Thứ 6, 22/11/2024, 23:17[GMT+7]

Nâng cao vai trò, vị thế của nữ giới

Thứ 6, 10/05/2019 | 08:25:33
949 lượt xem
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội ban hành năm 2006. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2010, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2015.

Phụ nữ xã Thượng Hiền (Kiến Xương) duy trì nghề mây tre đan truyền thống.

Triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới (BĐG), những năm qua, tỉnh ta đã ban hành các chủ trương, chính sách, trong đó tập trung chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện tham gia quản lý nhà nước về BĐG và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN). Tỉnh cũng coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ nữ góp phần nâng tỷ lệ cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, các lĩnh vực.

Từ khi triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới đến nay, kết quả thực hiện một số mục tiêu và chỉ tiêu trong 7 mục tiêu và 19 chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 12,6%; cấp ủy xã, phường, thị trấn đạt 13,3%. Có 16/35 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ được giải quyết việc làm hàng năm đều đạt khoảng 50,5%, vượt kế hoạch trung ương đề ra; lao động nữ nông thôn được đào tạo nghề đạt 61%; tỷ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi từ 15 - 40 ở nông thôn đạt 99,7%; công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Số vụ bạo lực gia đình ngày càng giảm.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác BĐG và VSTBCPN trong tỉnh còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Vẫn còn tồn tại khá phổ biến định kiến về giới trong đời sống xã hội và gia đình, điều kiện phát huy sức sáng tạo của phụ nữ còn hạn chế. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở cấp tỉnh 5,56%, cấp huyện 12,6%, cấp xã 13,3%; tỷ lệ nữ giới tham gia đại biểu Quốc hội đạt 11,1%, tham gia HĐND tỉnh đạt 21,2%, HĐND cấp huyện đạt 18,2%, HĐND cấp xã đạt 21,9%. Nhìn chung, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, đời sống của một bộ phận phụ nữ còn khó khăn, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn. Sự bất bình đẳng trong gia đình, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn còn xảy ra bởi quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại trong nhân dân, nhiều chính sách cho phụ nữ vẫn chưa thật sự được thực hiện và quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về BĐG, VSTBCPN chưa đồng bộ. Thủ trưởng một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức cho công tác BĐG và VSTBCPN. Đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG và VSTBCPN từ tỉnh đến cơ sở hiện nay hầu hết đều kiêm nhiệm, đó là một trong những thách thức không nhỏ trong quá trình phối hợp triển khai công tác quản lý nhà nước về BĐG, VSTBCPN của tỉnh thời gian qua.

Tại hội nghị tập huấn về công tác BĐG của tỉnh diễn ra đầu tháng 4/2019 do Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh khẳng định: Để nâng cao vị thế của phụ nữ, trước hết các cấp, các ngành, các địa phương cần phải có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện tham gia quản lý nhà nước về BĐG và hoạt động VSTBCPN. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ. Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ nữ, góp phần nâng tỷ lệ cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành.

Nguyễn Cường