Chủ nhật, 24/11/2024, 05:26[GMT+7]

Ký ức người cựu tù

Thứ 7, 27/04/2019 | 10:06:49
1,907 lượt xem
Trại giam Phú Quốc - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” vẫn luôn là nỗi ám ảnh của những người cựu tù, trong đó có thương binh Đỗ Duy Hải. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, mái tóc xanh nay đã điểm bạc, thế nhưng trong ký ức ông vẫn hằn sâu những kỷ niệm, cảm xúc, cả gian khổ và đau đớn, mất mát khi nhớ lại những ngày tháng bị địch bắt và tù đày.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thăm, tặng quà ông Đỗ Duy Hải.

Một lòng theo cách mạng


Trong ngôi nhà hai tầng khang trang của gia đình, ông Hải treo rất nhiều ảnh lưu niệm mà ông vinh dự được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện qua nhiều thời kỳ. Khắp người đầy thương tật, với một chiếc chân gỗ và một cánh tay chằng chịt những vết sẹo, ông Hải vẫn nhanh nhẹn và nỗ lực tự làm mọi việc. Sinh năm 1947 ở Hiệp Hòa (Vũ Thư), bố mất sớm khi ông mới 4 tuổi. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, hầu hết các bạn cùng trang lứa học xong lớp 7 là lên đường tòng quân, nhưng thấy ông năng nổ, nhanh nhẹn, thôn xã giao cho ông nhiệm vụ làm bí thư chi đoàn phụ trách đội sản xuất tại địa phương, rồi phó bí thư đoàn xã. Tháng 8/1967, ông Hải vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khao khát được trực tiếp ra trận đánh đuổi quân thù, bảo vệ Tổ quốc cứ lớn dần trong tim, ông viết đơn tình nguyện bằng máu và may mắn được chấp nhận.


Tháng 10/1969, trong một trận chiến ở Hòa Vang (Đà Nẵng), trung đội của ông lọt vào ổ mai phục của quân Mỹ. Cả trung đội 17 người thì hy sinh 14, chỉ còn 3 người trong đó có ông. Dù đã bị địch bắn nát cẳng chân trái và cánh tay trái gãy lủng lẳng nhưng ông vẫn cố thủ cho đến khi ngất lịm đi. Hôm sau tỉnh lại ông Hải thấy mình đang nằm ở nhà vòm của Mỹ, toàn thân bị bó bột đau đớn. Lính Mỹ - ngụy dụ dỗ hỏi cung, ông kiên quyết không khai, còn “cãi” lại chúng nên chúng tức giận, lập tức cắt cụt chân đang bị thương của ông đến tận háng. Đầu năm 1970, lính Mỹ cho ông Hải vào nhà tù Biên Hòa. Tại đây, dù không có tổ chức đảng, nhưng với ý thức trách nhiệm của người đảng viên, ông Hải cùng một số tù binh thường xuyên đứng lên đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi cho anh em. Đến tháng 9/1970, ông Hải cùng nhiều tù binh khác ở nhà tù Biên Hòa bị đày ra nhà tù Phú Quốc, bắt đầu chuỗi ngày “thừa sống thiếu chết” với những đòn tra tấn tàn bạo nhất của Mỹ - ngụy.


27 tháng sống nơi địa ngục trần gian


Những ngày đầu tiên bị chuyển từ nhà tù Biên Hòa ra đảo, ông Hải và anh em tù binh - chiến sĩ cách mạng của ta bị lính Mỹ - ngụy “xin chào” bằng hàng loạt những trận đánh đập, hầu như ai cũng ngất xỉu mê man. Sau đó ông được đưa đến khu D9 của nhà tù Phú Quốc. Trong khu D9 có 4 phân khu, mỗi phân khu có 12 phòng giam lợp tôn, mỗi phòng giam chật chội chứa khoảng 100 - 120 tù binh. Ông Hải bị thương tật nặng nên được nhốt cùng những tù binh tàn phế khác trong cùng phòng giam. Ông chia sẻ: Mọi đòn thù tàn độc của giặc, tôi không thể nào quên được, dù đã hàng chục năm qua đi đến giờ vẫn ám ảnh tôi hàng đêm. Hễ khi nào chúng nghi ngờ tù binh nào “xúi giục” anh em, chúng liền “phạt”, nhốt tù binh đó vào chuồng cọp 5 - 7 ngày, bỏ đói, chỉ cho chút nước uống. Mà khi bị nhốt vào chuồng cọp là bằng ấy ngày người tù chỉ được giữ đúng một tư thế: nằm nghiêng, đứng nghiêng, đứng, nằm ngửa, ngồi, hễ nhúc nhích là dây thép gai đâm cho túa máu. Có lần đang giữa đêm chúng cử lính xuống, gọi một vài tù binh ra và dùng búa đinh đập gãy mỗi người vài cái răng, tù binh la lên đau đớn ngất xỉu. Nhiều tù binh bị chúng nhốt trong thùng phi, đậy kín vào và gõ bên ngoài thùng phi cho đến khi lọng óc, chảy máu tai, máu mũi mới thôi. Xương cá đuối được chúng dùng làm roi, vụt vào tù binh tứa máu. Nắng ở Phú Quốc cháy da cháy thịt nhưng chúng bắt tù binh phơi mình cho đến khi chín da, tróc da và chúng dội nước muối lên. Tôi ám ảnh nhất là cứ vài tháng chúng lại trộn thuốc độc vào nước cho tù binh uống. Chúng tôi uống vào, đồng loạt “miệng nôn, trôn tháo” và buộc phải phóng uế ra ngay nhà giam, vô cùng hôi hám, mất vệ sinh, do đó, sức khỏe tù binh giảm sút nghiêm trọng, rất nhiều người đã không thể sống sót… Bản thân ông Hải được “nếm trải” nhiều hình thức tra tấn này, đến nỗi tháng 3/1973, khi được trả tự do, chàng trai 26 tuổi khi đó chỉ nặng có hơn 30kg và thương tích 82% cơ thể.

Ông Đỗ Duy Hải bên người thân, gia đình.


Vẫn hăng say lý tưởng cách mạng


Lợi dụng cơ thể bị tàn phế nặng, Mỹ - ngụy chủ quan, ông Hải khéo léo hoạt động cách mạng ngay trong nhà tù, trước mắt địch. Bằng nhạy bén của người đảng viên, ông nhận ra ngay những đảng viên - đồng chí của mình trong tù. Các đảng viên bí mật liên kết lại, mỗi phòng giam đều thành lập chi bộ chỉ đạo anh em tù binh tổ chức các hoạt động đòi quyền lợi cho tù binh, bảo vệ chiến sĩ cách mạng. 27 tháng trong tù, ông Hải làm chi ủy viên, sau đó làm bí thư chi bộ trong phòng giam mà địch không hề hay biết. Ông nhớ lại: Để phát động anh em tù binh tuyệt thực, đấu tranh với địch, chi bộ phải chuẩn bị từ rất lâu và kỹ lưỡng. Các đảng viên bí mật vận động anh em tù binh mỗi bữa chỉ ăn 1 nửa phần cơm ít ỏi, còn lại vùi xuống nền cát nhà tù cho cơm tự khô, dự trữ lương thực, để dành khi đấu tranh tuyệt thực. Có đợt chi bộ tổ chức đấu tranh tuyệt thực 3 - 5 ngày, đợt dài nhất 9,5 ngày nhưng thực tế anh em tù binh chỉ nhịn đói 6 ngày, còn lại sử dụng cơm khô. Nhờ có những đợt như thế, Mỹ - ngụy buộc phải nhượng bộ một vài điều kiện nhỏ, giúp anh em tù binh đỡ khổ cực hơn. Hoặc khi một tù binh bị địch nghi ngờ là “tù chính trị”, sử dụng nhiều đòn tra tấn dã man hòng bắt người đó khai, các đảng viên âm thầm “tiếp lửa” động viên đồng đội mình kiên cường vượt qua sự nham hiểm của kẻ thù. Tháng 3/1973, ông cùng các tù binh khác được trao trả tự do.


Trở về đời thường, thân hình tàn tạ với 1 cái chân và người chằng chịt sẹo, thế nhưng với ý chí của người đảng viên kiên cường, ông Hải vẫn tiếp tục ôn thi, thi đỗ và tốt nghiệp Trường Thương nghiệp Trung ương, ra trường vẫn lao động, cống hiến hết mình cho gia đình, xã hội. Sau khi về hưu, 25 năm qua, ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò bí thư chi bộ tại khu phố. Với mong mỏi kết nối lại những người tù binh năm xưa, nhiều năm qua, ông còn nhận nhiệm vụ trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh. Bản thân ông được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo về tinh thần cách mạng quả cảm, bất diệt.

Quỳnh Lưu
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày