Chủ nhật, 12/01/2025, 05:50[GMT+7]

Vũ Lạc: Nỗ lực dập bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 02/04/2019 | 08:33:27
1,231 lượt xem
Ngày 26/3, xã Vũ Lạc là địa phương đầu tiên của thành phố Thái Bình xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện chính quyền và người dân trong xã đang nỗ lực dập dịch, khống chế sự lây lan.

Lợn chết được tiêu hủy theo quy định.

Những ngày này, xã Vũ Lạc đang huy động nhân lực, vật lực tập trung cao độ cho công tác dập dịch vì từ khi phát hiện ổ dịch, số lợn ốm, chết phải tiêu hủy không ngừng tăng lên. Lúc đầu chỉ có 2/7 thôn phát hiện tình trạng lợn ốm, chết vì nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng đến nay bệnh dịch đã lan ra 7/7 thôn của xã. Tại khu vực chôn lấp tiêu hủy lợn, số lợn chết vì dịch liên tục được người dân đưa ra, đội kiểm đếm, tiêu hủy làm việc không ngừng tay. Hộ ông Cao Đăng Thành ở thôn Vân Động nuôi 70 con lợn nái và lợn thịt, toàn bộ số lợn đều mắc bệnh đang chờ đưa đi tiêu hủy. 

Trò chuyện với chúng tôi, giọng ông Thành chùng xuống: Nhìn đàn lợn gần đến kỳ xuất chuồng bị ốm, chết nằm la liệt mà gia đình tôi mất ăn, mất ngủ mấy ngày hôm nay. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, mới chăn nuôi lợn được sang năm thứ hai thì bị dịch thế này khiến gia đình tôi khốn đốn.

Cũng như gia đình ông Thành, nhiều hộ chăn nuôi nén tiếng thở dài khi nhìn những con lợn bệnh của gia đình mình bị ném xuống hố để tiêu hủy. 

Ông Phạm Văn Bàn ở thôn Kìm buồn bã: Cả nguồn thu của hai vợ chồng già trông vào 3 con lợn nái, giờ bị mắc bệnh chết hết, chúng tôi cũng chỉ biết tiêu hủy theo quy định rồi vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Chúng tôi mong muốn nhà nước có cơ chế hỗ trợ kịp thời để người chăn nuôi vơi bớt khó khăn.

Luôn sát sao trong công tác chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch, thực hiện các giải pháp khống chế lây lan, những ngày qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương cũng căng mình cùng người dân chống dịch. 

Ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có hơn 600 hộ chăn nuôi với gần 3.500 con lợn. Mặc dù đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, tuy nhiên do bệnh dịch diễn biến phức tạp vẫn phát sinh và lây lan trên toàn xã. Hiện chúng tôi tập trung cao độ cho công tác xử lý đàn lợn ốm, chết, bảo đảm tiêu hủy nhanh gọn, vệ sinh, đồng thời tranh thủ thời tiết nắng ráo ra quân đồng loạt phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế lây lan. Sau khi phát hiện ổ dịch, xã nhanh chóng rà soát, thống kê và tổ chức ký cam kết đối với hơn 500 hộ chăn nuôi, 7 hộ giết mổ, 10 hộ buôn bán thịt, 1 hộ thu mua lợn con, yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không giấu dịch, không mua bán, không giết mổ lợn ốm, chết, không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn. Địa phương cũng bố trí các chốt kiểm dịch động vật để kiểm tra, giám sát các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn.

Để nâng cao nhận thức cho người dân, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là khiến mầm bệnh lây lan. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm. Thực hiện nghiêm việc tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc cho đàn lợn. Tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Tuyệt đối không thực hiện tái đàn, nhập thêm lợn về nuôi trong thời điểm đang có dịch. Thường xuyên theo dõi đàn lợn để kịp thời phát hiện lợn mắc bệnh và có biện pháp xử lý. Đến nay, toàn xã đã tiếp nhận 205 lít hóa chất do tỉnh và thành phố hỗ trợ; tự huy động 2.500kg vôi bột để xử lý ổ dịch và tiêu độc, khử trùng.

Tính đến 16 giờ ngày 28/3, xã Vũ Lạc đã tiêu hủy 158 con lợn với tổng trọng lượng 6.850kg. Hy vọng, với nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ nhanh chóng được khống chế.


Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày