Thứ 4, 24/07/2024, 04:19[GMT+7]

Vũ Phúc: Để tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phát huy hiệu quả

Thứ 6, 03/05/2019 | 09:05:10
1,462 lượt xem
Nghề trồng rau ở Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) đã có từ lâu. Toàn xã có trên 400ha đất nông nghiệp, trong đó 56ha chuyên canh rau màu, tập trung ở các thôn: Cự Phú, Bắc Sơn, Thanh Miếu.

Nông dân xã Vũ Phúc chăm sóc rau màu.

Nhiều năm nay, hệ số sử dụng đất của xã lên tới 3,5 lần. Vùng chuyên canh, nhờ thực hiện quay vòng 8 - 9 lần, cho giá trị gấp 5 - 7 lần cấy 2 vụ lúa nên bà con hưởng ứng rất nhiệt tình, mọi người, mọi nhà thi đua thâm canh tăng vụ. Các loại rau được trồng rất đa dạng, từ cây gia vị đến xà lách, bí đao, rau cải, đậu đỗ, dưa chuột, dưa lê... Người dân trồng rau theo nhu cầu của thị trường nên sản phẩm được tiêu thụ nhanh và có giá trị kinh tế cao.

Để giúp các hộ chuyên trồng rau màu trên địa bàn xã có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau an toàn, tạo thói quen canh tác tốt, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, Vũ Phúc đã thành lập 2 tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn tại thôn Thanh Miếu và thôn Cự Phú với 9 hộ tham gia, diện tích trên 2,5ha. 

Trong quá trình tham gia THT, các hộ nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn, về phát triển chuỗi giá trị và giới thiệu quảng bá bán sản phẩm. Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào hoạt động, 2 THT vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, người dân vẫn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, với phương thức thủ công truyền thống. Do đó, số hộ tham gia vào THT còn ít, từ 9 hộ khi thành lập đến nay mới tăng lên 19 hộ.

Thôn Cự Phú có diện tích vùng chuyên canh rau màu lớn nhất xã với diện tích 20ha. Sau 3 năm thành lập, thôn mới chỉ có 10 hộ tham gia vào THT. 

Theo ông Trịnh Đức Ngọc, tổ trưởng THT thôn Cự Phú, nguyên nhân người dân chưa mặn mà vào THT là do người dân khi tham gia sản xuất rau an toàn phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đất trồng, chọn giống, gieo trồng và chăm sóc cho tới khi thu hoạch nhưng các thành viên nhóm nông dân này vẫn phải bán giá tương đương với giá các loại rau cùng loại, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Nguyên do là các loại rau, củ, quả sản xuất ra chưa được tiêu thụ theo chuỗi giá trị, chưa được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP), đăng ký tem nhãn sản phẩm để người tiêu dùng so sánh, phân biệt. 

Ông Trịnh Đức Tho, thôn Thanh Miếu chia sẻ: Vùng chuyên canh rau màu của thôn đã được quy hoạch nhưng hệ thống giao thông, thủy lợi chưa được cứng hóa đồng bộ. Trong khi thương hiệu của sản phẩm chưa có nên người tiêu dùng không phân biệt được đâu là rau an toàn và không an toàn. Chúng tôi chủ yếu tự cung cấp ra thị trường, chưa có đơn vị đứng ra cung ứng nên giá rau còn bấp bênh. Vì vậy, bà con chưa thật sự mặn mà nên hoạt động của THT sản xuất rau an toàn chưa thật sự mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh, thành phố cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục hành chính xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ về vốn vay, máy móc, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất; hỗ trợ chuyển giao giống mới vào sản xuất và tìm đối tác đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, từng bước hình thành chuỗi sản xuất, phát huy vai trò của THT trong việc làm cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Phát triển đủ diện tích trồng rau theo quy hoạch, thực hiện dồn điền đổi thửa, mở rộng quy mô sản xuất cánh đồng rau diện tích lớn để đồng bộ hóa sản phẩm và tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, quản lý, giám sát chất lượng. 

Đối với các THT, cần củng cố tổ chức, quản lý, điều hành chặt chẽ hơn; trên cơ sở nhu cầu của các thành viên, nhạy bén nắm bắt thông tin thị trường để xác định chủng loại rau sản xuất, sản lượng để xây dựng kế hoạch sản xuất, ký kết hợp đồng với những doanh nghiệp, siêu thị có nhu cầu.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày