Thứ 7, 06/07/2024, 03:15[GMT+7]

Tăng cường công tác quản lý trong trường học, nâng cao đạo đức nhà giáo

Thứ 6, 12/04/2019 | 08:35:15
1,007 lượt xem
Vừa qua, trường hợp thầy giáo Trường THPT Chuyên Thái Bình có những tin nhắn trên mức tình cảm thầy trò với nữ sinh khiến dư luận xôn xao. Ngay khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo nhà trường đã xác minh và tạm thời đình chỉ công tác thầy giáo.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Hòa Bình (Vũ Thư).

Sau một thời gian làm việc giữa các bên liên quan, ngày 18/3, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định điều chuyển công tác thầy giáo này đến làm nhân viên tại một trung tâm giáo dục thường xuyên. Lý do điều chuyển là do đã “vi phạm đạo đức nhà giáo”.

Ông Hoàng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Qua kiểm tra, có những đơn vị thực hiện khá tốt song cũng có những đơn vị còn chưa thường xuyên quán triệt, triển khai nội dung các văn bản đến cán bộ, giáo viên, học sinh; việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đối với giáo viên phổ thông thực hiện còn hạn chế; một số đơn vị còn chưa xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trong quá trình kiểm tra, các thành viên trong đoàn cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định về đạo đức nhà giáo, công tác tổ chức và các giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện dân chủ, nội dung xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học trong giai đoạn hiện nay; triển khai quy chế phối hợp nâng cao đạo đức nhà giáo...

Thời gian qua, tại Vũ Thư chưa xảy ra trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng song toàn ngành cũng không chủ quan, thay vào đó tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đánh giá, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, giúp đỡ kịp thời các giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống và công tác; bảo đảm trong nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục không có giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy chế chuyên môn, nghiệp vụ. 

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Không chỉ quán triệt sâu sắc các công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở đội ngũ cán bộ quản lý phải quan tâm hơn nữa đến đời sống, tình cảm của giáo viên và học sinh, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những trường hợp có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, Phòng giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Hoàng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các nội dung chuyên đề quy tắc ứng xử trong trường học; tổ chức tập huấn cho giáo viên cách nhận diện, phòng ngừa, hỗ trợ tâm lý khi các tình huống xấu xảy ra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý đối với các cấp học; bồi dưỡng tư tưởng chính trị, phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy, các đoàn thể trong nhà trường. Các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện tốt các chuyên đề tuyên truyền đạo đức nhà giáo, quy chế dân chủ trong nhà trường nhằm nhân rộng các điển hình, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Đặng Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày