Thứ 6, 22/11/2024, 11:22[GMT+7]

Quỳnh Phụ sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Thứ 3, 21/05/2019 | 09:04:48
1,038 lượt xem
Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trong mùa mưa bão năm 2019, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đến nay, huyện Quỳnh Phụ đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, công trình thủy lợi. Qua kiểm tra cho thấy hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, đủ khả năng chống lũ so với mực nước thiết kế.

Thi công thả rồng vỏ thép lõi đá hộc kè Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ).

Huyện Quỳnh Phụ có hai hệ thống đê chính là đê hữu Luộc và đê hữu Hóa. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hệ thống đê bối Quỳnh Lâm, đê bối Quỳnh Hoa và đê bối An Khê với tổng chiều dài gần 18km. Là tuyến đê trọng điểm trong công tác phòng, chống lụt, bão, đê hữu Luộc có chiều dài 20,5km, bắt đầu từ km16+500 thuộc địa phận xã Quỳnh Ngọc giáp huyện Hưng Hà đến km37+00 thuộc địa phận xã An Khê. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, bằng các nguồn vốn xây dựng cơ bản, vốn duy tu đã đắp mở rộng mặt đê, cứng hóa mặt đê, một số đoạn mặt đê đã được mở rộng từ 5 - 7m.

Đê hữu Hóa có chiều dài 16km, từ km00 thuộc xã An Khê đến km16+00 thuộc xã An Mỹ, giáp đê biển số 8 thuộc xã Thụy Ninh (Thái Thụy). Mặt đê hữu Hóa trên toàn tuyến đã được cứng hóa bằng vật liệu đá bây, bê tông, đủ cao trình thiết kế, chất lượng tương đối bảo đảm an toàn. Hệ thống đê chính của huyện có 7 kè đá lát mái, trong đó đê sông Luộc có 4 kè là kè Đồng Trực, kè Hiệp, kè Đại Nẫm, kè An Khê và đê sông Hóa có 3 kè là kè An Đồng, kè An Thái, kè Tô Trang. Đến nay đã có 5 kè được tu bổ, sửa chữa còn 2 kè xây dựng từ lâu nên hầu như hư hỏng nặng...
Thông qua việc đánh giá hiện trạng, đoàn kiểm tra còn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. 

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, nhân dân các xã ven đê đã chấp hành tốt Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai. Nhiều địa phương đã kịp thời ngăn chặn, giải quyết vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai song vẫn còn một số xã chưa giải quyết triệt để. Điển hình: trên tuyến đê hữu Luộc vẫn còn tồn tại những vi phạm như xây dựng trang trại chăn nuôi, lán tạm gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ ở các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoa, Quỳnh Giao, An Khê; một số đỉnh kè còn chất tải quá cao như ở kè Hiệp, xã Quỳnh Giao, kè Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ, kè Lộng Khê, xã An Khê; xây lán tạm, tường bao trong hành lang bảo vệ đê tại các xã Quỳnh Hoa, An Khê... Không chỉ đê hữu Luộc, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên tuyến đê hữu Hóa cũng diễn ra khá phổ biến với các hành vi như: xây nhà xưởng ở ngoài bãi, trong hành lang thoát lũ tại xã An Ninh, thị trấn An Bài; xây dựng trang trại chăn nuôi tại các xã An Khê, An Cầu, An Ninh, An Thanh, An Mỹ...

Ông Nguyễn Viết Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết: Là 1 trong 14 xã duyên giang của huyện, những năm qua, Quỳnh Thọ luôn quan tâm, chú trọng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN). Trước mùa mưa bão hàng năm, địa phương luôn thực hiện tốt khâu xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, vật tư, đủ về số lượng con người và vật tư, phương tiện. Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động lực lượng, tích cực, chủ động giải tỏa đăng đó, vó bè, bèo bồng để khơi thông dòng chảy... Trước mùa mưa bão năm 2019, UBND xã đã ra quyết định, giao chỉ tiêu lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN cho các thôn như: tre đánh dấu 600 cây, tre cắm vè 50 cây, 1.600 bó rào, 200 đèn pin, 5.000 bao tải, 600m3 đá hộc tập kết tại chân đê, đất dự trữ 1.000m3...

Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Quản lý đê điều huyện thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, kịp thời phát hiện và tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó còn tiến hành kiểm kê định kỳ số lượng và đánh giá chất lượng các loại vật tư dự trữ PCTT và TKCN của nhà nước để theo dõi, quản lý. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, UBND huyện yêu cầu các ngành, các địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhà nước và nhân dân trong công tác PCTT và TKCN, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khẩn trương và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài ra, địa phương cũng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, giữ vững hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trong mùa mưa bão, bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân...

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày