Thứ 6, 10/01/2025, 15:43[GMT+7]

Nhớ ngày hội của dân tộc

Thứ 7, 27/04/2019 | 10:02:42
850 lượt xem
Cách đây đúng 44 năm, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, không quản ngại hy sinh, mất mát thực hiện cuộc tổng tiến công để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. 44 năm đã đi qua nhưng đối với những cựu chiến binh (CCB) thì hồi ức về ngày đại thắng 30/4/1975 vẫn còn in đậm trong tâm trí họ.

Đồng đội đến thăm cựu chiến binh Hoàng Duy Hòa (ngoài cùng bên trái).

44 năm đã trôi qua nhưng cảm xúc khi nghe tin ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của CCB Hoàng Duy Hòa, xã Thăng Long (Đông Hưng). Năm 1975, CCB Hoàng Duy Hòa là 1 trong 37 cán bộ, chiến sĩ người Thái Bình tham gia phái đoàn quân sự của ta thực hiện nhiệm vụ tại trại Davis (Sài Gòn). Mặc dù Mỹ, ngụy thường xuyên uy hiếp và gây muôn vàn khó khăn nhưng CCB Hoàng Duy Hòa và cán bộ, chiến sĩ của hai đoàn đại biểu quân sự đã trụ vững tại vị trí này trong suốt 823 ngày đêm, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự.

CCB Hoàng Duy Hòa chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ trong đoàn chúng tôi tiến vào trại Davis với quyết tâm rất cao. Bên cạnh nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao quân sự, chúng tôi còn một nhiệm vụ tuyệt mật khác là nắm bắt tình hình, xây dựng căn cứ chiến lược của ta ngay trong lòng địch. Nâng cao cảnh giác với âm mưu phá hoại của địch, cán bộ, chiến sĩ cũng tập trung tăng gia sản xuất, đào giếng nước, trồng rau xanh xung quanh trại. Mỗi bữa ăn của chúng tôi đều có các bác sĩ kiểm tra tránh việc bị đầu độc, khi thấy an toàn thì mới cho sử dụng. Năm 1975, quân ta liên tiếp giành chiến thắng ở nhiều chiến trường lớn, hoạt động của ban liên hiệp quân sự diễn ra tại trại Davis vì thế mà chững lại. Kẻ địch bao vây, uy hiếp và không ngừng khiêu khích cán bộ, chiến sĩ trong phái đoàn đồng thời có âm mưu tiêu diệt và bắt gần 300 cán bộ, chiến sĩ của hai phái đoàn làm con tin nhằm chiếm lợi thế trên mặt trận ngoại giao.

CCB Hoàng Duy Hòa cho biết thêm: Thời điểm cận kề ngày 30/4/1975, tình hình trong trại Davis hết sức căng thẳng, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ của hai phái đoàn phải căng mình túc trực, ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bên ngoài trại, họng súng từ phía các lô cốt, xe tăng và xe thiết giáp của quân đội Sài Gòn chĩa vào, nguồn điện, nguồn nước... đều bị cắt hết. Khó khăn là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ đều động viên nhau cố gắng vượt qua, đợi ngày toàn thắng.

Nhấp một ngụm trà và tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về 823 ngày đêm trong trại Davis, CCB Hoàng Duy Hòa chia sẻ: 3 giờ sáng ngày 30/4/1975, tôi đang thao thức, không ngủ được thì bỗng tiếng đạn pháo 130mm và hỏa tiễn của ta bắn tới tấp vào sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dù đang phải sống và chiến đấu ngay trong vùng hỏa lực nhưng nét mặt của cán bộ, chiến sĩ ai nấy hết sức vui mừng. Chúng tôi vui vì biết chắc thế nào quân ta cũng sẽ tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Cán bộ, chiến sĩ ai cũng hừng hực khí thế, chuẩn bị vũ khí, đạn dược sẵn sàng phối hợp với quân ta để giải phóng hoàn toàn khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng thời khắc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng được kéo lên trên nóc trại Davis, chúng tôi ai nấy hết sức phấn khởi.

Trại Davis xưa.

Cũng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Xuân Liêm, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng khi ấy là chiến sĩ thuộc đoàn 26, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp tiến đánh giải phóng miền Nam. CCB Nguyễn Xuân Liêm cho biết: Đầu tháng 4/1975, đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ phối hợp cùng Quân đoàn 4 tiến đánh và giải phóng thị xã Phước Long, rồi từ đường 20 tiến vào giải phóng tỉnh Lâm Đồng và thị xã Xuân Lộc. Lực lượng ngụy hết sức ngoan cố, chúng cố thủ tại thị xã Xuân Lộc khiến quân ta phải vây ép nhiều ngày đêm, đến rạng sáng ngày 21/4 quân ngụy không chịu được sức ép mới rút về Sài Gòn. Sáng ngày 30/4/1975, đơn vị của tôi nhận mệnh lệnh tham gia giải phóng sân bay Biên Hòa và bảo vệ mục tiêu này cho đến khi toàn thắng.  Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân ta đã húc tung cánh cổng phụ và xe tăng số hiệu 390 húc đổ cánh cổng chính của dinh Độc Lập. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập. CCB Nguyễn Xuân Liêm nhớ lại: Khoảng hơn 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, khi nghe thấy trên loa truyền thanh phát lời của tổng thống Dương Văn Minh thay mặt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, sau đó Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng, anh em chiến sĩ tại sân bay Biên Hòa sung sướng lắm, ai cũng hò reo, mừng rỡ, nước mắt cứ òa ra vì hạnh phúc.

44 mùa xuân đã đi qua, giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng thấy tự hào về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Những CCB như Hoàng Duy Hòa và Nguyễn Xuân Liêm trở về với đời thường giờ cũng đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, đối với họ tài sản quý báu nhất chính là những kỷ niệm về ngày đại thắng 30/4/1975 -  ngày hội của dân tộc Việt Nam.

Tiến Đạt

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)