Thứ 2, 25/11/2024, 08:22[GMT+7]

Tiền Hải: Tập trung phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

Thứ 4, 03/04/2019 | 08:37:09
1,219 lượt xem
Hiện nay, 10.114ha lúa xuân của huyện Tiền Hải trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Để chủ động phòng, trừ sâu bệnh, địa phương đã tuyên truyền đến nông dân tình hình sâu bệnh, trong đó có bệnh đạo ôn, rầy các loại, cần tập trung phòng, trừ kịp thời để lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Nông dân Tiền Hải tập trung phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

Có mặt tại thôn Bác Trạch 1, xã Vân Trường những ngày này, trên khắp các cánh đồng bà con nông dân đang tích cực phòng, trừ bệnh đạo ôn, rầy các loại. 

Ông Trần Văn Nghệ cho biết: Để hạn chế các loại sâu bệnh phát sinh trên 5 sào lúa xuân của gia đình, tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những diện tích cấy giống lúa hay nhiễm sâu bệnh, xác định rõ mật độ, từ đó có biện pháp phun phòng, trừ kịp thời, hiệu quả. Giai đoạn này, phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả sẽ có ý nghĩa quyết định đến sự đẻ nhánh, phân hóa đòng vì vậy tôi thực hiện tốt phun thuốc đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách trên những diện tích cần phòng trừ. 

Còn ông Nguyễn Văn Hệ, xã Đông Lâm chia sẻ: Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy trên 5 sào gồm các giống BC15, Bắc thơm. Tôi có nghe thông báo của HTX về tình hình sâu bệnh giai đoạn lúa đẻ nhánh có khả năng lây lan ra diện rộng cần tập trung phòng ngừa sâu bệnh từ ngày 26 - 30/3 nên đã chủ động mua thuốc phun trừ bệnh đạo ôn lá, rầy các loại... 

Theo ông Hệ, để phòng, trừ sâu bệnh cho lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn, trước hết phải thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa để cho cây lúa khỏe, có sức kháng sâu bệnh. Không được phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá, luôn giữ đủ nước trong ruộng từ 2 - 4cm và phun phòng sâu bệnh bằng thuốc đặc hiệu sẽ bảo đảm cho lúa sinh trưởng tốt.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Những ngày qua, thời tiết nắng, mưa thất thường, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh gây hại phát sinh có thể làm ảnh hưởng đến sự phân hóa đòng của lúa vụ xuân sau này. Để bảo vệ lúa xuân, Tiền Hải đã phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh tích cực bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình phát sinh của sâu bệnh để dự tính dự báo. Kết quả dự tính, dự báo rất quan trọng, càng chính xác thì việc chỉ đạo, hướng dẫn phòng, trừ sâu bệnh tới các địa phương sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Với mỗi loại sâu bệnh và tại mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, ngành chuyên môn của huyện đều có những khuyến cáo riêng. Theo dự báo tình hình rầy lưng trắng đang nở rộ mật độ trung bình 20 - 70 con/m2, nơi cao 100 - 300 con/m2, cục bộ ổ 500 - 1.000 con/m2. Đây là lứa rầy có nguy cơ truyền vi rút gây bệnh lùn sọc đen. Ngoài ra, bệnh đạo ôn phát sinh từ đầu tháng 3 đến nay trên các giống lúa hay nhiễm, tỷ lệ bệnh nơi cao 5 - 10%, cục bộ 20 - 30%. Với thời tiết bất thuận, nguồn bệnh có sẵn, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại nặng trên các giống lúa hay bị nhiễm từ nay đến trung tuần tháng 4. Do đó, để đợt phòng, trừ sâu bệnh từ ngày 26 - 30/3 đạt kết quả tốt, huyện Tiền Hải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh cơ sở về các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh để bà con nông dân nắm bắt kịp thời, chủ động trong việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Phun thuốc khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng, trừ. Những ruộng bị nặng cần phun lần 2 cách lần 1 khoảng 5 - 7 ngày. Hướng dẫn nông dân vệ sinh cỏ bờ, thu dọn mạ dư thừa để hạn chế nơi trú ngụ của sâu bệnh. Giữ mực nước hợp lý tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh tập trung. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục phát động nông dân diệt chuột, ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công và thuốc sinh học. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, không để tình trạng bán thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng lưu thông trên địa bàn, nhất là thời kỳ cao điểm sâu bệnh hại lúa xuân.


Mạnh Thắng