Thứ 7, 04/01/2025, 21:10[GMT+7]

Trầm mặc đền Năm Thôn

Thứ 3, 16/04/2019 | 11:04:32
8,940 lượt xem

Trải ngàn năm, đền Năm Thôn vẫn trầm mặc bên dòng Bích Giang.

Theo các tài liệu khảo luận vào những năm đầu Công nguyên vùng đất cổ huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ, nước An Lạc có trang Xích Bích phì nhiêu, trù mật, dân cư đông đúc. Trang Xích Bích có đền thờ Đại tướng quân Hùng Quang Cảo và là một trong năm xã của tổng Xích Bích (nay là xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ) gồm 3 làng: làng Xích Ngọc (nay là thôn Cẩn Du và Thượng Thọ), làng Xanh Bính (nay là thôn An Khoái, tên khác là An Để), làng Phú Triều (nay là thôn Đại Phú và La Triều). Sau năm 1954, xã Quỳnh Sơn chính thức có năm thôn là An Khoái, Cẩn Du, Thượng Thọ, Đại Phú và La Triều.

Theo lời kể của các bậc cao niên, đền Năm Thôn thờ danh tướng Hùng Quang Cảo thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc, giữ nước được xây dựng trên một gò đất cao cạnh sông Bích Giang. Trải bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, dòng Bích Giang bị bồi trúc bởi các sông lớn như sông Hồng, sông Luộc… sau đó chỉ còn một đoạn và địa thế tiếp tục thay đổi khiến đoạn sông dần trở thành một hồ nước. Đền Năm Thôn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1214/QĐ ngày 30/10/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nghìn năm qua vẫn trầm mặc soi mình in bóng nước của dòng “cổ giang” xưa…

