Thứ 6, 22/11/2024, 11:40[GMT+7]

Cổ tỉnh cẩn tích

Thứ 2, 01/04/2019 | 08:27:22
5,425 lượt xem
Các bậc cao niên làng Lưu Đồn, Vạn Đồn và Tu Trình (xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy) vẫn thường kể cho con cháu câu chuyện về một cuốn thần phả được cho là “cẩn tích thệ ngôn” (lời thề của tiền nhân) lưu giữ hơn bảy trăm năm trước bởi gia tộc Nguyễn Duy làng Lưu Đồn.

Giếng cổ nhà Trần mới được nhân dân làng Lưu Đồn dùng vốn xã hội hóa tu tạo và gìn giữ thành di sản văn hóa.

Thần phả ghi rằng khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng lĩnh nhà Trần đã bí mật đưa các vua Trần về khu vực đảo Phượng Hoàng (nay là các làng Lưu Đồn, Vạn Đồn và Tu Trình) xây dựng căn cứ bí mật chống quân Nguyên Mông và đặt tên là “Cung Trần vương” hay “hành cung bí mật” của nhà Trần…

Trong chuyến điền dã về Lưu Đồn nhóm nghiên cứu chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Duy Cuông là hậu duệ của tướng công Trần triều Nguyễn Quý Công tự Phúc Hiền người có công lao phò vua Trần từ Thăng Long về căn cứ Phượng Hoàng tránh sự truy sát của quân Nguyên Mông năm 1285 và là người ghi chép đầu tiên cuốn “Thần phả Lưu Đồn ký” bằng chữ Hán dưới dạng thư tịch tuyệt mật, sau đó thời hậu Lê quan Trưởng Thái giám Chân Thức viết tiếp. Đời nhà Nguyễn có hai cụ đồ nho Nguyễn Sĩ Đức và Nguyễn Huy Trung gìn giữ rồi truyền cho con cháu. Cho đến thời nay, cuốn “Thần phả Lưu Đồn ký” được trao lại cho ông Nguyễn Duy Cuông là hậu duệ Nguyễn Quý Công nhưng thật đáng tiếc ông Cuông đã mất cách đây ba năm. Ông Nguyễn Văn Hòa hiện là trưởng thôn Lưu Đồn và là “con cô, con cậu” với ông Nguyễn Duy Cuông cho biết cuốn “Thần phả Lưu Đồn ký” được gia tộc Nguyễn Duy gìn giữ cẩn trọng qua bao đời với bao thăng trầm biến cố của lịch sử, cháu con dòng tộc Nguyễn Duy thề đem cả sinh mạng của mình để bảo vệ và lưu truyền cuốn “Thần phả Lưu Đồn ký” cho muôn đời sau. Cuốn sách “thần” này vẫn đang được dòng tộc gìn giữ cẩn mật. Mặc dù thời gian phong hóa khiến cho cuốn “Thần phả Lưu Đồn ký” giờ đây nhiều trang giấy viết đã nhuộm màu thời gian và mủn rời nhưng màu mực và chữ viết vẫn còn tươi nét. Nhìn những nét chữ phóng khoáng của tiền nhân đủ thấy tinh thần lạc quan phơi phới của quân dân nhà Trần trước những trận chiến sống còn chống quân Nguyên Mông đồng thời người xem cũng có cảm giác như mình đang được sống lại thời liệt oanh của vương triều Trần gần tám trăm năm trước khi đội quân tinh nhuệ nhà Trần dưới sự chỉ huy tài tình của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng chiến thuật quân sự “dĩ đoản chế trường” đã đánh bại đội quân hung nô tàn bạo. Nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm trong và ngoài nước đã về Lưu Đồn tìm gặp chủ nhân cuốn “Thần phả Lưu Đồn ký” xin được một lần chiêm ngưỡng cảo thơm và tìm kiếm thông tin từ cuốn thần phả cũng phải thốt lên đúng là “ngôn thệ tiền nhân”.

Theo “Thần phả Lưu Đồn ký” thì gần tám trăm năm trước đảo Phượng Hoàng có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, nhiều gò đảo nhỏ nổi lên mặt biển, lau lách um tùm, thuồng luồng, ba ba, rắn rết nhiều vô kể, thi thoảng mới nhìn thấy bóng dáng một con thuyền nhỏ nhoi của ngư dân phiêu bạt đi tìm bắt cá tôm nên rất thuận tiện cho việc lập hành cung bí mật chống quân Nguyên Mông vốn chỉ quen cưỡi trên lưng ngựa. Theo tài liệu khảo cứu của nhiều tác giả, cuộc xâm lăng lần thứ ba (1288), tướng giặc Thoát Hoan chỉ huy đạo quân hùng mạnh nhất tràn vào Đại Việt, vua quân nhà Trần tiếp tục dùng kế lui binh, rời xa kinh thành Thăng Long, nhử địch vào vòng kiểm soát để tránh thảm họa chiến tranh và bảo toàn lực lượng và có điều kiện thăm dò lực lượng địch để bày ra phương án đánh địch. Vào đến kinh thành Thăng Long, quân Nguyên Mông chỉ thấy nhà không, vườn trống (kế thanh dã) chúng tức tốc truy đuổi quân nhà Trần, quyết tâm bắt sống vua Trần. Quân Nguyên Mông thực hiện cuộc truy bắt từ ngày 2 tháng 2 đến ngày 6 tháng 2 năm 1288. Trong 4 ngày quân Nguyên Mông vừa đánh hạ các cứ điểm của quân nhà Trần vừa hành quân đuổi theo quân đội nhà Trân một đoạn đường dài từ Thăng Long đến cửa biển Giao Thủy (Nam Định). Sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên Mông cho thấy thế giặc xâm lược lần thứ ba (1288) ngoài lực lượng chiến mã trên bộ đã thêm lực lượng thuyền chiến hùng hậu với sức cơ động nhanh, sức tàn phá kinh hoàng dọc đường sông nước được đánh giá là mạnh vượt bậc so với lần xâm lược lần thứ hai (1285). Quân đội nhà Trần dù lực lượng mỏng hơn nhưng lại có tốc độ hành quân nhanh hơn quân Nguyên Mông bằng chứng là Thoát Hoan kéo quân đến cửa biển Giao Thủy thì quân nhà Trần đã lùi ra biển lớn và chia làm nhiều nhánh quân tản ra nhiều hướng. Từ Giao Thủy, Hưng Đạo vương đem một hạm đội ngược về hướng Bắc, chia nhỏ hoạt động khắp các lộ Hồng, Khoái, Kiến Xương, Hải Đông… trong đó vua Trần đã lui về căn cứ bí mật ở đảo Phượng Hoàng (Thụy Hồng nay). Không tìm bắt được vua Trần, quân Nguyên Mông vô cùng tức tối, Ô Mã Nhi cho quân bắn thư sang phía quân nhà Trần đe dọa: “Vua Trần chạy lên trời ta theo lên trời, chạy xuống đất ta theo xuống đất, trốn lên núi ta theo lên núi, lặn xuống nước ta theo xuống nước” (theo Thiên Nam hành ký - Từ Minh Thiên). Thực tế quân Nguyên Mông có thêm thuyền chiến vẫn không thể đuổi kịp quân đội nhà Trần vốn thông thạo luồng lạch, chiếm ưu thế  sông nước lại triệt để dùng binh pháp “dĩ đoản chế trường” biết lợi dụng mặt nước ven biển có lớp bùn lầy lắng đọng, thêm vào đó là bạt ngàn lau lách um tùm, sương mù dày đặc làm giảm tầm quan sát của quân địch. Còn tướng giặc Ô Mã Nhi chủ quan cho rằng lần này hắn đã có thủy quân mạnh, thuyền chiến nhiều nên có thể dễ dàng tung hoành trên khắp lãnh thổ Đại Việt chứ không giống như năm 1285 và dễ dàng bắt sống vua Trần. Thoát Hoan lại vỗ ngực cho rằng vua Trần ở Cảm Nam, đích thân đem quân đánh vào đấy, lệnh cho A Bát Xích dẫn bộ binh đánh vào Hàm Tử. Vượt qua được Cảm Nam và Hàm Tử, quân Nguyên Mông tiếp tục đuổi xuống phía Nam thì gặp phải chốt chặn ở Hải Thị (ngã ba sông Luộc nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà). Khi quân Nguyên Mông vượt qua được Hải Thị thì đại quân và triều đình Đại Việt đã lui về cung Trần Vương trên đảo Phượng Hoàng, xóa hết dấu vết. Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, A Bát Xích chia quân lùng sục khắp vùng Thiên Trường (nay là Nam Định), Long Hưng (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà nay) để tìm và bắt sống vua Trần. Không tìm thấy vua tôi nhà Trần, Ô Mã Nhi tức tối sai quân tàn phá Chiêu lăng (lăng mộ vua Trần Thái Tông ở xã Tiến Đức, Hưng Hà). Quân Nguyên Mông đập phá, đào bới mãi mà chẳng thấy quách của vua Trần Thái Tông, chúng tàn phá lăng tẩm rồi bỏ đi. Giặc vừa truy lùng vua Trần vừa cướp bóc, giết chóc khắp nơi. Chúng đốt phá các điền trang, thái ấp, làng mạc dọc đường, một dải giang sơn xơ xác tiêu điều. Tướng giặc Nguyên Mông vô cùng căm tức quân dân nhà Trần đã đánh bại chúng năm 1285 nên không bỏ qua cơ hội trút hận thù lên muôn dân.

Khi thế giặc mỏi mệt, suy yếu Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy quân đội nhà Trần từ Cung Trần vương (đảo Phượng Hoàng) tổng phản công tiến đánh Bạch Đằng giang bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi và đám tàn quân đem về bái yết các vua Trần tại Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà). Trong chiến công vang dội ấy có công lao đóng góp vô cùng to lớn của những người dân áo vải vùng đảo Phượng Hoàng mà nay là ba làng Lưu Đồn, Vạn Đồn và Tu Trình thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy.

Ông Nguyễn Văn Bừng, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy

Phát huy truyền thống quê hương là cứ địa của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, xã Thụy Hồng đã xây dựng thành công nông thôn mới. Năm 2018, xã Thụy Hồng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp; Đảng bộ xã ra mắt cuốn lịch sử Đảng bộ xã Thụy Hồng giai đoạn 1930 - 2015 và đón nhận bằng chứng nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Nặc, cán bộ hưu trí, thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy

Các cụ nhà tôi thường kể rằng cung Trần Vương được làm trên đảo Phượng Hoàng bao trùm cả khu vực ba thôn Lưu Đồn, Vạn Đồn và Tu Trình nay. Hưng Đạo vương cho quân xây dựng trang ấp Vạn An chung quanh bảo vệ Cung Trần vương có 5 điếm gác và rất nhiều giếng nước ngọt phục vụ quân đội nhà Trần.

Ông Nguyễn Văn Hòa, trưởng thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy

Dòng họ Nguyễn Duy và dân làng Lưu Đồn còn giữ được cuốn “ Thần phả Lưu Đồn ký”; “Gia phả họ Nguyễn” cùng các di tích lịch sử đình, đền, miếu… từ đường dòng họ, bia đá, đại tự, câu đối, giếng nước thời Trần. Những tư liệu này đều khẳng định Cung Trần vương được xây dựng trên đảo Phượng Hoàng nay là xã Thụy Hồng.


Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày