Chủ nhật, 24/11/2024, 04:23[GMT+7]

Chuyện về người anh hùng (Kỳ 4)

Thứ 5, 02/05/2019 | 20:05:10
2,742 lượt xem
Trong cuộc đời mình, ông Trần Văn Lai có hai người vợ nhưng điều đặc biệt là cả hai cuộc hôn nhân của ông đều do tổ chức sắp đặt xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ. Sau hôn nhân, hai “hậu phương” của ông đều là những trợ thủ đắc lực, giúp ông rất nhiều trên con đường hoạt động cách mạng.

Ông Trần Văn Lai (người đội mũ) đoàn tụ cùng gia đình sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (ảnh do gia đình cung cấp).

Kỳ 4:  Hậu phương của người chiến sĩ biệt động

Để hoạt động thuận lợi, lâu dài trong nội thành, tổ chức sắp đặt cho ông hai người vợ. Người vợ đầu là bà Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính). Với sự trợ giúp của bà cũng như sự thông minh, tháo vát của bản thân, “cháu rể ông chủ tiệm vàng Phú Xuân” đã trở thành “nhà thầu khoán” Mai Hồng Quế, người chủ trì việc trang trí nội thất cho dinh Độc Lập, nhanh chóng phất lên trở thành một tư sản giàu có, quan hệ rộng rãi với nhiều quan chức cỡ bự của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Vỏ bọc đó giúp ông có điều kiện ra vào “phủ đầu rồng” nghiên cứu, vẽ sơ đồ, nắm quy luật tuần tra, canh gác trong dinh sau đó báo cáo lên cấp trên; sử dụng xe chuyên dùng hợp pháp của “nhà thầu khoán” đưa đón nhiều cán bộ của ta từ căn cứ vào nội thành trinh sát, nắm tình hình và trở ra chiến khu an toàn; đồng thời, vận chuyển hàng tấn vũ khí vào cất giấu tại các hầm bí mật trong nội thành Sài Gòn.

Bà Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính) - người vợ đầu của ông Trần Văn Lai (ảnh do gia đình cung cấp). 

Chiến tranh khốc liệt, tình yêu đã nảy nở từ sự đồng cam cộng khổ của hai người cùng chí hướng. Từ vợ chồng giả, họ thực sự trở thành một gia đình.

Sau khi đảo chính thành công chế độ Ngô Đình Diệm, năm 1964 địch dự kiến thả hai cán bộ cấp cao của ta đang bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo là Phan Trọng Bình và Phạm Quốc Sắc với điều kiện phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh. Khi đó ông Trần Văn Lai và bà Phạm Thị Chinh dù biết trước nguy hiểm nhưng vẫn đứng ra bảo lãnh đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm ăn ở cho hai đồng chí sau đó đưa trở ra chiến khu an toàn để tiếp tục hoạt động cách mạng. Phát hiện sự biến mất của hai đồng chí này, chính quyền Sài Gòn ra lệnh bắt giữ bà Chinh và tra khảo rất dã man nhưng bà kiên quyết không khai báo gì làm ảnh hưởng đến tổ chức mà chỉ một mực khai là bảo lãnh hai người anh họ, một họ Phạm và một họ Phan theo lời dặn dò của mẹ (do bà lấy tên hoạt động tại nội thành Sài Gòn là Phạm Thị Phan Chính). Do hậu quả tra tấn dã man của kẻ thù, bà đã hy sinh vào ngày 30/10/1964.

Ban thờ ông Trần Văn Lai và bà Phạm Thị Chinh đặt tại nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) - di tích lịch sử hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn.

Căm hận kẻ thù, xót thương người vợ trẻ, ông Trần Văn Lai viết một bài thơ và khắc lên bia mộ, trong đó có hai câu: “Sớm muộn, Bắc - Nam thề hiệp một/Đừng hờn, đừng tủi nữa nghe Chinh”.

*

*      *

Vượt qua nỗi đau mất vợ, ông Trần Văn Lai tiếp tục kế hoạch mua nhà và đào các căn hầm bí mật để chứa vũ khí và che giấu cán bộ, tạo tiền đề cho những trận đánh chấn động của Biệt động Sài Gòn vào hàng loạt cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy tại nội thành Sài Gòn. Đồng hành với ông giai đoạn này và đến tận sau này là bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai), cũng là một chiến sĩ biệt động do tổ chức sắp đặt làm vợ của ông để tạo vỏ bọc và hỗ trợ ông thực hiện những nhiệm vụ trọng đại tiếp theo. Vì thế, trong khoảng thời gian này, người dân sống tại khu phố Võ Di Nguy (thuộc quận Phú Nhuận ngày nay) thường xuyên thấy một ông chủ giàu có nhưng phải đến sống ở ngoại thành vì đã dám “qua mặt” vợ cả dan díu với cô giúp việc kém mình đến 20 tuổi rồi lấy làm vợ bé.

Người vợ bé ấy chính là bà Đặng Thị Thiệp. Sống chung, hoạt động chung một chiến tuyến, giữa ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Thiệp dần nảy sinh tình cảm. Tháng 5/1966, ông Đỗ Tấn Phong, Tham mưu phó Phân khu 6 Sài Gòn - Gia Định, cũng là lãnh đạo của bà Thiệp đã thay mặt tổ chức chấp thuận cho ông Lai và bà Thiệp “xây dựng gia đình trong điều kiện đơn tuyến để bảo đảm bí mật cơ sở cho yêu cầu cách mạng”. Tuy nhiên, với những người sống quanh khu vực thì bà Thiệp vẫn phải chịu tiếng là cô giúp việc quyến rũ ông chủ, chấp nhận làm vợ bé của ông. Bà Thiệp cũng không cần đính chính vì theo bà mọi người nghĩ mình là vợ bé của ông Lai như vậy mới tạo vỏ bọc cho ông Lai và bà hoạt động được.

Ông Trần Văn Lai (người ngoài cùng bên phải) và bà Đặng Thị Thiệp bên một căn hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn (ảnh do gia đình cung cấp).

Năm 1967, người con đầu tiên của ông bà ra đời nhưng không được mang họ cha. Hơn một năm sau bà lại sinh cho ông thêm một người con song các con vẫn chỉ được phép gọi ông - lúc này vẫn hoạt động dưới vỏ bọc “nhà thầu khoán dinh Độc Lập” bằng bác.

Bà Thiệp có nhiệm vụ quản lý một số cơ sở bảo đảm hầm hố trú ém cán bộ, vũ khí bí mật nội thành của Biệt động Sài Gòn, đặc biệt bà đã giữ an toàn, không bị lộ đến ngày giải phóng cơ sở nhà và hầm bí mật tại số 720 Võ Di Nguy, nay là số 752A Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận. Đây là nơi đồng chí Nguyễn Ngọc Lộc, tức Tư Quỳ, Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Sài Gòn - Gia Định về công tác, chỉ đạo chiến trường nội thành Sài Gòn liên tục năm 1967 và là nơi cất giữ, bảo đảm an toàn hai chiếc ô tô của ông Lai. Hai xe này thường được sử dụng để vận chuyển vũ khí, đưa lãnh đạo thị sát chiến trường và sau đó được sử dụng trong trận đánh vào dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968. Bà Thiệp kể rằng nhiều lúc sống nơm nớp trong nỗi lo cơ sở bị lộ không nặng nề bằng sự dè bỉu của dư luận, những câu nói cạnh khóe đến đau lòng, tủi phận của hàng xóm.

Ngay gần nhà bà Thiệp ở là ngôi nhà của vợ chồng một tên cảnh sát ngụy có nhiều nợ máu với cách mạng. Cứ cuối tuần bọn chúng lại tụ tập về đây ăn nhậu. Mụ vợ ỷ thế chồng, lại thấy bà Thiệp còn trẻ nên liên tục mang chuyện bà “cướp chồng” ra gây sự chửi bới.

Được sự giúp sức của ông Lai, một buổi tối, khi đám cảnh sát ngụy đang ăn nhậu, bà Thiệp quăng trái nổ vào ngôi nhà khiến đám cảnh sát ngụy đứa bị thương, đứa bỏ chạy tán loạn. Không ai có thể ngờ thủ phạm lại chính là vợ bé của “nhà thầu khoán”.

Vụ án tạm khép lại với nghi vấn là một vụ tấn công của Việt cộng. Tất nhiên, chuyện này được hai ông bà ém nhẹm. Mãi sau ngày ông Lai mất bà Thiệp mới kể lại cho con cháu nghe.

…Ngày Sài Gòn giải phóng, thấy mọi người đổ ra đường hò reo, bà Thiệp cũng tính chạy thẳng ra đường hét lên với mọi người rằng bà không phải vợ bé, các con của bà không phải là con không cha. Nhưng bỗng cánh cửa xịch mở, ông từ bên ngoài bước vào, quần áo trên người rách bươm. Cùng đoàn quân giải phóng, ông tiến về Sài Gòn. Nhà tư sản giàu có một thời trở về với hai bàn tay trắng vì toàn bộ tài sản của ông đều đã bị địch tịch thu.

Việc đầu tiên ông làm là sắp xếp để cả nhà ra Bắc thăm quê nội sau hơn 40 năm xa cách. Năm ấy, cả nhà ở lại Thái Bình ăn tết, cái tết đầu tiên gia đình đầy đủ thành viên.

Về chuyện bà Thiệp đã phải vất vả như thế nào để tìm họ cha cho các con, anh Trần Vũ Bình kể với chúng tôi: “Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhà nhà sum họp, người người đoàn tụ, má tôi đến cơ quan hành chính địa phương xin được hợp thức hóa hôn nhân, cho vợ được nhận chồng, cho cha con được nhận nhau. Nhưng bà chết lặng khi được thông báo không thể làm được thủ tục vì trên giấy tờ vợ ông Trần Văn Lai vẫn là bà Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính). Bà phải ròng rã đi khắp nơi xin xác nhận của tất cả những người đồng đội, thủ trưởng, cơ quan cũ để có cơ sở làm giấy khai sinh. Vừa hợp thức hóa được hôn nhân là ông bà đi làm giấy khai sinh cho các con. Và dù 6 người con có ngày, tháng, năm sinh khác nhau nhưng trên 6 tấm giấy khai sinh của mỗi người đều được ghi cùng một ngày: ngày 7 tháng 5 năm 1979.

Với những đóng góp cho cách mạng, năm 1984, bà Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính) được công nhận là liệt sĩ, được truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Một năm sau, bà Đặng Thị Thiệp (tức Đặng Thị Tuyết Mai) được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.


 (còn nữa)

Hương Giang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày