Chủ nhật, 24/11/2024, 06:07[GMT+7]

Nông dân thời 4.0

Thứ 2, 20/05/2019 | 08:49:52
1,660 lượt xem
Đó là những người mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra bước đột phá trong sản xuất, chăn nuôi. Họ được coi là những người “mở đường” đón đầu công nghệ, dám thử nghiệm cái mới để phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trại gà thông minh
Khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện chuyển đổi đất kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia trại, ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) đã mạnh dạn đấu thầu hơn 1ha đất vùng bãi, mở trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm theo các tiêu chí an toàn sinh học. Thay vì lựa chọn phương thức chăn nuôi, sản xuất theo lối mòn truyền thống, ông Tràng đã chủ động tìm hướng đi mới nhằm phát triển mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng, chuyển từ nuôi gà chuồng trệt sang nuôi chuồng khép kín, nuôi trên lồng và có phần mềm quản lý theo dõi trên máy tính để thực hiện việc tiêm vắc-xin theo định kỳ. Hệ thống nước uống cho gà hoàn toàn tự động, thức ăn có trộn men sinh học giúp gà hấp thụ hết thức ăn, ít bị bệnh, hạn chế tối đa mùi phân thải ra bên ngoài.  Giống gà được ông Tràng lựa chọn là gà Hyline, nhập khẩu từ Mỹ. Thời gian gà đẻ kéo dài 12 tháng, trung bình mỗi con gà cho 320 - 330 quả trứng. Ngoài việc đầu tư nguồn giống, ông còn lắp đặt hệ thống làm mát và sưởi cho gà, nhiệt độ chuồng nuôi luôn được điều hòa bảo đảm đông ấm, hè mát. Công đoạn thu phân gà của trang trại cũng được thực hiện hoàn toàn tự động, giảm sức lao động cho công nhân. Do nhiều công đoạn được thực hiện tự động nên dù nuôi gần 20.000 con gà nhưng trang trại của ông chỉ cần 3 lao động làm việc thường xuyên. Cùng với thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi, bên ngoài ông xây tường rào bao quanh. Cổng ra vào thường xuyên được tiêu độc, khử trùng nhằm hạn chế bệnh cho gà.
Ông Tràng chia sẻ: Năm 2000 tôi bắt đầu lựa chọn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm khi thấy trên địa bàn tỉnh ít người nuôi trong khi nhu cầu thị trường có cơ hội để phát triển. Ban đầu nuôi tại gia đình với số lượng 450 con nhưng khi có trang trại tôi đã nuôi 2.000 con và hiện nay là gần 20.000 con. Với số lượng gà nuôi lớn, tôi xác định phải thay đổi phương thức nuôi mới hiệu quả. Vì thế, tôi thường xuyên đi học hỏi các mô hình nuôi gà đẻ thương phẩm ở các tỉnh. Những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả đều được tôi áp dụng vào trang trại để không bị tụt lại phía sau.

Hiện mỗi ngày trang trại của ông Tràng thu được từ 1,2 - 1,3 vạn quả trứng. Doanh thu một năm đạt khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí ông thu về 700 triệu đồng. Ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ông cũng được nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và nhiều bằng khen của UBND tỉnh.

Nuôi tôm công nghệ cao
Thử nghiệm hướng đi mới cũng là cách anh Vũ Văn Của, xã Thái Thượng (Thái Thụy) áp dụng nhằm phát triển mô hình nuôi tôm của mình. Khởi nghiệp ban đầu với mô hình nuôi tôm xen kẽ cua xanh và rau câu để tạo lập vốn. Khi có vốn, anh Của chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.

Trên tổng diện tích 10.000m2, anh dành 2.000m2 nuôi tôm. Ở các ao nuôi bên dưới đều lót nền, bên trên che nhà bạt để điều hòa nhiệt độ ao nuôi. Mỗi năm anh Của nuôi 3 vụ, thu hoạch hàng chục tấn tôm. Trừ chi phí, thu nhập từ việc nuôi tôm giúp anh thu về trên 4 tỷ đồng/năm. Thành công đã tạo động lực để anh có những bước tiến xa hơn, tiếp tục học hỏi, tham quan những mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ mới để học tập. Hiện nay, ngoài việc nuôi tôm trong nhà bạt, anh Của còn áp dụng công nghệ nuôi biofloc. Biofloc là nguồn vitamin, khoáng chất rất tốt, có tác dụng giống như chế phẩm sinh học. Việc ứng dụng tạo ra biofloc trong quy mô nhỏ nhằm hạn chế tác động của các hợp chất nitro độc hại, xử lý thức ăn thừa, giảm chi phí thức ăn và sử dụng chế phẩm. Trên diện tích ao 500m2, theo công nghệ biofloc, anh thả tôm với mật độ 340 con/m2, số lượng thả 170.000 con. Biofloc bao gồm tảo, động vật nguyên sinh, các hạt hữu cơ chết, vi khuẩn... Quá trình áp dụng nuôi tôm theo công nghệ biofloc tại mô hình cho thấy tỷ lệ tôm sống cao đạt 90%, năng suất, chất lượng hiệu quả.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đi trên những con đường mới và đã thành công, anh Của là 1 trong 50 gương mặt tiêu biểu được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIII, năm 2018.

Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương đã trở thành nguồn động lực để những nông dân như ông Tràng, anh Của thực hiện ước mơ của mình. Thành công của họ hôm nay là minh chứng cho tinh thần ham học hỏi, dám đổi mới, tiên phong đi trước, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày