Nghệ sĩ của rừng xanh
Hội ngộ đua tài
Năm nay đã ở tuổi 83, nhưng ông Tạ Quang Hòa vẫn cùng các hội viên trong câu lạc bộ họa mi Bưởi, thành phố Hà Nội trở về Thái Bình tham dự hội thi chim họa mi tỉnh Thái Bình mở rộng. Ông Hòa chia sẻ: Đây đã là lần thứ 5 ông đến Thái Bình tham dự hội thi này nhưng cảm giác hồi hộp, mong chờ màn tranh tài của những chú chim họa mi thì vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên. Đường xa, hội thi lại được tổ chức từ sớm, vậy nên câu lạc bộ của ông đã ở Thái Bình từ ngày hôm trước để những chú chim có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc đua tài.
Đối với ông Hòa, người đã có kinh nghiệm hơn 50 năm gắn bó với thú chơi chim họa mi, tham gia những cuộc thi như thế này không còn là cuộc ganh đua về giải thưởng hay chứng minh cho bản lĩnh, khả năng của một người chơi chim họa mi đã có thâm niên mà nó như cuộc trở về, hồi tưởng lại cả thời tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết. Bởi vậy, ông tâm sự, những cuộc giao lưu trên khắp mọi miền đất nước giúp cho ông có thể truyền dạy kinh nghiệm, tiếp lửa đam mê cho những người chơi mới. Có lẽ chính bởi “chơi cá dưỡng tâm, chơi chim dưỡng trí, chơi cây dưỡng thần” mà giờ đây, thú chơi chim họa mi nói riêng không còn là của người già nữa mà rất được giới trẻ yêu thích.
Hội thi chim họa mi tỉnh Thái Bình mở rộng thu hút hơn 200 lồng chim từ 54 câu lạc bộ trên toàn miền Bắc tham dự.
Đã là lần thứ 5 câu lạc bộ chim họa mi Thái Bình tổ chức hội thi chim họa mi tỉnh Thái Bình mở rộng, vậy nên công tác tổ chức đã được lên kế hoạch từ hơn 2 tháng trước và thực hiện chu đáo. Trải qua 5 vòng, với hình thức thi thanh - sắc - bộ, những chú chim có kiểu dáng đẹp, khỏe mạnh và giọng hót hay đã được chọn vào vòng chung kết. Sự công tâm của trọng tài cùng sự minh bạch trong khâu tổ chức đã đem lại niềm hứng khởi cho các nghệ nhân và người nuôi chim. Hội thi năm nay kết thúc, họ lại hẹn nhau sẽ rèn luyện những chú chim họa mi hơn nữa để cùng tranh tài vào dịp này năm sau.
Thú chơi cũng lắm công phu
Cứ chiều chiều, trên khoảng sân rợp bóng cây xanh trước hiên nhà, ông Nguyễn Xuân Thùy ở thành phố Thái Bình lại cần mẫn với công việc dọn lồng, thay nước uống, cho chim ăn, rồi tắm rửa cho chim,... Nổi tiếng trong câu lạc bộ chim họa mi Thái Bình bởi sở hữu hơn 50 chú chim họa mi ở mọi độ tuổi nên ông Thùy cũng tự thừa nhận việc chăm sóc cho những chú chim đã chiếm khoảng thời gian không nhỏ trong ngày. Sống giữa không gian thành phố chật hẹp, nhiều nhà cao tầng, xe cộ đông đúc, khói bụi ô nhiễm, những chú chim họa mi nhỏ xinh ấy như níu giữ ông về với thiên nhiên, về với những phút giây thảnh thơi, thư thái trong tâm hồn.
Ông Thùy tâm sự, những chú chim họa mi đều được dày công lựa chọn và mang về từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Thông thường, để luyện được một chú chim họa mi thuần phải mất từ 4 - 6 tháng, tuy nhiên, trường hợp cá biệt, cũng có những con cần thời gian đến một năm hoặc hơn. Một điều hết sức quan trọng khi chăm sóc cho những chú chim họa mi, đó là lúc nào người nuôi cũng phải giữ một thái độ nhẹ nhàng. Tuy chưa có chứng cứ khoa học khẳng định mối liên hệ giữa thái độ của người nuôi với mức độ thuần của chim nhưng những người yêu chim cảnh đều nhận thấy rằng những chú chim khi được chăm sóc với sự dịu dàng, nhẹ nhàng, âu yếm sẽ dễ dàng được thuần hóa hơn khi phải tiếp xúc với một khuôn mặt dữ tợn hay những hành động mạnh bạo.