Chuyến điền dã về vùng đất cổ Chu Diên tìm hiểu về truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ thời kỳ đầu công nguyên, đặc biệt là sự hy sinh của các anh hùng, liệt nữ thời Hai Bà Trưng, tôi được ông Nguyễn Trọng Diện thủ từ đình Cẩn Du nơi thờ anh linh liệt nữ Đinh Thị Tố là mẫu thân của Đại tướng quân Hùng Quang Cảo cùng những người con của năm thôn thuộc trang Xích Bích xưa đã hy sinh trong lịch sử đấu tranh chống giặc Đông Hán xâm lăng bảo vệ độc lập dân tộc cho biết các thần phả, ngọc phả và thần tích còn lưu giữ được cùng truyền ngôn về làng Xích Ngọc, trang Xích Bích, tổng Xích Bích (nay là thôn Cẩn Du) thời đầu công nguyên đất nước ta (nước An Lạc) bị nhà Đông Hán xâm lược chúng chia nước ta ra thành bốn quận để dễ bề cai trị và đàn áp dân ta. Dưới sự cai trị của nhà Đông Hán nhân dân ta vô cùng khổ cực, lầm than. Không chịu làm nô lệ, nhân dân ta đã kề vai sát cánh cùng nhau đánh đuổi giặc xâm lăng, hàng loạt cuộc khởi nghĩa nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của nhà Đông Hán diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó cuộc dấy binh khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hát Môn (tỉnh Phú Thọ) thu hút nhiều anh hùng, liệt nữ vùng đất Chu Diên tham gia. Câu chuyện giữa chúng tôi xoay quanh cuộc tụ nghĩa của hai mẹ con bà Đinh Thị Tố và con trai là Hùng Quang Cảo người làng Xích Ngọc có công lao lớn chống giặc Đông Hán hiện được nhân dân năm thôn hương khói phụng thờ. Ông Diện cho biết,  thần tích còn lưu giữ tại đình Cẩn Du và truyền ngôn dân gian nói rõ bà Đinh Thị Tố có chồng là Hùng Thiện vốn dòng dõi con cháu vua Hùng. Hai người vốn sinh ra tại phủ Hưng Hóa (nay là tỉnh Tuyên Quang), ông Hùng Thiện vốn là người tài đức, văn võ song toàn, còn bà Đinh Thị Tố là một phụ nữ đảm đang, nhân hậu, nhưng hai người muộn đường con cái. Ông bà Thiện Tố sống tích đức, làm nhiều việc thiện nên trời đã thương cho ông bà sinh hạ được một người con trai. Ông bà Thiện Tố hết sức vui mừng đặt tên con là Quang Cảo. Nhà Đông Hán xâm lược An Lạc, chúng phái Tô Định làm Thái thú Giao Châu. Nhận thấy Hùng Thiện có chữ nghĩa lại được lòng nhân dân, Tô Định cho ông giữ chức tri huyện Thần Khê, đóng dinh sở tại trang Xích Bích. Vốn tính thương dân lại căm uất quân cướp nước gây bao đau thương khổ cực cho dân chúng, thay vì ung dung tận hưởng bổng lộc quan huyện dưới thời Thái thú Tô Định, ông Hùng Thiện đã đứng lên tập hợp dân làng, phá doanh sở thu thuế của nhà Hán, lập khu phòng thủ An Để (tức An Khoái ngày nay) mưu sự đánh tan quân xâm lược Đông Hán. Được tin báo Hùng Thiện tập hợp dân chúng chống nhà Đông Hán đô hộ, Tô Định đã lập mưu hãm hại Hùng Thiện. Huyện trưởng Hùng Thiện bị truy sát khi Hùng Quang Cảo vừa tròn 9 tuổi. Tô Định chưa từ bỏ dã tâm “nhổ cỏ tận gốc”, hắn sai cho lính về trang Xích Bích để truy sát vợ con Hùng Thiện, tiện tay truy sát cả dòng họ Đinh của bà Đinh Thị Tố. Để tránh thảm họa, người dân An Để tìm cách giúp bà Đinh Thị Tố cùng con trai Hùng Quang Cảo chạy về Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh nay) nương nhờ cửa Phật. Ở Yên Tử, bà Đinh Thị Tố được sự đùm bọc, chở che của nhà chùa, bà nuôi dạy Hùng Quang Cảo sớm có ý chí “đền nợ nước, trả thù nhà”, không khoanh tay đứng nhìn giang sơn chìm đắm trong ách đô hộ của nhà Đông Hán, bà cho con tầm sư học đạo, quyết nuôi chí lớn phục quốc, báo thù chồng. Được thừa hưởng khí chất của người cha vốn dòng dõi vua Hùng, chả mấy chốc Hùng Quang Cảo lớn khôn và trở thành chàng trai văn võ song toàn. Được mẫu thân động viên, khích lệ, năm 18 tuổi Hùng Quang Cảo nghe tin Hai Bà Trưng dấy binh, khởi nghĩa ở Hát Môn, Hùng Quang Cảo đã cùng mẫu thân tìm đến Hát Môn xin gia nhập đội quân khởi nghĩa và được yết kiến Trưng Nữ Vương, hai mẹ con bà Đinh Thị Tố vui mừng quay trở lại trang Xích Bích truyền hịch, kêu gọi hiền tài dấy binh chống giặc Đông Hán. Nhân dân trang Xích Bích sẵn có mối căm thù giặc Đông Hán sâu sắc giờ lại có người dấy binh tụ nghĩa mà không ai khác là con trai huyện trưởng Thần Khê Hùng Thiện, người từng giải thoát nạn đói cho nhân dân dưới thời Thái thú Tô Định nên nhân dân quanh vùng và trang Xích Bích nhất tề đi theo. Đầu năm 40 đại quân của Hùng Quang Cảo kéo về Hát Môn hội quân với Hai Bà Trưng. Tại đây Hùng Quang Cảo cùng mẫu thân đã lãnh đạo đại binh, xông pha trận tiền, tiến đánh Tô Định. Đại binh của tướng quân Hùng Quang Cảo khiến cho chính quyền đô hộ Đông Hán do Thái thú Tô Định cầm đầu nhanh chóng tan rã. Tô Định phải bỏ thành trì, ấn tín, cắt tóc, caọ râu, lẩn trốn về Nam Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Trưng Trắc lên ngôi vua xưng Trưng Vương, nhân dân được miễn thuế. Trưng Vương phong Hùng Quang Cảo là Hiển Hách Đại vương. Phong cho bà Đinh Thị Tố là Trang Túc Vua bà. Đất nước thanh bình, Đại tướng quân Hùng Quang Cảo dâng tấu xin Trưng Vương cho về trang Xích Bích lập cung quán ở làng Do (Cẩn Du) để mẫu thân Đinh Thị Tố nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng do tuổi già sức yếu và ở làng An Khoái làm nơi du ngoạn bên dòng sông Bích.

Năm 42, nhà Hán sai Mã Viện đem hai vạn quân sang xâm lược nước ta. Đại tướng quân Hùng Quang Cảo được lệnh của Trưng Vương dẫn đại binh chặn đánh giặc tại Quỷ môn quan (tức là ải Chi Lăng, Lạng Sơn). Thế giặc quá mạnh, Đại tướng quân Hùng Quang Cảo tả xung, hữu đột rồi bị thương, ông mở đường máu rút quân về Thần Khê, cung quán thôn An Để rồi hoá ở đó. Để tưởng nhớ công lao Trang Túc Vua bà Đinh Thị Tố và Đại tướng quân Hùng Quang Cảo, đồng thời tưởng niệm các nghĩa sĩ là người con trang Xích Bích thuộc năm thôn đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, nhân dân đã xây dựng đền Năm Thôn để phụng thờ tiên liệt.

Ông Ngô Xuân Tạt, trưởng ban quản lý di tích lịch sử đền Năm Thôn, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ

Đền Năm Thôn, đình Cẩn Du là di sản văn hóa vô giá của quê tôi, là trang sử truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất của quê hương Quỳnh Sơn nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Ngôi đền hiện nay từng được tôn tạo với phong cách, kiến trúc thời Nguyễn. Đền vẫn còn giữ được 6 trên 7 đạo sắc phong thời Lê, Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Diện, thủ từ đình Cẩn Du, thôn Cẩn Du, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ

Đình Cẩn Du (thôn Do xưa) là nơi Đại tướng quân Hùng Quang Cảo xây cung quán (hay còn gọi là dinh thự) cho thân mẫu của mình là Trang Túc Vua bà Đinh Thị Tố. Đình có ba bức đại tự từ thời tối cổ được nhân dân lưu giữ đến bây giờ. Bên trái đại bái treo bức đại tự có bốn chữ “Trang Túc Đại Vương”, chính giữa đại bái ngôi đình có bức đại tự ghi bốn chữ “Vạn Cổ Anh Phong” và một bức bên phải ghi “Thiên Thu Tiết Liệt”. Tất cả ba bức đại tự trên đầu do các triều đại phong kiến phong tặng.

Ông Phạm Khắc Đông, thủ từ đền Năm Thôn, thôn An Khoái, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ

Đền Năm Thôn có lễ nhận sắc, bởi vì có năm thôn chung một ngôi đền nên sắc phong lần lượt được giao cho các thôn (bây giờ chỉ mang tính tượng trưng). Lễ nhận sắc thường được tổ chức vào dịp nông nhàn khi lúa đang thì con gái, bèo hoa dâu đã kịp phủ kín cánh đồng. Lễ nhận sắc là một ngày hội lớn của người dân năm thôn chúng tôi.


Quang Viện

trường Sinh - 4 năm trước

ngôi Đền rất linh thiêng, lễ đền nguyện vọng đều thành tựu,

Nguyễn Ngọc Lâm - 5 năm trước

Rất cảm ơn Báo đã thông tin về ngôi đền Năm Thôn quê tôi xã Quỳnh Sơn _ quê hương anh hùng trong kháng chiến.

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày