Điện Biên Phủ năm ấy
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Những ngày ở chảo lửa Điện Biên
Ở tuổi 90, chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tản (thôn Trung Tiến, xã Tây An, huyện Tiền Hải) vẫn còn minh mẫn, đôi chân còn lanh lẹ, chỉ có đôi tai đã giảm thính lực, phải nói to ông mới nghe được. Vậy mà khi tôi gợi chuyện về Điện Biên Phủ năm xưa, mắt ông sáng hẳn lên. Ký ức những ngày tháng tham gia chiến dịch vẫn còn vẹn nguyên, dường như thời gian và tuổi tác không xóa được bất cứ thứ gì liên quan đến Điện Biên Phủ trong tâm trí ông.
Sinh ra và lớn lên phải chứng kiến cảnh đất nước bị giặc tàn phá, như bao lớp người con của đất Việt, ông Tản căm thù giặc sâu sắc. Năm 23 tuổi, ông xung phong tham gia bộ đội chủ lực. Sau một thời gian huấn luyện, ông được điều về Đại đội 18, Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Ông kể: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi được giao đánh chiếm cứ điểm Hồng Cúm ở phía Nam sân bay Mường Thanh. Chiều ngày 13/3, tiếng súng mở màn chiến dịch bắt đầu.
Vào những ngày cam go, ác liệt nhất của chiến dịch, đơn vị ông được lệnh của cấp trên chuyển về chiến đấu tại cứ điểm đồi A1, thay thế đơn vị của Đại đoàn 316. Nhận nhiệm vụ mới cũng là lúc ông cùng đồng đội ra sức đào giao thông hào. Với khí thế sục sôi đánh giặc, các chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi hăng hái cầm xẻng làm nhiệm vụ.
Những đôi tay thoăn thoắt đào, xúc đất. Có những đêm mưa tầm tã, chiến sĩ ta phải dầm mình trong nước, dùng tay, mũ sắt để đựng bùn, nước đổ đi. Vất vả là vậy nhưng không ai nản chí. Một thời gian sau, được giao nhiệm vụ liên lạc cho Đại đội, ông đã vượt qua biết bao hiểm nguy, rừng núi, đạn bom của kẻ thù để đưa công văn, giấy tờ từ cấp trên về đơn vị, từ đơn vị lên cấp trên và nhanh chóng truyền mệnh lệnh chiến đấu xuống các mũi, các hướng.
Ông Tản xúc động nhớ lại: Ngày ấy thiếu thốn lắm, bộ đội ta phải dầm mưa, “máu trộn bùn non”, giành giật với địch từng mét giao thông hào. Dù đói, dù khổ nhưng mỗi lần nhận được mệnh lệnh chiến đấu, tinh thần của bộ đội ta rất phấn khởi, triển khai ngay, điều đó đã tạo thêm cho tôi động lực để đưa tin nhanh nhất. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm anh em trong đơn vị đứng trang nghiêm ở giao thông hào chăm chú nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi từ chiến khu Việt Bắc khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ, chiến sĩ ta ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích. Đêm ngày 6/5, tại đồi A1, trận chiến giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, bộ đội ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Chỉ huy và những tên địch còn sống sót đã ra hàng. Đến chiều ngày 7/5, quân ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tại các cứ điểm ở Điện Biên Phủ quân địch kéo cờ trắng ra hàng.
Thủ trưởng là đồng hương
Câu chuyện về Điện Biên Phủ của ông Tản ngắt quãng, ông bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm. Kỷ niệm ấy về Trung đội trưởng Lê Đình Chới, quê xã Tây Lương (Tiền Hải). 4 năm nay, sau lần đi bệnh viện thay van tim, sức khỏe ông Tản yếu hơn cộng với bệnh huyết áp cao nên ông không dám đi xa. Cũng từ ấy ông không có cơ hội gặp lại thủ trưởng của mình. Bất chợt ông nói với tôi: Tôi và anh đi thăm thủ trưởng tôi, ông ấy là người có nhiều kỷ niệm nhất về Điện Biên Phủ. Mấy năm rồi tôi không gặp, trước đây chúng tôi vẫn qua lại nhà nhau luôn.
Tại nhà chiến sĩ Điện Biên Lê Đình Chới ở thôn Lương Phú, xã Tây Lương, tôi được chứng kiến cuộc hội ngộ đầy bất ngờ giữa hai người lính. Ông Tản đứng nghiêm giơ tay chào thủ trưởng. Ông nắm chặt tay và ghé tai thủ trưởng nói: 4 năm rồi em mới lại có cơ hội gặp anh, em mừng lắm. Em cứ nghĩ mình chẳng còn cơ hội gặp nhau anh ạ.
Ông Chới năm nay đã 97 tuổi, 71 năm tuổi đảng. Ông không còn nhớ nhiều về những ngày tháng xông pha chiến trường. Ký ức về những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ cách đây 65 năm ông đã kịp ghi thành hồi ký khi còn minh mẫn. Lục tìm trong chiếc hòm tài liệu của bố, bác Lê Đình Tuân, con trai cả của ông Chới nói với tôi: Ngày bố tôi còn khỏe, mỗi lần về quê tôi thường giục ông viết lại những năm tháng ở chiến trường để sau này chúng tôi có cái để nói với con cháu. Năm 1949, bố tôi là xã đội trưởng ở địa phương đến năm 1951 đi bộ đội thuộc Trung đoàn 66, Đại đoàn 304. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đội trưởng của Đại đội 18, Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Năm 1974, bố tôi về hưu với quân hàm Trung tá, Phó Chính ủy Trung đoàn 213, Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân, ông là thương binh hạng 2/4.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Chới không thể nào quên trận đánh tại đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong lúc chỉ huy đơn vị chiến đấu, ông bị trọng thương do đạn súng cối 82 của Pháp bắn trúng. Ông bị gãy một nửa xương sống và nhiều vết thương khác. Trong hầm, chính Giáo sư Tôn Thất Tùng đã trực tiếp mổ cho ông.
Dù không được chứng kiến giây phút toàn thắng ở Điện Biên Phủ nhưng ông Chới lại có may mắn được đứng trong đội quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954. Còn về ông Tản, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được điều chuyển sang Trung đoàn 83 làm nhiệm vụ mở đường và xây dựng công trường. Sau đó, ông về công tác tại nông trường Mộc Châu (Sơn La) cho đến ngày nghỉ hưu năm 1980.
Thiên Ân
Tin cùng chuyên mục
- Thư viện tỉnh - điểm đến phát triển văn hóa đọc 21.04.2025 | 11:17 AM
- Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước 21.04.2025 | 11:17 AM
- Làng xã ở Thái Bình 21.04.2025 | 11:01 AM
- Giá vàng tăng vọt 3 triệu đồng, tái lập mốc 117 triệu đồng/lượng 21.04.2025 | 11:01 AM
- Đông Hưng: Nhân lên sức mạnh từ các chi bộ kiểu mẫu 21.04.2025 | 11:02 AM
- Vũ Thư: Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, thương mại, dịch vụ 21.04.2025 | 11:01 AM
- Xuất khẩu mở đường cho tăng trưởng kinh tế 21.04.2025 | 11:02 AM
- Thái Bình: Quyết tâm, quyết liệt thực hiện hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp 21.04.2025 | 10:17 AM
- Hộp thư bạn đọc 21.04.2025 | 10:27 AM
- Đến 18/4/2025: Cả nước đã hỗ trợ xóa 201.651 căn nhà tạm, nhà dột nát 21.04.2025 | 10:27 AM
Xem tin theo ngày
-
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất cao với nội dung Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với số phiếu tuyệt đối 100%
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp thứ 42
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về hợp nhất hai tỉnh
- Gặp mặt cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khoá XVII
- Tập huấn về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý
- UBND tỉnh: Làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam – Công ty Cổ phần (PV GAS) về phương án cấp khí LNG trên địa bàn tỉnh
- Giới thiệu cuốn sách “Đỗ Ngọc Quán - Người cộng sản trung kiên”