Thứ 6, 27/12/2024, 17:32[GMT+7]

Triển khai xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đến huyện Hưng Hà

Thứ 4, 24/04/2019 | 08:54:52
24,409 lượt xem
Sau thời gian chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục, ngày 25/4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh sẽ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà (giai đoạn I từ thành phố Thái Bình đến đường ĐT.453).

Tuyến đường ĐT.454 (đường 223 cũ) hiện tại.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng nhằm mục đích kết nối các huyện, thành phố và các tuyến quốc lộ, phát huy hiệu quả mạng lưới giao thông, thúc đẩy giao thương giữa các địa phương trong tỉnh.

Dự án xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà (giai đoạn I từ thành phố Thái Bình đến đường ĐT.453) có tổng chiều dài 14,62km (không bao gồm cầu Tịnh Xuyên và đường hai đầu cầu với chiều dài khoảng 2km đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2015) đi qua thành phố Thái Bình, hai huyện Vũ Thư và Hưng Hà. Điểm đầu tại nút giao với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.454 (đường 223 cũ, trước cầu Báng 160m), điểm cuối tại nút giao với đường ĐT.453 (đường 226 cũ). Trong đó, đoạn từ điểm đầu đến nút giao với tuyến tránh quốc lộ 10 có chiều dài 675,34m được thiết kế theo quy mô đường cấp III đồng bằng; đoạn từ nút giao với tuyến tránh quốc lộ 10 đến nút giao với đường ĐT.453 có chiều dài 13,9km, được thiết kế theo quy mô đường cấp IV đồng bằng; riêng đoạn qua khu dân cư tập trung thuộc địa phận xã Minh Lãng có chiều dài 1,2km giữ nguyên nền đường, mặt đường hiện tại, chỉ tăng cường mặt đường cũ bằng lớp bê tông nhựa dày 7cm.

Ngoài ra, trên tuyến còn xây dựng đồng bộ các công trình như cầu, cống thoát nước ngang đường, rãnh thoát nước dọc, vỉa hè hai bên, hệ thống an toàn giao thông trên tuyến... Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 361,2 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 70,3 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 227 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng khoảng 10 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 32,8 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án và chi phí khác. Nguồn vốn để thực hiện dự án từ trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Để thực hiện dự án, diện tích sử dụng đất khoảng 17,53ha, trong đó diện tích đất của đường bộ cũ khoảng 11,69ha và diện tích đất sử dụng mới khoảng 5,84ha. Thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm kể từ ngày khởi công.

Ông Bùi Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) cho biết: Tuyến đường ĐT.454 (đường 223 cũ) đoạn qua địa phận xã Tân Bình có chiều dài 720m. Tuyến đường này đã được xây dựng từ lâu, hàng năm đều được tu bổ, sửa chữa nhưng do không có hệ thống thoát nước đồng bộ nên nhiều đoạn đã xuống cấp. Đây là tuyến đường có mật độ tham gia giao thông rất đông đúc, từ hai huyện Hưng Hà, Vũ Thư đi thành phố Thái Bình và các khu công nghiệp, đặc biệt là vào các giờ cao điểm từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 15 phút và từ 16 giờ 45 phút đến 17 giờ 30 phút. Từ khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh công khai dự án, chính quyền địa phương và người dân ở hai bên tuyến đường rất vui mừng, phấn khởi. Sau hội nghị triển khai xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động để giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công trong thời gian sớm nhất.

Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công, trình thẩm định và phê duyệt theo quy định. Sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu của dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2434/QĐ-UBND ngày 28/9/2018, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư để sớm khởi công công trình. Về công tác chuẩn bị mặt bằng dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang tổ chức rà phá bom mìn, vật nổ và thực hiện công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới. Trong thời gian tới, đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng, trung tâm phát triển quỹ đất và UBND các xã có dự án đi qua quản lý hệ thống cọc, mốc giải phóng mặt bằng và thực hiện trích lục, trích đo địa chính, triển khai các công tác giải phóng mặt bằng tiếp theo. Bên cạnh đó, đề nghị UBND các xã có dự án đi qua quan tâm, ủng hộ, tích cực phối hợp với trung tâm phát triển quỹ đất huyện, thành phố và các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm về an ninh trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thi công xây dựng công trình.


Phạm Hưng