Thứ 6, 10/01/2025, 20:14[GMT+7]

Quê cũ - Quê mới

Thứ 2, 06/05/2019 | 09:17:55
1,600 lượt xem
Rất khó tìm được nhiều tư liệu về cuộc vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Điện Biên, duy nhất trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình” vỏn vẹn mấy dòng: “Thực hiện chủ trương của Trung ương về vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã vận động chuyển 2.480 người, trong đó nhiều đảng viên, đoàn viên lên xây dựng 13 hợp tác xã”...

Trang trại của ông Trần Văn Tiệp ở thôn Hồng Thanh 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: NAP

Gần đến ngày kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), đoàn công tác Báo Thái Bình “ngược” lên Tây Bắc trong nắng tháng 4 dịu nhẹ, mùa hoa ban bung nở trắng rừng Tây Bắc mà lòng chộn rộn niềm vui. Ngược dốc núi đổ đèo rừng, Tây Bắc điệp trùng hiện dần trước mắt chúng tôi, bất chợt nghe văng vẳng đâu đây dư âm những câu hò kéo pháo của bộ đội ta 65 năm trước, tiếng những bước chân điệp trùng của đoàn binh “Quân xanh màu lá dữ oai hùm” hướng ra mặt trận. 

Chuyến đi này, chúng tôi mong muốn tìm đến những xã, thôn, bản có nhiều đồng bào Thái Bình sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ quê lúa lên xây dựng kinh tế mới Điện Biên. Ngược dòng lịch sử thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX, tỉnh Thái Bình đã đạt năng suất bình quân trên 5 tấn thóc/ha. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp tăng 20%. Giai đoạn 1965 - 1970, trong hoàn cảnh chiến tranh chống đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa ác liệt, Thái Bình vẫn vững vàng vừa sản xuất vừa chiến đấu vừa làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn với tiền tuyến. Chủ trương đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc được các cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng.

Vượt qua dòng Nậm Rốm chúng tôi đặt chân lên cánh đồng Mường Thanh. Đây là vùng lòng chảo của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thuở ấy cánh đồng Mường Thanh là bãi chiến trường ác liệt. Tìm về xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, 1 trong 11 xã của cả nước được Ban Bí thư Trung ương chọn làm thí điểm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thời điểm tháng 9/2009. 

Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình với sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, sự nỗ lực của địa phương, năm 2015 xã Thanh Chăn từ một xã nghèo đã vươn lên dẫn đầu tỉnh Điện Biên trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí cơ bản. Kinh tế - xã hội của xã Thanh Chăn có sự phát triển vượt bậc nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới, nông thôn mới Thanh Chăn, trong đó có công sức đóng góp không nhỏ của người Thái Bình đang sinh sống tại địa bàn xã. 

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tại, quê gốc thôn Quán, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng hiện đang cư trú tại làng Thanh Hồng, nguyên Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thanh Chăn. Trước mắt chúng tôi là cơ ngơi khang trang, tiện nghi sinh hoạt khá đắt tiền cho thấy đời sống và thu nhập của đồng bào người Thái Bình đã có nhiều khởi sắc. 

Ông Nguyễn Văn Tại chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Lê Quang.Ông Nguyễn Văn Tại trong khu vườn của gia đình. Ảnh: Minh Hãnh.

Ông Tại cho biết: Thân phụ ông là Nguyễn Quang Tâm (đã mất), nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy xã Hồng Việt năm 1967. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc, ông Tâm họp toàn thể gia đình quán triệt, động viên 6 anh chị em chúng tôi, lúc đó tôi mới hơn 10 tuổi, là trưởng nam, cô út được 18 tháng. Hoàn cảnh gia đình khá gieo neo nhưng bố tôi gương mẫu chấp hành Nghị quyết Đảng ủy tiên phong, gương mẫu đi đầu. 

Bà Hoàng Thị Chồi, mẹ ông Tại kể lại quá khứ nhọc nhằn. Ảnh: Minh Hãnh.

Bà Hoàng Thị Chồi, mẹ ông Tại năm nay 95 tuổi xúc động kể lại quá khứ nhọc nhằn. Bà kể: “Ông nhà” là cán bộ, đảng viên nên rất nhiệt tình, gương mẫu. Bà tay bồng, tay bế dắt díu 6 đứa con “khăn gói quả mướp” cùng chồng ra xe tải ngược lên Tây Bắc. Lúc xe chuyển bánh, nhìn làng quê thân thuộc lùi xa bà không cầm được nước mắt. Đi hai ngày đường, đặt chân đến Điện Biên, trước mắt bà là núi non, nơi bà và các con đến ở là khu đất cạnh con suối. Đêm đầu tiên ngủ trong lán dựng tạm gió thổi rợn người. Đêm đen đặc nghe rõ tiếng hổ gầm trong rừng xa. Thời gian đầu khó khăn, lương ăn cạn dần, con nhỏ nheo nhóc, bà nản chí định bỏ về xuôi. Nhưng ông Tâm động viên bà: “Mình con nhà nông, Thái Bình tấc đất, tấc vàng, lên đây tha hồ khai hoang. Mình vất vả để đời con cháu được hưởng”. Ông kiên trì động viên khiến bà không nỡ. 

Thế rồi khó khăn vất vả cũng theo năm tháng lùi xa. Ông Tại đủ tuổi gia nhập quân đội, lần lượt các em ông cũng tham gia quân ngũ. Điện Biên đã trở thành quê hương thứ hai và gắn bó máu thịt với gia đình ông Tại từ đấy.

Ông Trần Văn Tiệp bên ao cá trong trang trại. Ảnh: Lê Quang.Ông Trần Văn Tiệp chăm sóc đàn vịt nuôi trong trang trại. Ảnh: Lê Quang.

Cách nhà ông Tại không xa là trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Tiệp ở thôn Hồng Thanh 7, xã Thanh Chăn rộng chừng 5ha. Mấy năm gần đây, trang trại của ông Tiệp làm ăn phát đạt, nức tiếng Điện Biên, mỗi năm doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí ông cũng “dành dụm” được khoảng gần 900 triệu đồng. Ông Tiệp là đồng hương Hồng Việt với ông Tại. Năm 1966, gia đình ông Tiệp “dắt díu” nhau lên Điện Biên xây dựng kinh tế mới, lúc đó ông Tiệp mới lên 6 tuổi. Còn bé thơ nhưng ông Tiệp vẫn nhớ được những giây phút xúc động rơi nước mắt chia tay người thân, làng xóm... rời xa quê hương cùng cha mẹ ông cõng em lên Điện Biên xây dựng cuộc sống mới. Thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua. Sinh ra ở Thái Bình nhưng lớn lên trên quê hương Điện Biên, ông Tiệp đã coi Điện Biên là quê hương thứ hai của mình. Năm 1983, ông gia nhập quân đội chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Năm 1988, ông bị thương rồi trở về làng Hồng Thanh. Ông xây dựng gia đình, vợ ông ở làng bên cũng là đồng hương cùng quê cũ với ông. Ông bà sinh hạ được ba người con, người con trai cả cùng ông làm trang trại, còn hai người con của ông đều thoát ly, một người là sĩ quan quân đội, một người là giảng viên một trường đại học danh tiếng.

Toàn cảnh xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên. Ảnh: Anh Phương.

Do khuôn khổ của chuyến đi ngắn ngày nên đoàn công tác Báo Thái Bình chưa có dịp vào hết các làng, bản, thôn, xã ở Điện Biên và các tỉnh lân cận để gặp gỡ, tìm hiểu cuộc sống ở quê mới của bà con Thái Bình nhưng những người chúng tôi biết như ông Tâm bà Chồi và thế hệ người Thái Bình tiếp nối ở Điện Biên như ông Tại, ông Tiệp cùng bao người con quê hương Thái Bình khác nữa... những người tiên phong đi “mở đất” ngày ấy giờ đã vào tuổi “xưa nay hiếm” từng nhỏ những giọt mồ hôi mặn đắng cho mảnh đất cằn khô bãi chiến trường thêm ngọt ngào. Hạt gạo trắng trong, nghĩa tình sau trước có cả nước mắt, mồ hôi đôi khi cả xương máu trong việc cải tạo, mở mang ruộng đồng Mường Thanh, họ là những người góp nhiều công sức xây dựng Ðiện Biên giàu và đẹp. Những con người kiên cường rời quê cũ Thái Bình lên quê mới Điện Biên không những biến mảnh đất chiến trường năm xưa thành ruộng lúa xanh tươi mà còn mang theo truyền thống thâm canh lúa nước ngàn đời cùng kỹ thuật tiến bộ sẻ chia cho đồng bào người Thái, Tày, Nùng... ở quê mới Ðiện Biên giúp họ thâm canh lúa hiệu quả, nâng cao năng suất lúa lên gấp 3 - 5 lần. 

Ông Nguyễn Văn Tại, nguyên Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã nông thôn mới Thanh Chăn cho biết thêm, ở Thanh Chăn có 4 dân tộc anh em chung sống đoàn kết, gắn bó là Kinh, Thái, Tày, Nùng, trong đó người kinh chủ yếu là Thái Bình chiếm 44%, người Thái chiếm 51%. Trước đây người Thái canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, không chú trọng chăm sóc nên năng suất lúa tương đối thấp, người Thái Bình lên Điện Biên đã mang kỹ thuật làm cỏ, chăm sóc lúa theo từng thời kỳ... giúp người Thái, Tày, Nùng thay đổi cách thức sản xuất cố hữu lâu đời, nhờ vậy năng suất lúa không ngừng tăng lên. Thương hiệu gạo nếp nương Điện Biên đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Tây Bắc cũng bắt nguồn từ tình cảm gắn bó hai quê.

Lê Quang Viện
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa

Nguyễn Thị huế - 4 năm trước

Bai viết hay.e cũng muốn tìm người thân quê ở hồng việt Thái Bình lên xã thanh chăn mà ko biết tìm như thế nào cả. Ac biết cách nào thì giúp e với ah

Tải thêm