Thứ 6, 22/11/2024, 16:15[GMT+7]

Thượng Hiền: Quyết liệt dập bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 01/04/2019 | 08:54:21
841 lượt xem
Nhận thức được mức nguy hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên ngay sau khi trên địa bàn xuất hiện ổ dịch, người dân xã Thượng Hiền (Kiến Xương) đã cùng với chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch, khống chế không để dịch lây lan.

Người chăn nuôi thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại hàng ngày.

Về xã Thượng Hiền những ngày này, chúng tôi được chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của người dân và chính quyền địa phương trong công tác xử lý ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng những biện pháp cụ thể. 

Tại điểm nút giao nhau của các tuyến đường dẫn vào xã đều có chốt kiểm dịch động vật được lực lượng an ninh túc trực. Đoạn đầu của các tuyến đường chính, đường nhánh dẫn vào khu dân cư được rắc vôi bột để khử trùng các phương tiện qua lại. Đặc biệt, mọi con đường ra vào thôn Trung Quý, nơi đầu tiên phát hiện ổ dịch đều được rắc vôi bột trắng xóa. Các hộ chăn nuôi trong thôn hàng ngày phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại và khu vực xung quanh. 

Bà Bùi Thị Tám, một người dân trong thôn cho biết: Hiện nhà tôi đang nuôi hai con lợn nái chửa và 6 con lợn thịt có trọng lượng gần 70kg/con. Những năm qua, nguồn thu chủ yếu của gia đình trông vào chăn nuôi lợn. Bây giờ bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh phức tạp như vậy gia đình tôi rất lo lắng nên phải tập trung mọi biện pháp để bảo vệ đàn lợn. Không chỉ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại hai lần một ngày mà tôi còn tiến hành dọn dẹp, phát quang toàn bộ vườn tược, cây cối, bụi rậm xung quanh nhà để hạn chế ẩm thấp, ngăn ngừa vi rút gây bệnh tồn lưu trong không khí. Gia đình tôi cũng hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi, đồng thời chú trọng việc chăm sóc, bổ sung chế độ dinh dưỡng để đàn lợn có sức đề kháng chống chọi với bệnh dịch.

Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền cho biết: Toàn xã hiện có 415 hộ chăn nuôi với hơn 4.000 con lợn. Sau khi phát sinh ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại thôn Trung Quý, xã đã nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch và thành lập các tổ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, gồm: tổ kiểm đếm, tiêu hủy; tổ phát hiện, thu gom, xử lý động vật trôi nổi trên sông; tổ tuyên truyền, thống kê, ký cam kết; tổ kiểm tra, giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ tổng hợp, báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch. Xã bố trí khu vực chôn lấp tiêu hủy lợn rộng 1.000m2 cạnh bãi rác, xa khu dân cư tránh gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ 49 con lợn ốm, chết và nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng 912kg đã được tiêu hủy theo đúng quy định. Để kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn, xã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật tại các tuyến đường giao nhau với các xã giáp ranh; mỗi chốt kiểm dịch gồm 3 người được trang bị biển báo, bình phun hóa chất, vôi bột khử trùng; yêu cầu thường trực 24/24 giờ thực hiện kiểm soát các phương tiện lưu thông, kiên quyết không để vận chuyển lợn bệnh ra vào địa phương với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Xã cũng nhanh chóng rà soát, yêu cầu 23 cơ sở giết mổ trên địa bàn cam kết không mua bán, giết mổ lợn ốm, chết và nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Để huy động sự vào cuộc của người dân, xã Thượng Hiền ra thông báo khẩn về diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, tăng tần suất tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 3 lần/ngày để vận động, hướng dẫn người dân cách xử lý ổ dịch và phòng, chống dịch. Trong đó, yêu cầu người dân nếu phát hiện lợn ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương để hướng dẫn tiêu hủy theo quy định; nghiêm cấm các hành vi giấu dịch, vứt xác lợn ra môi trường, bán chạy lợn ốm, lợn chết; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Toàn xã đã sử dụng 91 lít hóa chất và 6,6 tấn vôi bột để phục vụ cho công tác dập dịch, ngăn ngừa lây lan.

Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương cùng tinh thần vào cuộc quyết liệt của người dân, hy vọng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng được khống chế, không lây lan gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Thanh Huyền