Thứ 3, 05/11/2024, 09:21[GMT+7]

Cơ hội tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín

Thứ 6, 05/04/2019 | 09:20:25
725 lượt xem
Dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP) đã bước vào giai đoạn 2 - giai đoạn nhân rộng các công nghệ với 4 đơn vị được lựa chọn từ giai đoạn 1. Không chỉ hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án còn là cơ hội lớn cho nông dân Thái Bình tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cán bộ HTX DVNN Đông Hải (xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ) thăm lúa cấy theo quy trình của đơn vị tham gia dự thi dự án AVERP.

AVERP là cuộc thi tìm kiếm các giải pháp canh tác lúa bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tài trợ được thực hiện tại Thái Bình trong 5 năm (2016 - 2021), tập trung vào các nông hộ, nhà cung cấp đầu vào, nhóm hội, viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan nhà nước, HTX... là những đơn vị có tiềm năng góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Thay vì hỗ trợ trước sản xuất thì AVERP sẽ hỗ trợ sau sản xuất bằng cơ chế kéo, tức là cơ chế thưởng bằng tiền dựa trên kết quả đã thực hiện. Các công đoạn được thực hiện hoàn toàn độc lập và ký hiệu bằng mã hóa. Kết quả về tăng năng suất lúa và giảm lượng phát thải khí nhà kính sẽ được kiểm định bởi Công ty Geo-Solutions và đồng giám sát bởi cơ quan quản lý (Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình. Chính vì vậy, kết quả dự án bảo đảm tính khoa học và tính khả thi của các công nghệ.

Giai đoạn 2 của dự án thực hiện trong 2,5 năm, gồm 4 vụ lúa liên tiếp bắt đầu từ vụ xuân 2019, kết thúc vào vụ mùa năm 2020. Hiện tại trong vụ xuân 2019, 4 đơn vị được lựa chọn tham gia ở giai đoạn 2 bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Giống cây trồng - Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã triển khai gói công nghệ tới 60 HTX trong toàn tỉnh. Các nông hộ được tham gia mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín từ áp dụng đúng quy trình gói công nghệ đến liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo đánh giá bước đầu của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, các địa phương và nông hộ tham gia nhiệt tình, tuân thủ theo gói công nghệ mà đơn vị dự thi đưa ra.

HTX DVNN Đông Hải (xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ) là 1 trong 60 HTX được hai đơn vị tham gia dự thi lựa chọn triển khai gói công nghệ. Ông Nguyễn Đăng Tước, Phó Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi được hai đơn vị tham gia dự thi lựa chọn triển khai gói công nghệ là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với diện tích trên 13ha, 123 hộ dân tham gia. Sử dụng 2 giống lúa: Bắc thơm 7, ĐS1 (lúa Nhật) với mật độ cấy, quy trình canh tác khác nhau. Đến nay, nhìn chung lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chưa có sâu bệnh. Được cán bộ kỹ thuật của các đơn vị “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật của gói công nghệ, ngoài ra, các đơn vị còn hỗ trợ nông dân 1/3 chi phí mua phân bón, bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên nông dân tham gia mô hình có trách nhiệm, tuân thủ nghiêm quy trình từ thời vụ, giống, chăm bón, điều tiết nước...

Kết quả dự án AVERP được kiểm định, giám sát bởi nhiều đơn vị độc lập, bảo đảm tính khoa học và tính khả thi của các công nghệ.


Tiêu chí để đánh giá công nghệ đạt giải thưởng ở hiệu quả về số lượng nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí nhà kính được cắt giảm và mức tăng năng suất. Do vậy, theo cơ chế “kéo” 3 vụ tiếp theo, các đơn vị dự thi sẽ mở rộng liên kết với nhiều HTX nông nghiệp, nhiều nông hộ sản xuất lúa trong toàn tỉnh. Đây sẽ là cơ hội cho nông dân Thái Bình tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo khép kín, được tiếp cận với công nghệ canh tác lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm lượng phát thải khí nhà kính...

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày