Thứ 6, 22/11/2024, 10:04[GMT+7]

Hạnh phúc là khi giúp người khác thành công

Thứ 2, 13/05/2019 | 08:41:11
1,656 lượt xem
Là đời thứ ba của dòng họ Trần ở thôn Kiều Trai, xã Minh Tân (Hưng Hà) nối nghề mộc nhưng anh Trần Văn Dũng lại là người đầu tiên của dòng họ và của cả huyện được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú khi mới ở tuổi 34.

Anh Dũng dạy nghề cho lao động địa phương.

Anh Dũng còn là doanh nhân trẻ tiêu biểu vì cộng đồng và giành giải thưởng Lương Định Của năm 2014. Với anh, giải thưởng là quý giá nhưng điều trân quý hơn và làm anh hạnh phúc hơn đó là giúp nhiều người khác thành công, đặc biệt là người khuyết tật.

Anh Đinh Văn Thu ở thôn Quang Trung, xã Minh Tân bẩm sinh đã bị câm điếc, hơn 10 năm trước anh chỉ sống vật vờ trong căn nhà không âm thanh, không tiếng động, bế tắc bủa vây. Nhưng khi nghe mọi người nói có anh Dũng thôn Kiều Trai nhận dạy nghề mộc cho người khuyết tật, anh Thu mạnh dạn đến học nghề. Thế là xưởng mộc lại thêm môn sinh khuyết tật, lại thêm một hy vọng cho cuộc sống mới. Thấm thoát 10 năm được anh Dũng dạy từ cách cầm bào, cầm đục đến nay đã thành nghề, nối dài ước mơ dạy nghề cho người khuyết tật của người thầy Trần Văn Dũng. 

Chị Trình Thị Nhuần, vợ anh Thu xúc động nói về những thành công của chồng: May mắn gặp chú Dũng, chú dạy nghề, tạo việc làm. Từ ngày làm cho chú Dũng công việc ổn định, có thu nhập, cuộc sống vợ chồng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Đối với anh Dũng, nghề mộc là nghề cha truyền con nối, từ lúc bé đủ sức cầm đục, cầm bào anh đã học và tỉ mỉ chau chuốt từng đường chạm nét khắc. Phần vì gia đình khó khăn, phần vì anh muốn biết các xưởng gỗ lớn có bí quyết gì mà tạo khối, tạo nét độc đáo cho hoa văn trên gỗ, vậy là anh đi học nghề. Vừa học vừa mở xưởng ở quê, những sản phẩm gỗ dân dụng ra đời rồi tiến tới là đồ gỗ mỹ nghệ và cao cấp hơn là đồ thờ, là long đỉnh phượng án, phục dựng kiến trúc đình, chùa. Thành công đến trên từng đơn hàng, từng sản phẩm ra thị trường, nhưng điều làm nên sự khác biệt của nghệ nhân Trần Văn Dũng là không giữ nghề cho riêng mình mà muốn truyền dạy nghề cho nhiều thanh niên trong huyện có việc làm, đặc biệt ưu tiên thanh niên khuyết tật. 

Anh cho biết: Phải dạy những người khuyết tật thì mới cảm nhận được những khó khăn chứ nói ra không thể biết hết được. Các bạn khuyết tật không nghe được, không nói được nên trao đổi giữa mình và các bạn rất khó khăn. Một sản phẩm phải mất 7 - 8 lần mới quen.

Sinh ra ở làng, lớn lên anh Dũng lại cùng người dân trong làng mở xưởng, tìm và tạo việc làm cho người lao động. Chính anh đã cùng lãnh đạo xã giải bài toán việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Sau 20 năm làm nghề, đã có biết bao vết sẹo trên đôi tay, hành trình đến với thành công của nghệ nhân Trần Văn Dũng không thiếu những gian nan, vất vả nhưng anh không hề kể về khó khăn mà chỉ vui niềm vui khi tạo được thêm cơ hội việc làm cho người lao động. 

Anh Dũng cho biết: Thời gian tới tôi muốn đi sâu vào làm hàng xuất khẩu. Để người nước ngoài biết được người khuyết tật Việt Nam cũng sản xuất ra những sản phẩm đẹp.

Nghệ nhân Trần Văn Dũng là thanh niên tiên tiến được suy tôn bởi thành tích xuất sắc trong phong trào tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới. Anh là niềm tự hào của người dân trong xã, trong huyện, không chỉ bởi đôi bàn tay vàng mà tấm lòng anh luôn rộng mở để mang đến niềm vui, sự thành công cho nhiều người khác. Đối với anh, hạnh phúc chính là được sẻ chia bởi giúp người cũng là giúp mình để hoàn thiện hơn.

Trúc Lành

(Đài TTTH Hưng Hà)