Chuyện về người anh hùng (Kỳ 2)
KỲ 2: “Nhà thầu khoán” xây hầm bí mật, tập kết vũ khí giữa lòng địch.
Theo lời anh Trần Vũ Bình kể, vượt qua những gian khó của thời thơ ấu, năm 16 tuổi ba anh theo đoàn mộ phu vào Nam Kỳ cạo mủ cao su cho đồn điền Pháp ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một và chính từ đây ông được giác ngộ cách mạng.
Giấy tờ tùy thân ông Trần Văn Lai sử dụng để hoạt động cách mạng (ảnh do gia đình cung cấp).
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia công tác tuyên truyền, xây dựng cơ sở, lực lượng cách mạng sau đó được cử làm tổ trưởng Công hội cao su ái hữu (Công hội bí mật bảo vệ cán bộ Nam kỳ khởi nghĩa), tổ trưởng chiến đấu thanh niên tiền phong Công đoàn thành Sài Gòn, tổ trưởng trừ gian phá hoại, tiểu đội trưởng vận động thành thuộc Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1952 đến năm 1954, ông là cán bộ nằm vùng tổ chức xây dựng cơ sở thuộc Quận ủy 2 (Công ty 2) thành Sài Gòn.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, ông được lệnh ở lại Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch và tạo điều kiện cho các cán bộ của ta ra vào kiểm tra, trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn. Ngoài việc vẫn đóng vai “nhà thầu khoán dinh Độc Lập”, ông còn được tổ chức sắp đặt vào làm tại cơ quan viện trợ hậu cần của Mỹ - USOM (vì thế ông còn có bí danh khác là Thầy Năm USOM) để thu thập bản đồ, sơ đồ thiết kế, canh gác các cơ quan đầu não chính quyền Việt Nam cộng hòa phục vụ hoạt động của Biệt động Sài Gòn. Vỏ bọc “nhà thầu khoán” trang trí nội thất dinh Độc Lập đã giúp ông có điều kiện nghiên cứu, vẽ sơ đồ, nắm quy luật tuần tra, canh gác trong dinh sau đó báo cáo lên cấp trên. Ngoài ra ông còn sử dụng xe chuyên dùng hợp pháp của “nhà thầu khoán” đưa đón nhiều cán bộ của ta ra vào thành phố cũng như đưa thủ trưởng đơn vị Biệt động 159 - người chỉ huy trận tấn công vào tòa đại sứ Mỹ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 từ căn cứ về Sài Gòn trinh sát và ngược trở ra căn cứ an toàn.
Ngôi nhà số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - nơi ông Trần Văn Lai xây hầm bí mật và cất giấu vũ khí. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận ngôi nhà là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công dinh Độc Lập tết Mậu Thân năm 1968”.
Một trong những chiến công lớn của ông là phối hợp với Nguyễn Văn Giên (Ba Giên) - một cơ sở của ta trong vai kỹ sư cầu đường lấy toàn bộ bản đồ hệ thống cống ngầm Sài Gòn. Nhiệm vụ không dễ dàng những với sự mưu trí ông cùng đồng đội đã chép được tấm bản đồ rồi cắt nhỏ, vận chuyển nhiều lần ra khu an toàn. Việc lấy được toàn bộ bản đồ hệ thống cống ngầm Sài Gòn giúp quân ta luồn lách, trú ẩn và đánh địch (từ những trận đánh trước Mậu Thân 1968 tới năm 1975) mà chúng không hề phát hiện. Tiêu biểu là trận đánh vào khách sạn Metropole trên đường Trần Hưng Đạo của Biệt động F100 tháng 12/1965, các chiến sĩ chia làm hai nhóm, một nhóm cải trang thành lính ngụy đi trên chiếc xe lam, một nhóm từ hệ thống cống ngầm chui lên đặt khối thuốc nổ gần 400kg phá hủy gần như hoàn toàn khách sạn 7 tầng, làm thương vong gần 160 phi công và chuyên viên kỹ thuật Mỹ; đánh xong quân ta rút lui an toàn bằng hệ thống cống ngầm.
Bộ ván rỗng ruột ông Năm Lai dùng để ngụy trang, cất giấu vũ khí vận chuyển vào nội thành - ảnh Minh Hãnh
Khi cấp trên chỉ đạo xây dựng một số hầm chứa vũ khí bảo đảm lâu dài và tuyệt đối bí mật có ý nghĩa chiến lược tại nội thành Sài Gòn, nhiều đêm ông Năm Lai thức trắng tính toán làm thế nào để đào hầm mà không bị ngập nước, không bị ngộp, vũ khí, đạn dược để dưới hầm lâu mà không bị rỉ sét… Để giữ bí mật, tránh gây nghi ngờ, ông ngụy trang bằng cách cho sửa chữa hệ thống cống, nhà vệ sinh tại nhà riêng của mình (số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), xây hai hầm rồi đặt ống thoát nước; khi việc sửa chữa đã hoàn thành, hàng đêm, được sự giúp sức của vợ, ông cần mẫn đào, múc từng xe đất rồi đem đi đổ thật xa để phi tang. Cuối cùng ông đã hoàn thành xây dựng căn hầm bí mật sâu 3 mét, rộng 2,5 mét với lỗ thông hơi và nắp đậy trên nền nhà cực kỳ tinh vi, không ai có thể nhận ra. Không chỉ là nơi chứa vũ khí phục vụ trận đánh vào dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968 và một số mục tiêu khác tại nội thành Sài Gòn, đây còn là nơi Đội 5 Biệt động Sài Gòn tập kết lực lượng và xuất phát tấn công dinh Độc Lập.
*
* *
Về cách ba mình tiếp nhận và chuyển hàng tấn vũ khí xuống hầm, anh Trần Vũ Bình kể:
“Thời điểm ấy, vũ khí đánh địch được chuyển vào Sài Gòn bằng nhiều cách nhưng nhỏ giọt và tốn nhiều công sức. Ông - với đặc quyền của “nhà thầu khoán” được tổ chức lên phương án “làm ăn lớn” bằng cách lợi dụng danh nghĩa mua hàng hóa cho dinh Độc Lập để vận chuyển vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến đấu vào nội thành, cất giấu ngay trong nhà mình.
Ngày 28/4/2017, chiếc ô tô Volkswagen biển số EL - 6899 thường được ông Trần Văn Lai sử dụng để di chuyển trong nội thành Sài Gòn, ra vào các cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam cộng hòa để nghiên cứu, trinh sát, nắm bắt tình hình, vận chuyển tài liệu, vũ khí, đưa đón cán bộ của ta đã được đại diện gia đình trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình.
Chuyến xe chở vũ khí về hầm lần đầu được thiết kế bên trong hai bộ ván ngựa rỗng ruột rất nặng, chiều dày ván đủ xếp lọt những quả đạn B40, B41, thuốc nổ… Tuy vậy, ông phải rất bình tĩnh để chuyển vũ khí xuống hầm an toàn chỉ với một mình. Cái khó đầu tiên là chiếc xe chở vũ khí về quá lớn, căn nhà có hầm bề ngang chỉ vừa đủ bề ngang xe, nếu chệch tay lái sang trái hay qua phải một chút sẽ gây hại cho chính mình và cho hàng xóm. Nguy hiểm nhất là lộ kế hoạch. Ông đã phải “căn” rất kỹ hai bên xe, chỉnh vô lăng từng li từng tí một để chiếc xe được đưa vào đúng vị trí.
Cái khó sau đó là làm sao để ra khỏi xe vì không thể xuống đất theo lối cửa xe do vướng tường và cũng không có chỗ chui xuống thùng xe. Tính đi tính lại, ông thấy chỉ còn cách duy nhất là đập vỡ kính chắn gió. Vậy là ông dùng khuỷu tay thúc mạnh, tấm kính rạn ra như mạng nhện…
Ra khỏi xe rồi, làm cách nào để đưa hai khối vũ khí nặng hàng trăm ki-lô-gam từ trên thùng xe xuống dưới đất chỉ với một mình cũng là câu hỏi khó. Nếu nặng tay, mìn hay đạn ở trong bị va chạm mạnh có thể sẽ nổ. Hai bộ ván ngựa dày tới 20cm, ngang 0,9m, dài hơn 2m, rất nặng, không thể nào dùng tay xê dịch nổi. Nhưng rồi ông nảy ra sáng kiến dùng kích ô tô nâng một đầu tấm ván lên rồi đặt một ống nước tròn xuống dưới làm con lăn. Khi tấm ván thứ nhất lăn ra khỏi thùng xe được vài chục cen-ti-mét, ông sững lại vì chợt nhận ra rằng không thể để khối thuốc nổ và súng đạn rơi tự do từ trên thùng xe xuống mặt đất. Phải có cách nào đó để hạ tấm ván hết sức nhẹ nhàng. Vậy là ông lại nghĩ ra cách đổ 4 vại nước, lăn vại đến sau thùng xe rồi xúc cát đổ đầy vào, dùng hai chiếc lốp ô tô đặt lên trên làm đệm. Vẫn chưa thật yên tâm, ông lấy chiếc đệm mút và toàn bộ chăn màn, chiếu gối, quần áo để kê, chèn, lót. Việc còn lại nhờ vào sức khỏe, sự khéo léo và thận trọng. Dùng kích ô tô nâng độ cao của tấm ván, ông đặt ống nước tròn xuống dưới làm con lăn, dùng hai vai của mình vừa đỡ vừa kéo, hạ một đầu tấm ván xuống chiếc lốp ô tô rồi nhích dần xuống vại cát và đệm mút.
Tấm ván thứ hai ông chọn phương pháp an toàn nhất vì không thể để nó trượt rơi và đè lên tấm ván thứ nhất, dễ gây nổ do chấn động mạnh. Sau khi cạy nắp tấm ván, ông cởi bộ quần áo đang mặc để bọc súng, thuốc nổ đưa dần xuống hầm. Tiếp đó ông đậy nắp tấm ván lại và đẩy nó rời khỏi thùng xe. Chui qua cửa chắn gió để lọt vào buồng lái, ông lái xe nhích dần về trước, thoát ra khỏi nhà. Sau đó là chuyến xe thứ hai, chuyến xe thứ ba…, đến cuối năm 1967 chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai với lòng dũng cảm và sự thông minh của mình đã vận chuyển, tập kết thành công hơn 2 tấn vũ khí (gồm thuốc nổ, kíp nổ, nụ xòe, súng đạn các loại cùng nhiều trang bị chiến đấu khác) về ngay trung tâm Sài Gòn”.
Ông Trần Văn Lai cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn bằng tinh thần mưu trí, sự sáng tạo, lòng can đảm và khả năng chịu đựng của mình suốt nhiều năm như những con thoi chở hàng trăm chuyến vũ khí, đạn dược các loại từ căn cứ vào nội thành Sài Gòn, chờ thời cơ tấn công trực tiếp, giáng những đòn chí mạng vào kẻ thù ngay trong lòng địch, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta.
Hương Giang
(còn nữa)
Tin cùng chuyên mục
- Đồng USD hướng đến chuỗi tuần tăng giá dài nhất trong hơn một năm 10.01.2025 | 15:56 PM
- Khám phá hòn đảo hoang sơ, bí ẩn nhất Hàn Quốc 10.01.2025 | 15:56 PM
- Djokovic tiết lộ chi tiết đầy bất ngờ trong vụ trục xuất tại Úc 10.01.2025 | 15:56 PM
- Huy động được trên 210 tỷ đồng cho quỹ khuyến học 10.01.2025 | 15:45 PM
- Ronaldo 'khai xuân' 2025 bằng kỷ lục không ai sánh nổi 10.01.2025 | 15:47 PM
- Năm 2024, các đơn vị y tế đón tiếp hơn 2,8 triệu lượt bệnh nhân 10.01.2025 | 15:48 PM
- Thái Thụy: Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 10.01.2025 | 15:46 PM
- Chính phủ New Zealand tăng học bổng dành cho học sinh trung học Việt Nam 10.01.2025 | 15:46 PM
- Cột mốc quan trọng trong hợp tác EU-Nhật Bản 10.01.2025 | 15:47 PM
- Quỳnh Phụ: Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 4.108,9 tỷ đồng 10.01.2025 | 15:47 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng