Thứ 6, 22/11/2024, 16:46[GMT+7]

Nông dân Kiến Xương: Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 3, 07/05/2019 | 08:53:47
1,885 lượt xem
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Kiến Xương phát triển sâu rộng và nâng cao về chất lượng, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu của hội viên.

Mô hình nuôi chim bồ câu của ông Nguyễn Quang Trung (khu Giang Nam, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương).

Tại các địa phương ở Kiến Xương xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi tổng hợp. Trong đó, nhiều mô hình đưa con vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi như ba ba gai, thỏ, chim bồ câu... lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình của anh Phạm Tiến Chinh, thôn Trung Bắc, xã Vũ Sơn trồng các loại cây như: ổi bo, bưởi diễn, trồng cỏ, nuôi cá giống, cá thịt, nuôi 6.000 con gà đẻ trứng, 1 vạn con chim cút đẻ trứng. Với mô hình này, anh Chinh không những thu lợi gần 300 triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. 

Hay như mô hình của ông Nguyễn Quang Trung, khu Giang Nam, thị trấn Thanh Nê chăn nuôi theo mô hình tổng hợp từ nhiều năm nay cho hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Trung cho biết: 8 năm về trước, nơi đây là vùng trũng, đất bỏ hoang. Tiếc đất, tôi cùng với người bạn đầu tư khai hoang để phát triển kinh tế. Ngoài nuôi những vật nuôi  truyền thống như: gà, cá, lợn, tôi đưa nhiều vật nuôi mới vào nuôi thử nghiệm, trong đó chim bồ câu là vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao nhất. Với 200 đôi chim sinh sản, mỗi tháng tôi bán gần 50 đôi chim non, thu lãi từ chăn nuôi đạt gần 200 triệu đồng/năm.

Ở thị trấn Thanh Nê còn có mô hình nuôi thỏ lớn nhất vùng với hàng nghìn con của ông Vũ Xuân Thọ, khu Cộng Hòa. 

Ông Thọ cho biết: Thực hiện chuyển đổi từ năm 2013 song mới đầu tôi chỉ đào ao, nuôi vịt không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông, năm 2014 tôi bắt đầu nuôi và nhân giống thỏ New Zealand. Thỏ là con vật nuôi mất nhiều công chăm sóc bởi trang trại thực hiện quy trình nuôi từ thỏ mẹ tới thỏ thương phẩm và nhân giống. Từ đó đến nay, bình quân thu nhập từ bán thỏ thương phẩm, thỏ giống và cung cấp cho các nhà hàng mỗi năm ông Thọ thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên để có được kết quả đó người nuôi thỏ rất vất vả bởi phải chăm sóc từ khâu cho ăn, theo dõi bệnh tật đến phối giống.

Không chỉ có các hộ chăn nuôi giỏi, ở Kiến Xương còn xuất hiện nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư máy móc để làm các khâu dịch vụ sản xuất như máy làm đất, máy cấy, máy gặt vừa đáp ứng yêu cầu mùa vụ vừa từng bước thực hiện công nghiệp hóa trong nông nghiệp như hộ ông Đỗ Văn Quang ở xã Bình Minh, ông Phạm Văn Lượng ở xã Vũ Hòa...

Ông Nguyễn Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Xương cho biết: Hàng năm, Hội đều phát động và có gần 90% hội viên đăng ký thực hiện và trên 70% hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Để phong trào đạt hiệu quả, Hội chỉ đạo, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Vận động gia đình hội viên, nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi, cải tạo đàn gia súc, gia cầm...

Ngoài ra, các cấp hội nông dân còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên các điều kiện cần thiết, khích lệ, động viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết trong khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản... Hội cũng luôn sát cánh, hỗ trợ đắc lực về vốn, khoa học kỹ thuật, cây, con giống để hội viên, nông dân phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn vận động hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hàng năm có hàng chục hội viên được các chi hội đăng ký giúp đỡ thoát nghèo bằng nhiều hình thức: vận động hội viên cho nhau vay không lấy lãi, giúp nhau giống, vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh tăng thu nhập cho gia đình.


Thu Thủy