Chủ nhật, 12/01/2025, 12:32[GMT+7]

Mỗi huyện phấn đấu có ít nhất 2 vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Thứ 6, 19/04/2019 | 17:22:40
1,835 lượt xem
Chiều ngày 19/4, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo Đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 220409_moi_huyen_phan_dau_2_vung_san_xuat_mixdown.mp3

Dự họp có các đồng chí: Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Dự thảo đã đánh giá kết quả sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018. Theo đó, diện tích gieo cấy vụ mùa năm 2018 đạt 78.944ha, năng suất đạt 59,17 tạ/ha. Diện tích gieo trồng cây màu hè, hè thu đạt 16.968ha, tăng 1.027ha so với năm 2017, giá trị sản xuất ước đạt 1.494,12 tỷ đồng; diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt 36.120ha, giá trị sản xuất ước đạt 2.712 tỷ đồng. Vụ mùa năm 2018, toàn tỉnh chuyển đổi được 216,46ha; cánh đồng lớn được duy trì và phát triển với 173 cánh đồng, diện tích 7.162,66ha; xây dựng được 8 mô hình thí điểm sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Ong Biển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 40ha. Toàn tỉnh tích tụ được 300,65ha với các hình thức mua, thuê, mượn.

Các đại biểu dự họp.

Với chủ trương gieo cấy 100% diện tích đất lúa, vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 78.700ha, năng suất đạt 61 tạ/ha trở lên, kết thúc cấy trước ngày 20/7; cây màu (hè, hè thu) phấn đấu đạt 16.500ha trở lên; cây vụ đông phấn đấu đạt 36.000ha trở lên. 

Ngành Nông nghiệp cũng đề ra mục tiêu mỗi huyện phấn đấu ít nhất phải có 02 vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, từng bước nhân rộng và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp riêng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố trên cơ sở đánh giá của ngành Nông nghiệp về sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2018 có đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất ở vụ mùa, vụ đông năm 2019 cho địa phương mình. 

Cơ bản thống nhất với chủ trương sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ khuyến cáo 2 – 3 giống lúa chủ lực, có giá trị kinh tế cao trong đề án sản xuất; phối hợp với các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất nhận thức, tạo quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở để triển khai, thực hiện thắng lợi đề án sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2019, trong đó tập trung tuyên truyền việc xóa bỏ hình thức gieo thẳng, cơ chế hỗ trợ sản xuất, các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, mô hình sản xuất sạch. Thực hiện tốt cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy, công tác dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu bệnh, có kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng chương trình IPM, 3 giảm, 3 tăng… Đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, chủ động các giải pháp, phương tiện khắc phục tình trạng bất thuận của thời tiết. Tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp. Các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia liên kết. Sở Nông nghiệp có đánh giá cụ thể về cơ chế hỗ trợ sản xuất trồng trọt từ đó có định hướng trong vụ mùa, vụ đông năm 2019; chỉ rõ cơ chế hỗ trợ trong đề án trên cơ sở hỗ trợ mỗi huyện từ 2 – 3 sản phẩm chủ lực, hỗ trợ kinh phí mua máy cấy để mở rộng diện tích cấy máy, hỗ trợ phòng trừ sâu bệnh, các mô hình chuyển đổi từ cấy lúa sang các cây, con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các huyện, thành phố trên cơ sở đề án chung của tỉnh xây dựng đề án cụ thể của từng địa phương, tạo tính đột phá, bền vững trong sản xuất trồng trọt. Quan tâm, quyết liệt hơn nữa đến công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, chủ động có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các trang trại. Cần quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xử lý nghiêm tình trạng vi phạm đê điều, công trình thủy lợi; chủ động kiểm tra, phân loại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, xây dựng phương án hộ đê, tổ chức thực hiện việc xử lý các sự cố đê kịp thời, bảo đảm an toàn trong lũ, bão. Kiểm tra lực lượng, vật tư, phương tiện và kinh phí để phục vụ công tác phòng, chống lũ, bão.

Lưu Ngần