Chủ nhật, 12/01/2025, 14:48[GMT+7]

Nam Chính: Làm tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 4, 08/05/2019 | 08:51:22
809 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại xã Nam Chính (Tiền Hải) từ ngày 10/4. Để giảm đến mức thấp nhất nguy cơ bệnh dịch lan rộng, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ xử lý môi trường vùng chăn nuôi, khu dân cư, thực hiện đúng quy trình trong xử lý lợn chết.

Đường vào địa bàn xã Nam Chính được rắc vôi bột khử trùng, hạn chế sự lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tổng đàn lợn của Nam Chính đến nay có khoảng 2.600 con. Sau khi phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan đồng thời thực hiện nghiêm quy trình xử lý dịch bệnh theo hướng dẫn. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã trích kinh phí để mua trên 3.435kg vôi bột, 160kg hóa chất thực hiện tuần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại vùng chăn nuôi, khu dân cư. Lập chốt kiểm dịch tại các trục đường vào địa bàn xã, kiểm soát, kiểm tra nguồn gốc động vật, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật. Phát động toàn dân vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh nhà, chuồng nuôi, quét dọn, thu gom phân thải về hầm biogas. Rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và những nơi ẩm thấp, định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại. Hướng dẫn các gia trại chăn nuôi lớn có ranh giới cách ly giữa khu vực chăn nuôi với bên ngoài, lối ra vào khu vực chăn nuôi phải có hố sát trùng. Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, khi nghi lợn của gia đình nhiễm bệnh cần báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn biết, tuyệt đối không hoang mang, vứt xác lợn ra môi trường. Đẩy mạnh công tác thông tin để vận động người chăn nuôi thực hiện “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. 

Ngoài ra, xã cũng đã thành lập 2 tổ thực hiện việc vận chuyển lợn chết và giám sát việc chôn lấp. Chỉ đạo các tổ thu gom lợn chết cần tuân thủ các quy định vận chuyển xác lợn chết một cách nghiêm ngặt. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa lợn chết xuống địa điểm tiêu hủy hoặc rời khỏi khu vực tiêu hủy. Tổ giám sát chôn lấp được phân công lên danh sách số lượng lợn chết được chôn trong ngày, báo cáo trực tiếp theo giờ quy định về UBND xã. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra khu vực chôn lấp bằng cảm quan đối với môi trường đất, không khí xung quanh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, không để xác lợn chết khi phân hủy gây ô nhiễm không khí. 

Ông Lê Văn Tiên, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, xã đã nỗ lực tập trung dập dịch nhằm khống chế dịch lây lan ra diện rộng, trong đó yếu tố giám sát môi trường là rất cần thiết. Các tổ chuyên trách đã được phân công xử lý lợn chết theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Khi di chuyển lợn bị dịch chết để chôn lấp, xác lợn cuốn nilon được xếp vào xe, phun thuốc sát trùng lên bề mặt xác lợn trước khi vận chuyển, không để phân, xác lợn rơi dọc đường vận chuyển. Sau khi vận chuyển đến điểm chôn lấp tổ vận chuyển đổ các bao nilon chứa xác lợn xuống hố tiếp tục phun thuốc sát trùng hoặc vôi bột trên bề mặt các bao chứa lợn, dồn đất xuống hố, nén chặt. Đến ngày 5/5, số hộ có lợn bị bệnh dịch tả châu Phi trên địa bàn xã là 250 hộ với 649 con phải tiêu hủy, tổng trọng lượng 31.407kg.


Hồng Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày