Thứ 7, 23/11/2024, 03:17[GMT+7]

Những loại nước uống, món ăn giải nhiệt trong ngày nắng nóng

Chủ nhật, 19/05/2019 | 15:32:27
1,434 lượt xem
Nhiều địa phương trên cả nước đang trải qua đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, có nơi nhiệt độ lên đến trên 40 độ C. Thời tiết này khiến nhiều người cảm thấy nóng bức, mệt mỏi. Dưới đây là những loại nước uống, món ăn giúp chống nóng, cân bằng thân nhiệt.

1. Nước cam, chanh

Cam, chanh có tác dụng cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt. Một cốc nước cam ép hay cốc nước chanh pha đường trong những ngày này sẽ giúp cơ thể dịu lại.

2. Nước bột sắn dây

Sắn dây có vị ngọt, tính bình, công năng giải nhiệt, tác dụng chữa cảm mạo, phát sốt, ban sởi mới phát, đi lị ra máu, khát nước, mụn nhọt. Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, làm giảm huyết áp, nên cũng là thức uống phòng tăng huyết áp rất tốt.

Bạn có thể pha bột sắn dây với quất hay vài lát chanh tươi. Cho 100ml nước vào bột sắn dây quấy tan; rửa sạch hai quả quất, vắt lấy nước cốt bỏ hạt rồi cho vào nước bột sắn quấy thật đều; cho thêm đường và quấy tan. Khi thưởng thức có thể cho thêm đá.

3. Nước dừa

Đây là một trong những loại nước uống giải khát phổ biến. Theo đông y, nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực. Uống nước dừa thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể uống nước dừa trực tiếp hoặc mua dừa về, lấy nước, nạo cùi, thêm ít đường (cho đá nếu thích) sẽ có một ly nước giải khát thơm ngon, bổ dưỡng.

4. Nước ép dưa hấu

Dưa hấu là đồ uống không thể thiếu trong mùa hè. Vào những ngày nắng nóng, được thưởng thức một cốc nước ép dưa hấu mát lạnh, ngọt ngào thì không còn gì vui bằng.

5. Nước cà chua ép


Cà chua là loại quả quen thuộc được dùng làm thực phẩm. Quả cà chua khi chín có màu đỏ tươi chứa rất nhiều vitamin A. Theo Đông y, cà chua tính bình, vị chua, hơi ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tăng tân dịch, chống khát nước, giúp thông tiểu tiện và tiêu hóa tốt.

Với 3 quả cà chua, bạn rửa sạch, bỏ cuống, cắt thành miếng, cho vào máy ép lấy nước. Sau đó, bạn lấy nước cà chua đổ vào ly có nước đá, thêm mật ong vào quậy đều là có thể dùng.

6. Nước râu ngô

Râu ngô có vị ngọt, tính bình, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can. Râu ngô có thể dùng tươi hoặc phơi khô, kết hợp với mía lau, lá dứa nấu nước uống thay nước lọc hằng ngày, có tác dụng lợi tiểu. Những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường dùng nước này rất tốt.

7. Nước rau má

Rau má có vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, lỵ, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy, ho, giãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu, sản phụ ít sữa. Ngày dùng 30 - 50g rau má tươi (có thể nhiều hơn), rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước pha nước hoặc nước dừa để uống. Có thể nấu canh để ăn trong bữa cơm hoặc nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày.

8. Nước đậu đen

Ngoài cách đun nấu thông thường là ninh lên để uống, có thể hãm nước đậu đen như hãm trà. Chỉ cần rửa sạch đậu đen, rang chín và bảo quản kín. Mỗi lần bạn muốn hãm làm nước uống, hãy cho một ít đậu đen vào ly nước nóng và ngâm trong vòng 7 phút là dùng được. Nước đậu đen được chế biến theo cách này cũng có tác dụng mát gan, lợi tiểu, giải nhiệt rất hiệu quả.

9. Nước lá vối

Lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nước vối có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lợi tiểu và mát.

10. Nước atiso lá dứa

Nước atiso thơm mát, thoang thoảng mùi của lá dứa, uống hằng ngày giúp thanh lọc gan, điều tiết sự lưu thông của mật, cải thiện khả năng tiêu hóa và giảm mỡ máu.

Để nấu loại nước này, bạn cần khoảng 5 bông atiso tươi, 1 bó lá dứa tươi, 2 viên đường phèn và 3 lít nước. Bông atiso rửa sạch, bỏ cuống còn lá dứa cột gọn lại sau đó cho cả 2 vào nồi, cho nước vào hầm cùng bông atiso khoảng nửa tiếng; sau đó, đậy kín nồi nước lại và ủ như vậy trong khoảng 6 giờ để bông mềm và ra hết chất ngọt.

11. Mướp đắng

Trong Y học cổ truyền, mướp đắng (còn gọi là khổ qua) có vị đắng, tính mát, thanh nhiệt và tăng sức đề kháng tốt cho cơ thể. Nước khổ qua chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa - những khó chịu thường gặp phải trong mùa hè oi bức.

Với khổ qua tươi, bạn có thể cắt từng lát mỏng rồi phơi khô. Sau khi khổ qua khô, cho lên chảo sao đến khi có màu nâu. Khi uống bạn có thể lấy ra cho nước nóng vào pha như pha trà, mỗi ngày uống 1-2 ly rất mát và tốt cho sức khỏe. Nếu không dùng đắng được, bạn có thể cho thêm đường phèn để dịu bớt vị.

Ngoài uống, bạn có thể chế biến mướp đắng thành những món ăn như mướp đắng xào thịt bò, nhồi thịt hấp hay nấu canh xương.

12. Bí đao

Đây là cái tên không thể thiếu trong danh sách các thức ăn giải nhiệt cơ thể. Loại quả này, với vị ngọt vốn có, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, sinh tân, chỉ khát.

Các bà nội trợ thường dùng bí đao để nấu canh tôm hoặc canh cua để giải nhiệt. Những món này cực kỳ có lợi cho những người đang trong tình trạng béo phì, phù lũng hay tiểu tiện khó khăn. Với bí đao nấu cá hoặc đậu đỏ ăn rất tốt, bạn sẽ nhanh chóng tạm biệt chứng tiểu khó làm bạn vô cùng khổ sở.

13. Đậu phụ

Đậu được cho là thức ăn giải nhiệt cơ thể hàng đầu. Với vị ngọt, tính mát, nhuận táo, bổ trùng, giải độc, sinh nước bọt và thanh nhiệt cơ thể, đậu phụ xứng đáng xếp đầu trong bảng danh sách các loại thức ăn giải nhiệt cơ thể cực tốt vào những ngày hè nắng gắt.

Bên cạnh việc mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, đậu phụ còn rất dễ chế biến. Bạn có thể chần ăn sống, kho, rán, nhồi thịt, sốt hoặc nấu những món canh.

14. Mồng tơi

Mồng tơi có rất nhiều chức năng, nhưng chức năng chính của loại rau này chính là thanh nhiệt, giải nhiệt, giảm cân, giảm mỡ máu. Đây là loại rau vô cùng tốt để giải nhiệt trong ngày nắng nóng, không thể thiếu vào mùa hè. Bạn chỉ cần nấu canh, luộc rau mồng tơi ăn hàng ngày là đã có món ngon giải nhiệt ngày hè. Mồng tơi nấu với cua là món ăn được nhiều gia đình ưa thích trong những ngày nắng nóng.

Theo hanoimoi.com.vn