nuôi có vi rút. Tuy nhiên, bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn, không lây bệnh sang người và các động vật khác. Một trong những biện pháp cấp thiết hiện nay để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả là thường xuyên vệ sinh, sử dụng vôi bột hoặc thuốc sát trùng rắc, phun xung quanh chuồng, lối đi, nơi thu gom chất thải 2 ngày/lần. Kiểm soát nghiêm ngặt phương tiện vào trang trại, khu vực chăn nuôi và chuồng trại chăn nuôi. Thực hiện “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa được nấu chín kỹ. 

Đến nay, Nam Trung đã tổ chức tuần tiêu độc, khử trùng trên địa bàn xã, cấp cho các thôn khoảng 110kg hóa chất, 6.320kg vôi bột để khử trùng tại khu dân cư, đường giao thông, trang trại, gia trại chăn nuôi. Lập 3 chốt kiểm dịch tại các trục đường giao thông vào địa phương. Tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã ngày 2 lần để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm và phương pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ngoài ra, địa phương phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc vào địa bàn.  Khuyến cáo vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, trước và sau khi giết mổ lợn tại cơ sở. Quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn và yêu cầu không mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn ốm, chết và không rõ nguồn gốc...


Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày