Thứ 6, 26/07/2024, 17:15[GMT+7]

Những khó khăn, hạn chế trong chăn nuôi lợn nhỏ lẻ

Thứ 6, 26/04/2019 | 10:14:13
11,228 lượt xem
Chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhưng đây lại là khu vực hiệu quả kinh tế thấp và dễ gặp rủi ro về dịch bệnh. Trong đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại tỉnh ta, càng bộc lộ rõ những “khuyết tật” của quy mô chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ này.

Chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại trong tỉnh chiếm tỷ lệ thấp.

Vân Trường là địa phương đầu tiên của huyện Tiền Hải phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi vào ngày 20/3. Tại hộ ông Phạm Văn Tuấn ở thôn Bắc Trạch 1, phát hiện 3 lợn chết và 1 con lợn ốm;  hộ  bà Nguyễn Thị Ngoan, thôn Rạng Đông chết 1 con lợn nái đang mang thai 90 ngày. Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 4 con lợn chết với trọng lượng 243kg, đồng thời sử dụng 2kg hóa chất, 100kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Một điểm chung dễ nhận thấy là cả 2 hộ đều có quy mô chăn nuôi nhỏ: hộ gia đình ông Tuấn có tổng đàn 31 con, gồm 2 con lợn nái, 11 con lợn thịt có trọng lượng từ 50 - 90kg, 10 con lợn choai, 8 con lợn con theo mẹ 20 ngày tuổi; hộ gia đình bà Ngoan chỉ nuôi duy nhất 1 con lợn nái. Đáng chú ý là trong đàn lợn của gia đình ông Tuấn 21 con lợn thịt và lợn choai chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Xã Nam Hà (Tiền Hải) tuy chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng đã có tình trạng 18 con lợn của hộ ông Đỗ Xuân Thìn, thôn Vĩnh Trung ốm chết trong tổng đàn 30 con, trọng lượng từ 25 - 30kg/con. Theo số liệu của UBND xã Nam Hà, toàn xã hiện có 308 hộ chăn nuôi lợn với 1.744 con thì khoảng 90% số hộ có quy mô nuôi từ 10 con trở xuống, toàn xã không có một gia trại, trang trại chăn nuôi lợn nào. 

Theo ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Tiền Hải hiện có 8.720 cơ sở chăn nuôi lợn với tổng đàn 90.871 con, trong đó số đầu lợn tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại chiếm hơn 70%. Những địa phương có số hộ chăn nuôi nhiều như Nam Trung 651 hộ, Nam Hồng 569 hộ, Nam Thắng 477 hộ... nếu chia bình quân cũng chỉ đạt 5 - 8 con/hộ. Trở ngại chính trong chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ hiện nay là chuồng nuôi chủ yếu nằm trong khu dân cư; trong một chuồng nhiều giống lợn, nhiều đàn nhóm tuổi khác nhau; không có ô chuồng dành riêng cho lợn mới nhập về; người chăn nuôi hạn chế về kỹ thuật nuôi lợn. Cùng với đó việc tiêu độc, khử trùng không được thực hiện thường xuyên, công tác phát hiện và kiểm soát dịch bệnh của các hộ nuôi nhỏ lẻ còn yếu...Chính vì thế, chăn nuôi nhỏ lẻ luôn phải đối mặt với nỗi lo dịch bệnh. Minh chứng rõ nét, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu tấn công vào đàn lợn của các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. 

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính từ ngày phát sinh dịch 12/2 đến ngày 14/4, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 26.246 hộ với số lợn phải tiêu hủy 146.373 con thì hầu hết rơi vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ đến ngày 14/4 bệnh dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện tại 2 trang trại chăn nuôi có quy mô lớn.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Toàn tỉnh hiện có 734 trang trại, 7.241 gia trại chăn nuôi; gần 80.000 nông hộ chăn nuôi, phân bố khắp các xã trong tỉnh. Trong tổng đàn lợn khoảng 1 triệu con của tỉnh thì chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ lại là phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn cả về số lượng và số hộ chăn nuôi. Không thể phủ nhận điểm mạnh của hình thức chăn nuôi này là khép kín với trồng trọt, phù hợp với điều kiện và trình độ kỹ thuật tại địa phương; vốn đầu tư ít; sử dụng lực lượng lao động sẵn có với tiền công rẻ; sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng địa phương (thịt tươi tại các chợ cóc, chợ truyền thống)... Tuy nhiên, bên cạnh đó chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ bộc lộ rất nhiều nhược điểm: trình độ kỹ thuật và công nghệ thấp; tiếp cận nguồn lực (vốn, đất đai) hạn chế; khả năng kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm yếu; lợi nhuận thấp... Đặc biệt, khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường của hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất yếu. 

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên tổ chức lại sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng bằng cách hình thành tổ, nhóm HTX liên kết, kết nối với các doanh nghiệp; áp dụng công nghệ, kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến; kiểm soát chất lượng, thương hiệu... Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác không có điều kiện nên lựa chọn sản xuất các vật nuôi nhỏ khác như thỏ, vịt, ngan... hoặc nếu kém hiệu quả nên chuyển đổi sang lĩnh vực khác.

Phan Anh