Thứ 2, 25/11/2024, 12:25[GMT+7]

Đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh

Thứ 5, 18/04/2019 | 19:19:12
1,816 lượt xem
Chiều ngày 18/4, Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh năm 2018, quý I năm 2019, đề xuất phương hướng, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử năm 2019 - 2020 định hướng đến năm 2025.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh chủ trì hội nghị.

Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần xây dựng hiệu quả CQĐT tại các đơn vị, địa phương. 

Trong đó, đã hoàn thành thiết lập thử nghiệm dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh với địa chỉ http://dichvucong.thaibinh.gov.vn, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4. Đến nay, các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh 606 dịch vụ ở mức độ 3, 1.598 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2. Trong năm 2018, các sở, ngành, các huyện, thành phố đã tiếp nhận 13.284 hồ sơ trực tuyến, đã giải quyết 12.357 hồ sơ; quý I năm 2019 đã tiếp nhận 3.672  hồ sơ, giải quyết 3.597 hồ sơ trực tuyến. 

Hiện nay, Thái Bình đã hoàn thành việc kết nối liên thông văn bản ở 3 cấp  tỉnh, huyện, xã và kết nối liên thông với Chính phủ. Các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, tác nghiệp của cơ quan nhà nước các cấp và các cơ quan thuộc tỉnh cơ bản được thực hiện trên môi trường mạng, qua đó góp phần tiết kiệm về thời gian, chi phí văn phòng phẩm, đồng thời bảo mật thông tin trong các giao dịch. 

Trong năm 2018, tỉnh đã thực hiện đánh giá thực hiện CQĐT ở 19 sở, ngành của tỉnh. Tuy nhiên, ở các huyện, thành phố thì việc triển khai CQĐT còn chậm.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận và chỉ ra những hạn chế dẫn đến kết quả đánh giá, xếp loại CQĐT chưa cao; đồng thời đóng góp các ý kiến nhằm nâng cao hơn nữa công tác xây dựng CQĐT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến  năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh biểu dương những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện CQĐT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. 

Để làm tốt công tác xây dựng CQĐT, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới  các sở, ngành, các địa phương, đơn vị cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về hiệu quả, lợi ích mang lại của CQĐT. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đánh giá đúng thực trạng, vai trò quan trọng của CQĐT, qua đó chuẩn bị tốt nguồn nhân lực giỏi về CNTT, đầu tư trang thiết bị để bảo đảm yêu cầu tối thiểu thực hiện CQĐT. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố thực hiện được các mục tiêu Chính phủ đề ra trong thực hiện CQĐT trong năm 2019 theo mức độ 3, mức độ 4.  

Đồng chí thống nhất giao cho văn phòng các địa phương, đơn vị thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến làm đầu mối thống nhất, định kỳ tổng hợp, đánh giá việc thực hiện tại các địa phương, đơn vị. Thống nhất giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu thành lập Trung tâm Giám sát an ninh mạng của tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần đa dạng hóa các hình thức niêm yết công khai thủ tục hành chính, bổ sung hình thức giao tiếp với người dân, doanh nghiệp qua mạng. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu phân công thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các huyện để việc triển khai các nhiệm vụ đạt hiệu quả.

Nguyễn Tùng

 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày