Chủ nhật, 24/11/2024, 05:20[GMT+7]

Anh hùng thời chiến, gương sáng thời bình

Thứ 5, 09/05/2019 | 08:12:22
5,148 lượt xem
Từng lái xe trên những tuyến đường ác liệt nhất của Trường Sơn khói lửa; dù xe dính bom, người bốc cháy, ông vẫn bình tĩnh lái xe lao xuống vực để không cháy lan sang những xe khác trong đoàn… Đó là những gì các đồng đội vẫn kể về cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn, xã Phú Châu (Đông Hưng) cùng những việc làm thắm đượm nghĩa tình đồng đội của ông trong thời bình.

Ông Phạm Ngọc Sơn bên những kỷ vật thời chiến ông tặng cho Bảo tàng tỉnh.

Cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1970, khi tròn 20 tuổi, chàng trai Phạm Ngọc Sơn lên đường nhập ngũ, được cử đi học lái xe và phân về Đoàn Binh trạm 42, Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn). Do là tuyến đường huyết mạch để chi viện cho miền Nam nên dọc tuyến đường Trường Sơn giặc thường xuyên bắn phá vô cùng ác liệt. Trong hoàn cảnh đó, những chiến sĩ Đoàn Binh trạm 42 vẫn vững tay lái, vượt núi, băng rừng chở hàng chi viện cho các chiến trường. Trong ký ức của ông Sơn, kỷ niệm khó quên nhất đó là lần chở chuyến hàng tăng cường cho mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ông tâm sự: Khi đó tôi lái xe dẫn đầu đoàn. 

Trong quá trình di chuyển, đoàn xe bị máy bay địch phát hiện và tập trung tiêu diệt. Xe của tôi bị trúng bom napan bốc cháy. Mặc dù bị thương song tôi vẫn bình tĩnh lái xe chạy tiếp về phía trước rồi cho xe lao xuống vực, vì nếu dừng lại có thể cháy, nổ cả đoàn xe. Cả xe và hàng hóa đều cháy rụi, còn ông may mắn thoát chết nhưng bị bỏng nặng. Sau thời gian dài điều trị, ông tiếp tục quay lại đơn vị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông được phân công chở một tiểu đoàn đặc công vào án ngữ cầu Sài Gòn tạo điều kiện để Quân đoàn 2 vượt sông vào giải phóng Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất, ông xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1979, ông xin tái ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).

Trở về quê hương sau 2 lần tham gia chiến đấu, ông mang trên mình thương tật 62%. Tuy nhiên, những vết thương không ngăn được ý chí phấn đấu vươn lên của người chiến sĩ Trường Sơn. Với kinh nghiệm lái xe sau bao năm ở chiến trường, ông Sơn mạnh dạn đầu tư mua 1 chiếc ô tô để vận chuyển hàng hóa. Năm 1996, số lượng xe của gia đình đã tăng lên 10 chiếc. Với mục đích tập hợp, giúp đỡ những đồng đội là thương binh, ông Sơn đã thành lập Hợp tác xã Vận tải thủy bộ thương binh Đông Hưng (hiện nay là Xí nghiệp Vận tải 27/7 Đông Hưng). Lúc đầu Xí nghiệp có 20 hội viên đều là thương binh. Những năm đầu khởi nghiệp, dù gặp khó khăn về vốn, nhân lực nhưng ông không nản chí. Với bản lĩnh của người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, ông đã chèo lái Xí nghiệp phát triển lớn mạnh, từ 20 chiếc xe ban đầu lên 110 xe, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động là thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em các gia đình chính sách với thu nhâp ổn định từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế gia đình vững vàng đã tạo điều kiện thuận lợi để ông Sơn làm nhiều công việc từ thiện, đặc biệt là những hoạt động tình nghĩa hướng về những người đồng đội năm xưa, những người đã kề vai, sát cánh cùng ông “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. 

Ông chia sẻ: Là người lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường khốc liệt, tôi thực sự may mắn khi được trở về, được sống trong hòa bình. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại nơi chiến trường; có nhiều người trở về thân thể cũng không còn nguyên vẹn; cuộc sống của nhiều người vô cùng khó khăn. Bằng tâm tình của người đồng chí, đồng đội, tôi luôn cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ con em đồng đội, gia đình chính sách có việc làm ổn định; hỗ trợ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. 

Với tình cảm ấy, năm 2015, ông Sơn đã làm nhà tình nghĩa cho bà Hoàng Thị Bình (thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy); năm 2017, làm nhà cho bà Trần Thị Tỳ (xã Phú Châu, Đông Hưng); năm 2018 làm nhà cho bà Lại Thị Bình (xã Đông Á, Đông Hưng) với tổng số tiền 180 triệu đồng. Ngoài ra, vào dịp tết hàng năm, ông tặng 100 suất quà cho hội viên nghèo. Ông đang phấn đấu từ nay cho đến cuối năm sẽ làm thêm một ngôi nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, ông luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương như ủng hộ 50 triệu đồng xây dựng nhà bia liệt sĩ của xã...

Những việc làm của ông đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống bộ đội Trường Sơn vừa anh hùng trong thời chiến, vừa là tấm gương sáng, mẫu mực trong thời bình.

Đào Quyên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày