Chủ nhật, 24/11/2024, 22:41[GMT+7]

Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Thứ 5, 04/04/2019 | 08:53:03
3,444 lượt xem
Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Với tinh thần không chủ quan, lơ là để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh luôn chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng chức năng xử lý sự cố sạt lở má đê phía đồng tuyến đê biển số 5 đoạn qua địa phận xã Nam Phú (Tiền Hải).

Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, công tác chuẩn bị PCTT và TKCN năm 2018 đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt từ việc xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, đôn đốc tu bổ, sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi; công tác tiền phương, hậu phương, cứu hộ, cứu nạn được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2018, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Chỉ huy, UBND tỉnh ban hành 26 công điện về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả các đợt mưa lớn, lũ, bão. Bên cạnh đó, Văn phòng Ban Chỉ huy còn cùng các huyện, thành phố, các ngành chức năng thống kê các công trình hiện có nằm trong phạm vi bảo vệ đê để từ đó có kế hoạch xây dựng khu tái định cư, kế hoạch di dời và thực hiện di dời các công trình không phù hợp với quy hoạch đê điều của tỉnh. Trong năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và kiến nghị với địa phương xử lý, ngăn chặn 41 vụ vi phạm Luật Đê điều (30 vụ làm nhà, 2 vụ đào đất trong phạm vi bảo vệ đê, 9 vụ vi phạm khác).

Năm 2018, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, số 4 nhưng hoàn lưu bão và các đợt mưa lớn, lũ đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là đợt mưa, lũ từ ngày 13/7 đến ngày 18/7 kết hợp với xả lũ hồ Hòa Bình và hoàn lưu bão đã gây ngập úng cục bộ một số diện tích gieo cấy lúa mùa; một số tuyến đê bị sạt lở mái đê phía đồng như tại đê tả Hồng Hà II, xã Bình Thanh (Kiến Xương) và đê biển số 5, xã Nam Phú (Tiền Hải)...

Nhận định tình hình lũ, bão có khả năng ảnh hưởng đến Thái Bình, Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát và có phương án di dời các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, nhà yếu, lao động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Để ứng phó với hoàn lưu bão số 3 và số 4, toàn tỉnh đã di dời 1.164 chòi nuôi ngao với 1.281 lao động canh coi trên các chòi ngao và 1.907 lao động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản vào trong đê chính an toàn. Các địa phương đã xử lý khẩn trương các sự cố đê điều theo phương châm “4 tại chỗ” được một số đoạn như 7m đê tả Hồng Hà II đoạn qua địa phận xã Bình Thanh (Kiến Xương); 350m đê biển số 5 đoạn qua địa phận xã Nam Phú (Tiền Hải); 10m đê Hồng Hà I đoạn qua địa phận xã Tiến Đức (Hưng Hà)...

Để chủ động PCTT và TKCN năm 2019, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ nhân lực, vật tư cho công tác PCTT và TKCN, chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Quán triệt sâu sắc đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm vững phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập lực lượng canh coi, xung kích, ứng cứu đủ tiêu chuẩn, bảo đảm số lượng, chất lượng và chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng trong nhân dân theo quy định của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh...


Phạm Hưng