Thứ 7, 23/11/2024, 00:21[GMT+7]

Vũ Tiến: Bài học rút ra từ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 6, 19/04/2019 | 15:56:40
1,313 lượt xem
Ngày 5/3, trên địa bàn xã Vũ Tiến (Vũ Thư) xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp dập dịch, sau hơn 30 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, địa phương không phát sinh thêm ổ dịch mới và đủ điều kiện công bố hết dịch. Tuy nhiên, ngày 17/4, trên địa bàn xã lại xuất hiện ổ dịch mới.

Người chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại gia trại chăn nuôi của hộ bà Trần Thị Mỵ ở thôn Ngọc Tiên. Xã Vũ Tiến đã nhanh chóng lập chốt, phân công lực lượng túc trực ngay tại hộ gia đình bà Mỵ và thôn Ngọc Tiên; yêu cầu hộ gia đình bà Mỵ ký cam kết quản lý chặt chẽ đàn gia súc, tuyệt đối không bán chạy và vận chuyển lợn đi nơi khác. Tổ kiểm đếm, tiêu hủy gia súc đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn của gia đình bà Mỵ với tổng trọng lượng 3.756kg theo quy định đồng thời tiêu hủy gần 1 tấn thức ăn chăn nuôi hiện có tại gia trại. Sau khi tiêu hủy lợn, UBND xã giao cho lực lượng công an viên phối hợp với Ban Chăn nuôi và Thú y xã giám sát hố tiêu hủy, cắm biển thông báo để người dân biết và không xâm phạm. 

Địa phương cũng nhanh chóng rà soát, tổ chức ký cam kết với toàn bộ 303 chủ gia trại, hộ chăn nuôi, 32 hộ giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và chủ của 3 bến đò, phà yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật tại các tuyến đường trọng điểm. Tổ chức 4 lần ra quân tập trung rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng trên địa bàn xã và tăng tần suất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ở thôn có dịch, khu vực chợ, địa điểm công cộng. Toàn xã đã sử dụng 168 lít hóa chất và gần 11 tấn vôi bột để xử lý ổ dịch, thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Mặc dù đến nay xã Vũ Tiến tái dịch nhưng có thể ghi nhận những kinh nghiệm trong công tác dập dịch, khống chế lây lan thời gian qua đó là địa phương đã huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Công tác xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn được thực hiện triệt để, bảo đảm đúng quy trình; các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho việc tiêu hủy lợn cũng được tiêu hủy ngay để tránh lây lan nguồn bệnh. Địa phương đã kịp thời có cơ chế hỗ trợ, động viên đội ngũ trưởng thôn trực tiếp làm công tác điều tra, nắm tình hình, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Trần Nguyên Soái, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến cho biết: Chúng tôi đã chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị vật tư, nhân lực và sẵn sàng phương án xử lý khi dịch bệnh xảy ra đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Sau khi công bố hết dịch nhưng địa phương vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến trên đàn lợn, hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức tiêu độc, vệ sinh môi trường, khử trùng chuồng trại, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đề phòng dịch bùng phát trở lại. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, trên địa bàn xã lại xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bài học rút ra cho địa phương chính là không sao nhãng, chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa dịch tái phát, lây lan.

Là hộ chăn nuôi với quy mô lớn, gia đình ông Trần Hữu Vinh ở thôn Ngọc Tiên hiện có 100 con lợn nái và lợn thịt. Ông Vinh cho biết: Với phương châm “phòng bệnh là chính”, tôi luôn chú trọng khâu vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh nhà đồng thời hạn chế người ra vào khu chăn nuôi. Mỗi khi cần phải vận chuyển cám vào khu chăn nuôi tôi đều phun hóa chất khử trùng ngoài vỏ bao rồi tự mình khuân vào cho lợn ăn. Mong rằng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh sớm được khống chế, tình hình chăn nuôi nhanh ổn định để hạn chế thiệt hại cho người dân.

Thanh Huyền