Chủ nhật, 12/01/2025, 18:52[GMT+7]

Hiệu quả liên kết sản xuất lúa ở Hồng Tiến

Thứ 4, 15/05/2019 | 16:44:31
1,421 lượt xem
Là xã duyên giang, xa trung tâm huyện, tỉnh, Hồng Tiến (Kiến Xương) luôn quan tâm phát triển nông nghiệp, trong đó có việc xây dựng, nhân rộng cánh đồng sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa liên kết với doanh nghiệp, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập của người dân.

Cánh đồng “5 cùng” tạo thuận lợi đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Tân Thành là một trong những hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa giống với diện tích lớn. Bà Nguyệt cho biết: Gia đình tôi thuê lại ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất để cấy lúa. Vụ mùa năm 2018, tôi cấy trên 8 mẫu lúa trong đó cân bán cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed khoảng 8 tấn lúa giống, phần còn lại phục vụ chăn nuôi, tiêu dùng. Liên kết sản xuất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cấy bình thường, giúp chúng tôi yên tâm gắn bó với đồng ruộng, mở rộng quy mô sản xuất.

Vụ xuân năm 2019, xã Hồng Tiến gieo cấy 329ha lúa, trong đó 70% diện tích lúa thuần, 30% diện tích lúa lai với các giống chủ lực: Bắc thơm 7, TBR225. Diện tích có liên kết, bao tiêu sản phẩm được 110ha, trong đó 100ha sản xuất lúa giống TBR225 cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, 10ha sản xuất lúa Nhật DS1 hàng hóa cho Công ty TNHH An Đình. Mô hình sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa theo hình thức liên kết với doanh nghiệp được Hồng Tiến thực hiện từ năm 2010. Những năm đầu, diện tích sản xuất còn ít, chỉ đạt trên 20ha, tuy nhiên nhận thấy những hiệu quả tích cực khi tham gia liên kết, người nông dân đã hăng hái tham gia, vì vậy diện tích tăng dần, đạt trên 200ha/năm ở cả hai vụ. 

Có được kết quả như hiện nay, Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo sát sao việc phát triển sản xuất. HTX SXKD DVNN xã được giao tổ chức sản xuất cho người dân trong vùng cánh đồng mẫu và vùng sản xuất tập trung. Hội đồng quản trị HTX đã liên hệ, ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Các thành viên HTX được doanh nghiệp cung ứng lúa giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật đầu tư, chăm sóc, khử lẫn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thóc thịt trên thị trường tại thời điểm thu mua. Đối với sản xuất lúa hàng hóa, doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, giảm được nhiều công vận chuyển, phơi khô, bảo quản; giá cũng được điều chỉnh theo giá thị trường tại thời điểm thu mua. Điều đáng mừng là các bên tham gia đều hài lòng bởi hưởng lợi từ chuỗi liên kết.

Ông Vũ Văn Luyện, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Trung bình mỗi năm HTX giúp thành viên tiêu thụ trên 600 tấn lúa. So với gieo cấy truyền thống, sản xuất có liên kết với doanh nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần. Những cánh đồng “5 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng chăm sóc, cùng phòng, trừ sâu bệnh, cùng thu hoạch) tạo thuận lợi cho địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất (khâu làm đất, thu hoạch tỷ lệ cơ giới hóa đạt 100%). Mỗi vụ, doanh nghiệp đều cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, qua đó người dân được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới, tạo chuyển biến lớn trong tư duy, nhận thức. Ngay như vụ xuân năm 2019, 10ha gieo cấy lúa Nhật liên kết với Công ty TNHH An Đình được áp dụng gói công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, không chỉ thay đổi trong cách bón phân, mật độ cấy cũng giảm nhiều so với gieo cấy truyền thống, cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, được nông dân đánh giá cao.

Với sự liên kết chặt chẽ, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa người dân, HTX, doanh nghiệp, vụ mùa tới, dự kiến diện tích sản xuất lúa có liên kết của Hồng Tiến đạt 130 - 140ha. Không chỉ hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận, liên kết còn góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.


Ngân Huyền