Đã hoạt động từ 10 năm nay, câu lạc bộ chim họa mi tỉnh Thái Bình hiện có 45 thành viên ở mọi lứa tuổi, ngành nghề cùng tham gia sinh hoạt, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới những cuộc thi lớn để những chú chim có cơ hội được rèn luyện, đo tài. Là một thành viên tích cực của câu lạc bộ, anh Bùi Minh Quang ở phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình đến với thú vui này như một liều thuốc biệt dược giúp tinh thần sảng khoái hơn. Làm việc trong lĩnh vực kinh doanh nhiều bận mải, áp lực và căng thẳng, anh Quang vẫn thường xuyên dành thời gian để đưa những chú chim họa mi của mình tham gia vào các buổi dượt chim của câu lạc bộ được tổ chức định kỳ trong tuần.
Cứ chiều chiều, ông Nguyễn Xuân Thùy lại cần mẫn với việc dọn lồng, thay nước uống, cho chim ăn, rồi tắm rửa cho chim...
Tại những buổi dượt ấy, những chú chim họa mi được bọc kín trong lồng bởi lớp áo phủ, chỉ đến lúc nào tụ họp đầy đủ, người nuôi mới tháo từng lớp vải cho chim được nhìn thấy nhau. Với những người chơi chim họa mi lâu năm, chỉ cần nghe tiếng hót là đã biết quá trình tập luyện của con chim được đến đâu. Chính bởi vậy mà đẳng cấp của người chơi chim cũng được thể hiện qua kỹ năng luyện tập cho chim cảnh.
Giữa nhịp sống hối hả thường nhật, con người ta vẫn thường lãng quên đi bao giá trị vốn có của thiên nhiên. Nhưng hãy thử thong dong trong một buổi chiều ngập nắng trên con đường rợp bóng cây xanh và được ngắm nhìn chú chim họa mi nhỏ xinh, thật duyên dáng trong bộ lông mượt mà, mềm mại cùng giọng hót lanh lảnh, luyến láy, lúc lên bổng, khi xuống trầm, thì đó, quả là món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng.
Ông Tạ Quang Hòa, câu lạc bộ chim họa mi Bưởi, thành phố Hà Nội Trước đây không có những hội thi như thế này nên những người đam mê thú chơi chim họa mi như chúng tôi không có cơ hội được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, niềm đam mê có lúc cũng thui chột dần. Đây là một thú chơi không tốn nhiều thời gian, không cần đầu tư nhiều về vật chất nhưng đem lại những giá trị về mặt tinh thần vì đã nghĩ đến những thú vui tao nhã như thế này thì những suy nghĩ xấu hay tiêu cực cũng sẽ tránh xa được. Ông Bùi Minh Quang, phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình Đã gắn bó với thú chơi chim họa mi từ hơn 10 năm nay, cảm nhận là việc chăm sóc những chú chim họa mi giúp mình trở nên điềm tĩnh, vui vẻ hơn sau những giờ làm việc nhiều căng thẳng, áp lực. Bởi vậy, gia đình cũng rất ủng hộ thú chơi này. Khi có thời gian rảnh rỗi, mình thường cùng các anh em trong câu lạc bộ chim họa mi Thái Bình đưa chim đi dượt để chúng có cơ hội giao lưu, bạo dạn hơn. Bà Bùi Thị Tuyết Lan, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội Tôi và hai con về Thái Bình để ủng hộ chồng tôi tham gia hội thi. Chuyến đi này thực sự rất vui vì công tác tổ chức hội thi rất tốt, từ khâu đón tiếp, chuẩn bị chỗ ăn chỗ nghỉ, đến các hoạt động trong ngày hội thi diễn ra,... Các con của tôi có dịp hiểu biết hơn về một thú chơi lành mạnh, từ đó, thêm yêu thiên nhiên, yêu động vật hơn. Thực sự cuộc sống thường ngày rất bận mải, căng thẳng, nhưng về với hội thi này thì mình cảm thấy bình yên, vui vẻ hơn. |
Anh Tú
Tin cùng chuyên mục
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
- Đề xuất xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành 23.11.2024 | 17:03 PM
- Dừng hoạt động dịch vụ chèo thuyền kayak ở đảo Cát Bà 23.11.2024 | 17:04 PM
- Nhân lên tình cảm hữu nghị, hiện thực hóa khát vọng phát triển hùng cường 23.11.2024 | 17:04 PM
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO 23.11.2024 | 17:04 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng