Thứ 3, 05/11/2024, 15:16[GMT+7]

Phát triển thương hiệu cho cây tỏi

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:22:50
1,468 lượt xem
Tỏi là một trong những cây trồng chính, mang lại giá trị kinh tế cao ở vụ đông của huyện Thái Thụy, chiếm từ 5 - 10% diện tích cây màu toàn huyện. Tuy đã được công nhận nhãn hiệu tập thể nhưng việc bảo vệ và phát triển thương hiệu ấy vẫn là bài toán khó ở nhiều địa phương, trong đó có xã Thụy An.

Thụy An có 270ha đất nông nghiệp, đồng ruộng chua, mặn, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm gần 80% thu nhập của người dân. Nông dân Thụy An cần cù, chịu khó, chủ động trong sản xuất, khai thác thế mạnh từ đất canh tác 4 vụ/năm với hình thức luân canh, xen canh chủ yếu là màu xuân - màu hè - lúa mùa - cây vụ đông. Từ nhiều năm nay, hành, tỏi đã bén rễ trên đồng đất Thụy An. Do phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, người dân giàu kinh nghiệm chăm sóc nên hai loại cây này phát triển thuận lợi, củ to, chắc, vị thơm đặc trưng. Hành, tỏi đã trở thành cây trồng chủ lực làm giàu cho người dân địa phương với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 2.000 tấn. Theo ông Mai Đức Nhường, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy An, năng suất, chất lượng tỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố: giống, thời tiết, thổ nhưỡng, quá trình chăm sóc… Tuy nhiên, đây là cây trồng lâu năm đối với người dân Thụy An nên năng suất, chất lượng tỏi khá ổn định, bình quân đạt 5 - 6 tạ/sào/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 7 - 8 tạ/sào/vụ. Trung bình giá tỏi thu mua tươi đạt 13.000 - 14.000 đồng/kg, người dân thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/sào.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, thôn An Cố Trung chia sẻ: Trung bình giá tỏi tươi đạt từ 10.000  - 15.000 đồng/kg. Có thời điểm vượt giá từ 18.000 - 30.000 đồng/kg. Giá tỏi khô sau khi phơi hao 50% thì được bán với giá từ 40.000 - 55.000 đồng/kg, có khi lên đến 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vụ tỏi năm 2018 vừa qua giá thấp, bình quân chỉ đạt 8.000 - 9.000 đồng/kg. Xây dựng thương hiệu tỏi là điều cần thiết vì khi đó người tiêu dùng sẽ biết đến cây tỏi của chúng tôi, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn khi có nhãn hiệu đầy đủ. Có thương hiệu, chúng tôi cũng phấn khởi hơn để tiếp tục trồng. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền có giải pháp giúp bà con ổn định thị trường, giá cả để chúng tôi yên tâm sản xuất.

Dù có hương vị đặc biệt nhưng hiện nay, tỏi Thái Thụy nói chung và tỏi Thụy An nói riêng vẫn phải tiêu thụ bấp bênh, trôi nổi trên thị trường, giá cả, sức mua phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái. Theo ông Mai Đức Nhường, năm 2014, HTX tìm kết nối doanh nghiệp với người dân để thu mua tỏi. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, giá thu mua của doanh nghiệp chỉ 9.000 đồng/kg tỏi tươi lại yêu cầu người dân sơ chế bằng cách cắt bỏ lá. Trong khi giá thương lái mua tự do thấp nhất cũng đạt 13.000 đồng/kg, vì vậy người dân bán cho thương lái. Từ đó đến nay, sau khi thu hoạch, một phần được để lại làm giống cho vụ sau, còn lại người dân bán tươi cho thương lái. Năm 2018, HTX được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ làm thí điểm sản xuất theo chuỗi hàng hóa đối với cây tỏi với mong muốn phát triển thương hiệu tỏi không chỉ của Thụy An mà còn cho các xã lân cận trong vùng bước đầu đã tạo niềm tin và sự kỳ vọng tốt vào phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP). Mô hình hỗ trợ 1 máy bơm tiêu, một phần giống, phân bón cho trên 10ha vùng mở rộng sản xuất (vùng úng, trũng khó canh tác), bao bì đóng gói sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, dự kiến vụ đông năm 2019 diện tích trồng hành, tỏi của xã tăng lên 200ha.

Được công nhận nhãn hiệu tập thể đã phần nào tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng tỏi, tạo thuận lợi cho cây tỏi tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các gian hàng, hội chợ. Đây cũng là việc làm mà chính quyền, HTX SXKD DVNN xã Thụy An tích cực triển khai thời gian qua. Tuy nhiên, để đông đảo người tiêu dùng biết đến tỏi Thái Thụy nói chung, tỏi Thụy An nói riêng cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành cũng như sự thay đổi trong tư duy sản xuất của chính người dân.

Ngân Huyền

Ảnh: Trần Tuấn