Thứ 6, 22/11/2024, 09:27[GMT+7]

Tiền Hải: Quyết liệt dập bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 3, 16/04/2019 | 08:50:05
1,559 lượt xem
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn sau khi phát hiện nhưng đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Tiền Hải vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đã có 7 xã công bố dịch.

Các hộ chăn nuôi ở huyện Tiền Hải phun hóa chất phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, qua thực tế tìm hiểu nguyên nhân việc lây lan nhanh chủ yếu tập trung tại các xã giáp ranh với huyện Kiến Xương, do thương lái ngoài huyện vào mua lợn thịt, lợn con của các hộ dân và bệnh lây nhiễm từ nguồn nước tại các hộ có lợn mắc bệnh tại các xã An Ninh, Vũ Lăng, Tây An, Tây Lương đều nằm dọc sông Sứ chảy từ Kiến Xương về Tiền Hải, do người dân phát hiện có lợn chết thả trôi sông dạt vào địa phương. Các hộ chăn nuôi thường vớt bèo, rau muống lấy từ sông về cho lợn ăn nên lợn mắc bệnh. Ngoài ra, hiện nay thời tiết thay đổi, sức đề kháng của lợn giảm nên dễ nhiễm bệnh. 

Tính đến ngày 8/4, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 7 xã: Vân Trường, An Ninh, Vũ Lăng, Phương Công, Tây Lương, Tây An, Tây Phong, phạm vi 21 thôn, số lượng tiêu hủy 397 con, trọng lượng 16.556kg. Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, với sự chủ động của người dân, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã khẩn trương nắm bắt tình hình dịch bệnh, trong đó kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch. Công bố dịch bệnh của các xã theo quy định của ngành chuyên môn và áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống lây lan. Đặc biệt, nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. 

Cùng với các chốt kiểm dịch của các xã, huyện cũng lập 3 chốt tại cầu Trà Lý, xã An Ninh và xã Bắc Hải nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn từ vùng có dịch của huyện giáp ranh vào các xã. Thời gian qua, tại các chốt đã dừng 8 xe vận chuyển lợn tại các huyện có dịch vào địa phương. Huyện đã triển khai 2 đợt tiêu độc, khử trùng tại các vùng chăn nuôi, trang trại với 6.548kg hóa chất và 50 tấn vôi bột. Tại các ổ dịch huyện đã tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây lan sang điểm mới, ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Về nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, Tiền Hải sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bao vây, khống chế ổ dịch không để lây lan ra điểm mới. Tiếp tục tuyên truyền mạnh hơn nữa, khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hình thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cho lợn ăn thức ăn đã nấu chín. Ngoài vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại vùng tâm dịch, công tác phòng, chống không để dịch lây lan sang các thôn, xã khác cũng được UBND huyện chú trọng. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó cần tiêu độc, khử trùng vùng chăn nuôi, trang trại, gia trại theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn. Đặc biệt, yêu cầu các xã phải kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi tại các hộ, nghiêm cấm người dân giấu dịch, tẩu tán lợn bị bệnh. Giám sát chặt chẽ các dòng sông chảy vào địa bàn, khi phát hiện lợn chết trôi sông cần báo ngay chính quyền, cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Các địa phương đã phát sinh ổ dịch tăng cường triển khai các biện pháp dập dịch, tiêu diệt mầm bệnh để dịch bệnh không lây lan trên diện rộng. Các địa phương chưa có lợn nhiễm bệnh phải chủ động phòng, chống dịch. Cơ quan chuyên môn khẩn trương xác định cách thức nguồn bệnh phân tán, lây lan để xây dựng phương án phòng, chống hợp lý, hiệu quả. Yêu cầu các địa phương thông báo công khai việc hỗ trợ mức giá của nhà nước đối với các hộ có lợn bị tiêu hủy. Bố trí khu vực tiêu hủy lợn xa khu dân cư tránh gây ô nhiễm môi trường.


Mạnh Thắng