Sáng mãi truyền thống bộ đội Trường Sơn
Cách nay 60 năm, ngày 19/5/1959, Thường trực Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng để tìm đường, mở đường trên Trường Sơn, chi viện cho miền Nam. Ngày 3/4/1965, Bộ Quốc phòng quyết định: “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” thành Bộ Tư lệnh 559. Ngày 29/7/1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - đơn vị cấp quân khu. Từ năm 1973 đến năm 1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có 9 sư đoàn gồm: 1 sư bộ binh; 1 sư pháo binh; 1 đơn vị tên lửa (cấp sư đoàn); 2 sư ô tô vận tải; 4 sư công binh và 21 trung đoàn trực thuộc gồm: thông tin, giao liên, bộ binh, pháo binh, đường ống xăng dầu, kho, thu mua, quân y... Quân số hơn 10 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong và dân công.
Trải qua 16 năm chiến đấu cực kỳ gian khổ và anh dũng, bộ đội Trường Sơn đã thắng địch, thắng trời, xây dựng nên tuyến đường lịch sử mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vận chuyển hàng triệu tấn hàng, đem nghĩa nặng tình sâu của hậu phương ra tiền tuyến. Bất chấp đạn bom ác liệt của quân thù, từ một con đường mòn nhỏ hẹp đã vươn dài mở rộng, phát triển thành một tuyến đường lớn. Từ một tuyến đường nằm sâu dưới tán rừng Trường Sơn, với bàn tay, khối óc và lòng quả cảm của những chiến sĩ Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), con đường huyền thoại tỏa ra thành một hệ thống những con đường xẻ dọc khắp Trường Sơn trùng điệp gồm 5 trục dọc - 21 trục ngang với hơn 17.000km. Đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí đạn dược kịp thời cho các mặt trận. Từ năm 1973 đến 1975 đã chở 40 vạn quân và 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, giao liên Trường Sơn mở hơn 3.000km đường, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt quân vào chiến trường và ra an toàn.
Có thể nói, việc mở đường mòn Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược độc đáo trong lãnh đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta, là minh chứng hùng hồn của tình đoàn kết chiến đấu chung một chiến hào của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Con đường ấy gắn với những chiến công của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 anh hùng. Tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, bộ đội Trường Sơn dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng đã trưởng thành vượt bậc, lập nên kỳ tích vẻ vang, góp phần xứng đáng cùng toàn dân, toàn quân đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến toàn thắng. Đoàn 559 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 82 đơn vị, 51 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tỉnh Thái Bình với truyền thống cách mạng “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chỉ riêng chiến trường Trường Sơn đã có hơn 2 vạn bộ đội, hơn 1 vạn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, đơn vị nào, lực lượng nào cũng có người Thái Bình. Nhiều đồng chí trưởng thành giữ vị trí quan trọng như đồng chí Nguyễn Tường Lân, Phó Tư lệnh Đoàn 559; đồng chí Tô Đa Mạn, Thiếu tướng Sư trưởng Sư 473, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và 11 đồng chí đại tá; 8 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có nữ lái xe Trường Sơn Phạm Thị Phàn, xã Thái Thuần (Thái Thụy), 5 năm (1968 - 1973) đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bị thương không rời tay lái đưa hàng tới đích, được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ Poljot. Hàng trăm đồng chí là dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, được tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại. Gần 1.500 đồng chí anh dũng hy sinh (ở Nghĩa trang Trường Sơn có 687 mộ phần); hàng nghìn đồng chí bị thương, bị nhiễm chất độc da cam/Điôxin...
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đa số cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn về với quê hương. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ vượt mọi gian khó, nêu cao vai trò cựu chiến binh, gương mẫu tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Sau 19 năm hoạt động là Ban liên lạc, năm 2013 Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh được thành lập. Tới nay, Hội đã được thành lập ở 8/8 huyện, thành phố và 11 hội các đơn vị, sư đoàn trực thuộc với 16.313 hội viên, trong đó có 2.076 đồng chí tín nhiệm được bầu làm cán bộ thôn, tổ, xã; có 125 đồng chí là cấp ủy viên xã, huyện. Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh là thành viên Ủy ban MTTQ tỉnh. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã làm được 45 nhà mới, sửa chữa 29 nhà cho đồng đội nghèo với tổng trị giá 3,85 tỷ đồng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, các hội viên đã đóng góp hơn 10.000 ngày công, ủng hộ hơn 7 tỷ đồng. 100% gia đình hội viên là “gia đình văn hóa”; 98% gia đình hội viên là “gia đình học tập”.
Với những thành tích đã đạt được, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh được Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tặng 7 bằng khen; các đơn vị huyện hội, thành hội và các đơn vị truyền thống được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được UBND tỉnh tặng bằng khen cho 1 tập thể và 4 cá nhân.
Vũ Hồng Thái
(Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh)
Ông Lại Ngọc Thư, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Vũ Thư Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Vũ Thư hiện có 1.525 hội viên là cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng tham gia chiến đấu dọc tuyến đường Trường Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng, các hội viên tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong xây dựng nông thôn mới, các hội viên đã đóng góp, ủng hộ gần 300 triệu đồng cùng nhiều ngày công. Bên cạnh đó, các cấp hội còn làm tốt công tác tình nghĩa. Thời gian qua, các tổ chức hội cơ sở đã tổ chức tốt việc thăm hỏi hội viên khi đau ốm; phúng viếng, tiễn đưa các đồng chí qua đời; tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; đưa hội viên đi khám bệnh miễn phí; xây mới 5 nhà tình nghĩa, sửa chữa 1 nhà với kinh phí 300 triệu đồng. Ông Vũ Ngung, tổ 25, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình Trước đây tôi công tác tại Trung đoàn 232 - pháo phòng không, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Không phải ngẫu nhiên mà tuyến đường Trường Sơn trở thành huyền thoại. Vì đây là tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam nên giặc bắn phá rất ác liệt cả ngày lẫn đêm trên suốt tuyến đường. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu, tôi cùng đồng đội lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Địa hình núi non hiểm trở, sông sâu, núi cao khiến cho việc di chuyển pháo, bố trí trận địa gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả đều cố gắng, nỗ lực vượt mọi gian khó với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Vì vậy, lực lượng pháo phòng không Trường Sơn (gồm 1 sư đoàn và 9 trung đoàn, trong đó có Trung đoàn 232 tôi tham gia chiến đấu) đã bắn rơi tại chỗ hàng nghìn máy bay các loại, góp phần bảo vệ vững chắc tuyến đường vận chuyển. Bà Phạm Thị Mỵ, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh có hơn 4.000 hội viên sinh hoạt trong các hội cơ sở thuộc 8 huyện, thành phố. Trong kháng chiến chống Mỹ, các chị em là các chiến sĩ thuộc các đơn vị phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn như: công binh, giao liên, thông tin, y tá, nuôi quân, lái xe, tuyên truyền văn hóa văn nghệ, đường ống xăng dầu. Sau khi đất nước thống nhất, chị em trở về hậu phương sản xuất đồng thời tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; nhiều chị em trở thành cán bộ nòng cốt ở cơ sở; một số trở thành những doanh nhân thành đạt. Bên cạnh các hoạt động thăm hỏi thường xuyên, các hội viên luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cùng nhau giúp đỡ những đồng đội khó khăn. Những năm qua, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh đã làm được nhiều căn nhà tình nghĩa, tặng rất nhiều phần quà, sổ tiết kiệm cho các hội viên đơn thân, kinh tế khó khăn, ốm đau, bệnh tật với tổng số tiền trị giá 2,68 tỷ đồng. Bà Trần Thị The, Chủ tịch Hội Xăng dầu truyền thống Trường Sơn tỉnh Nếu nói đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu Trường Sơn chính là huyền thoại trong huyền thoại. Bởi trong điều kiện giặc bắn phá ác liệt, địa hình sông sâu, núi cao, bộ đội xăng dầu đã làm nên kỳ tích khi lắp đặt đường ống từ Bắc vào Nam dài 1.400km làm nên sức mạnh cơ động chiến đấu kỳ diệu cho cả 3 nước Đông Dương. Để làm được điều đó, mỗi chiến sĩ xăng dầu phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình, đặc biệt là những nữ chiến sĩ. Mỗi ống dẫn xăng dầu của Việt Nam sản xuất nặng 97kg, của Trung Quốc sản xuất nặng 54kg, của Liên Xô nặng 33kg. Để vác các ống dẫn xăng dầu lên thi công trên đỉnh núi, dưới lòng sông là cả một nỗ lực phi thường. Gian khổ nhất là lúc địch đánh bom đúng đường ống, xăng phun cháy, phải tập trung dập lửa trong khi nhân lực rất ít (mỗi tiểu đội xăng dầu cách nhau 12km, mỗi chốt chỉ có 3 người). Đời sống của anh em vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trong hoàn cảnh đó, tôi đã tổ chức cho anh em lấy màn nằm làm lưới đánh cá để cải thiện bữa ăn, lấy sức khỏe để tiếp tục làm việc và chiến đấu. Ông Nguyễn Xuân Minh, Hội trưởng Đoàn 674, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Bà Lê Thị Chắt, Tiểu đoàn 930, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Tôi nhập ngũ năm 1972 và được phân về Tiểu đoàn 930, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tiểu đoàn của tôi có nhiệm vụ chính là giao liên, thông tin, nuôi quân, y tá. Điều kiện vật chất khó khăn thiếu thốn, để bảo đảm thực phẩm cho bộ đội, các chị em phải vào rừng kiếm thêm rau, măng. Có lần tôi đang lấy măng trong rừng đúng lúc nước lũ tràn về đã cuốn tôi và đồng đội ra giữa sông. Rất may có người tri hô và gọi người đánh bè ra cứu. Không chỉ chiến đấu với quân địch, với thiếu thốn vật chất, chúng tôi còn phải chiến đấu với căn bệnh sốt rét, cứ bảy ngày tôi lại bị một lần sốt rét song chúng tôi đều phải nỗ lực, cố gắng vượt qua để còn chăm sóc các thương bệnh binh nặng hơn. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi luôn có đồng chí, đồng đội bên cạnh cùng chia sẻ, động viên. Với tình cảm ấy, chúng tôi đã liên lạc tất cả các chị em trong tỉnh từng ở Tiểu đoàn 930 cùng sinh hoạt trong một tổ chức hội để thuận tiện cho việc thăm hỏi, cùng nhau giúp đỡ các hội viên khó khăn, đưa đón liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà. Anh Đào (thực hiện) |
Tin cùng chuyên mục
- Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo 24.11.2024 | 18:26 PM
- Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” 24.11.2024 | 18:26 PM
- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Ngô Đông Hải 24.11.2024 | 18:26 PM
- Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bulgaria 24.11.2024 | 18:27 PM
- Lở đất ở Congo khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em 24.11.2024 | 15:27 PM
- Công an huyện Tiền Hải: Khởi tố đối tượng cướp giật tài sản 24.11.2024 | 15:29 PM
- Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và trao quà cho hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh 24.11.2024 | 15:30 PM
- PSG đứng trước bước ngoặt lịch sử 24.11.2024 | 20:12 PM
- Tổng Bí thư Tô Lâm gặp đại diện kiều bào tiêu biểu tại các nước ASEAN 24.11.2024 | 15:30 PM
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Campuchia 24.11.2024 | 15:30 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng