Thứ 7, 23/11/2024, 00:18[GMT+7]

Thái Bình tạo đà bứt phá sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại

Thứ 3, 16/04/2019 | 08:54:11
2,576 lượt xem
Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, với cơ hội “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Thái Bình đã và đang có nhiều giải pháp bứt phá để sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ trong dịp về dự lễ khởi công các công trình trọng điểm đầu xuân 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình ngày 14/2/2019.

Thái Bình là tỉnh tốp đầu các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ 3 năm liền tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số, cán đích trước thời hạn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, với cơ hội “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Thái Bình đã và đang có nhiều giải pháp bứt phá để sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ trong dịp về dự lễ khởi công các công trình trọng điểm đầu xuân 2019. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Phóng viên: 

Thưa đồng chí, được biết Thái Bình là tỉnh tốp đầu các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ 3 năm liền tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số. Cơ sở nào để Thái Bình có tốc độ bứt phá như vậy?

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: 

Trước hết, phải nói rằng Thái Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, từng được mệnh danh là “địa linh, nhân kiệt”. Ở thời đại nào cũng xuất hiện những bậc hiền tài “kinh bang tế thế” góp phần làm rạng rỡ cho non sông, đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở mọi thời kỳ, Thái Bình luôn là tỉnh gương mẫu đi đầu trong các phong trào cách mạng. Trong 2 cuộc trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Thái Bình là hậu phương vững chắc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, vượt lên đạn bom giặc Mỹ lập lên kỳ tích 5 tấn thóc/ha, làm nức lòng quân dân cả nước hăng hái diệt giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Thái Bình lại đi đầu phong trào “điện - đường - trường - trạm” và góp phần mở ra nền dân chủ ở cơ sở. Hệ thống chính trị qua các thời kỳ luôn vững vàng và đoàn kết. Người dân Thái Bình cần cù năng động, sáng tạo. Đó là tài sản, kho báu vô giá, là cơ sở và nền tảng cho Thái Bình tạo đà bứt phá hôm nay.

Với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, Thái Bình đã có nhiều giải pháp đồng bộ, năng động, sáng tạo phù hợp với tình hình địa phương và xu thế thời đại, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đẩy nhanh tốc độ đạt chuẩn nông thôn mới ở tất cả các xã trong năm 2019, Thái Bình luôn chú trọng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và xây dựng, xác định rõ công nghiệp, dịch vụ trong tương lai sẽ là động lực và dư địa chủ yếu của tăng trưởng kinh tế; khơi dậy, phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh ở các địa phương. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch và mở ra một loạt các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị và dịch vụ hướng biển, thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh đã tạo nên giá trị kinh tế lớn. Thương mại, dịch vụ được quan tâm phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi; vì thế, thu ngân sách trên địa bàn luôn vượt xa dự toán được giao. Đồng thời với mở rộng và thu hút đầu tư, Thái Bình rất quyết liệt trong cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm chính trị, pháp lý của mỗi cán bộ, công chức, vị thế và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong các hoạt động, tạo nên sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, luôn giữ ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đó là những cơ sở vững vàng, tạo đà cho Thái Bình 3 năm liền tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số; trong đó, năm 2018 GRDP tăng 10,53%, giá trị sản xuất tăng 12,25% so với năm 2017, vượt xa mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục vượt dự toán được giao, năm 2018 đạt gần 8.500 tỷ đồng, gần gấp 2 lần so với năm cuối nhiệm kỳ trước.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra sản xuất nông nghiệp tại xã Vân Trường (Tiền Hải).

Phóng viên: 

Trên nền tảng của một tỉnh đã và đang cán đích chuẩn nông thôn mới, đầu năm 2019, Thái Bình tiếp tục khởi công một loạt các công trình trọng điểm. Đặc biệt là Khu kinh tế Thái Bình. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của dự án đó?

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: 

Kết thúc năm 2018, Thái Bình đã có 236/263 xã đã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chiếm gần 90% các xã trong toàn tỉnh. Còn lại 27 xã đều đạt từ 15 - 18 tiêu chí, phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% số xã trong tỉnh cán đích nông thôn mới. Đến thời điểm này, có thể nói Thái Bình là tỉnh đi đầu trong cả nước về cung cấp nước sạch cho 100% dân cư nông thôn và cứng hóa hệ thống giao thông ở cơ sở trong tỉnh. Trên cơ sở phát triển bền vững đó, Thái Bình tiếp tục hoàn thiện, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn kiểu mẫu theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phấn đấu hết năm 2020 hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện.

Song hành với việc đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới, Thái Bình đã triển khai một loạt dự án trọng điểm mang tính đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện, bền vững cho một tỉnh có cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp trong tương lai. Khu kinh tế Thái Bình là dự án trọng điểm có quy mô gần 31.000ha trên địa phận 31 xã, thị trấn của hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy đã hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cũng là 1 trong 3 đột phá chiến lược để tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Đó là khu vực có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; kết nối giao thông đường thủy, đường bộ, lưu thông trao đổi hàng hóa với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Thái Bình; bao gồm các khu chức năng: khu trung tâm điện lực, khu công nghiệp, khu cảng và dịch vụ cảng, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ, khu dân cư đô thị và dịch vụ thương mại... Ngày 21/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình.

Mục tiêu phát triển chủ yếu là khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của khu vực ven biển để xây dựng, phát triển Khu kinh tế theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, năng động, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội; từng bước trở thành khu vực động lực, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Lộ trình đã được đặt ra là:

- Năm 2019, hoàn thành quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu chức năng trung tâm và xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế. Hoàn thành xây dựng kế hoạch, xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng và sản xuất, kinh doanh trong Khu kinh tế; chuẩn bị quỹ đất, kế hoạch tái định cư. Triển khai thi công xây dựng một số công trình hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm đã có chủ trương đầu tư.

- Năm 2020, hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng. Thu hút đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng, hạ tầng đô thị có tính động lực và các dự án liên quan đến công tác tái định cư.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, bảo đảm tương đối đồng bộ và đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; định hình phát triển các đô thị biển hiện đại, văn minh, gắn kết với các khu chức năng sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư 500.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế theo các ngành công nghiệp - xây dựng từ 55 - 60%; thương mại, dịch vụ từ 28 - 30%; nông, lâm, thủy sản từ 10 - 17%. Tạo việc làm mới cho khoảng 40.000 - 50.000 lao động, có mức thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân chung của tỉnh. Từ đó nâng tỷ trọng công nghiệp của tỉnh tăng gần 2 lần so với hiện tại, là cơ sở và nền tảng để Thái Bình có bước đi đột phá trong tương lai.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Nam Dong.

Phóng viên: 

Để nâng tỷ trọng công nghiệp sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ, Thái Bình đã có những giải pháp nào để thu hút đầu tư, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: 

Nếu đến năm 2025, Thái Bình hoàn tất lộ trình xây dựng Khu kinh tế Thái Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì tỷ trọng công nghiệp đã chiếm ưu thế trong nền kinh tế của địa phương, là cơ sở và đủ điều kiện để có cơ cấu kinh tế của một tỉnh công nghiệp, nông nghiệp. Chính vì thế, ngày 21/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình nhằm đề ra những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, đủ mạnh để toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quán triệt thực hiện. Mục tiêu được đặt ra là xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội. Từ đó tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch tổng thể và chi tiết, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư với ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành. Thực hiện nhất quán chủ trương xã hội hóa nguồn lực và đa dạng hóa hình thức đầu tư. Cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, yếu tố then chốt mang tính bền vững là sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính vì thế, Thái Bình đang tập trung hoàn thiện kế hoạch huy động và danh mục công trình đầu tư bằng các hình thức đầu tư đối tác công tư (BT, BOT, BLT, BTO...). Chú trọng xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, có uy tín thực hiện đầu tư, ưu tiên thu hút những dự án đầu tư có quy mô lớn, có tính liên kết vùng, tỷ lệ nội địa cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường tạo ra giá trị lớn, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Từ đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng về làm việc tại tỉnh phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển.

Thái Bình luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước và cam kết bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh, có kết cấu hạ tầng bền vững, chính sách ưu đãi thông thoáng và mặt bằng “sạch” cho các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, sáng tạo, đóng góp nhiều cho địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Thái Bình khuyến khích, bảo vệ, đồng hành và được xem như là ân nhân của tỉnh, bởi phương châm hành động của Thái Bình hiện nay là “Giúp doanh nghiệp vươn mình, để Thái Bình phát triển”.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Trọng Thắng
Thành phố Thái Bình

 (thực hiện)