Thứ 7, 23/11/2024, 09:06[GMT+7]

Người Thái Bình trên đất Tây Nguyên (Kỳ 1)

Thứ 5, 23/05/2019 | 08:34:05
3,075 lượt xem
Chúng tôi vào Tây Nguyên giữa “mùa con ong đi lấy mật”. Đây là thời điểm cả vùng cao nguyên bao la được phủ trắng bởi những cánh hoa cà phê tinh khôi, tỏa hương thơm ngát. Mùa này, khách du lịch khắp nơi tìm đến Tây Nguyên để hòa mình vào với “cái nắng”, “cái gió”, thư thái tận hưởng những sản vật, văn hóa đặc trưng. Nhưng chuyến đi của chúng tôi là để tìm đến những buôn làng nơi có những người con Thái Bình đang làm ăn, sinh sống, lập nghiệp trên quê hương thứ hai.

Mô hình nuôi lợn khép kín của HTX Đồng Tiến do ông Nguyễn Văn Hưởng quê gốc xã Trung An, huyện Vũ Thư làm chủ.

Kỳ 1: Cuộc sống ấm no trên quê hương thứ hai

Tháng ba, Tây Nguyên tuyệt đẹp, đi dưới anh nắng vàng “như rót mật” trong tiết trời se lạnh làm chúng tôi cảm nhận như đang ở giữa mùa thu của miền Bắc. Từ cảng hàng không Buôn Ma Thuột, chúng tôi được các bạn đồng nghiệp Báo Đắk Nông đưa về thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Trong hành trình đó, đoàn chúng tôi chọn xã Đắk Sin (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) là điểm đến đầu tiên của chuyến công tác. Từ thị xã Gia Nghĩa đi qua những vạt đồi với bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, điều... xuyên dưới những tán rừng nguyên sinh chúng tôi bị choáng ngợp bởi cảnh tượng hàng nghìn con bướm đủ màu sắc đang vờn hoa, hút mật trên những tán cây rừng như lạc giữa một không gian của miền cổ tích. Theo địa chỉ, xe chúng tôi dừng tại chợ Đồi Mít hỏi thăm vào nhà vợ chồng anh Trần Xuân Hữu và chị Trần Thị Hường (anh chị quê gốc ở huyện Vũ Thư). Chị Hường theo gia đình vào Đắk Sin từ nhỏ còn anh Hữu học xong cao đẳng sư phạm đã tình nguyện vào Tây Nguyên đem cái chữ đến với con em đồng bào Tây Nguyên. Do có hẹn trước nên đoàn chúng tôi được bà con đồng hương Thái Bình nơi đây tiếp đón rất nồng hậu. Sau khi thăm hỏi ân cần, đích thân anh Đoàn Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐND xã Đắk Sin trực tiếp dẫn chúng tôi đi tác nghiệp. Trên đường đi, anh Vinh kể anh quê ở huyện Hưng Hà, cuối năm 1980 theo gia đình vào đây lập nghiệp. Do tích cực tham gia các phong trào của địa phương, anh được cấp ủy, chính quyền bồi dưỡng, đào tạo trở thành lãnh đạo xã. Anh Vinh cho biết, xã Đắk Sin nằm ở phía Tây Nam huyện Đắk R’Lấp, có diện tích tự nhiên 10.096ha, được chia làm 12 thôn với hơn 1 vạn dân. Xã có trên 40% người dân quê gốc Thái Bình. Người Thái Bình đặt chân đến vùng đất này rất sớm. Từ năm 1977, nhiều gia đình ở xã Hồng Lý và xã Trung An (Vũ Thư) đã xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới và nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của bao thế hệ người con quê lúa.

Các thế hệ người Thái Bình ở Đắk Nông đã góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Hơn 40 năm qua, với bản chất chịu thương chịu khó, cần cù học hỏi, người Thái Bình đã góp phần giúp Đắk Sin “lột xác” từ một vùng rừng núi, lau sậy năm xưa nay đã trở thành “vương quốc” hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông. Đắk Sin là địa phương phát triển cây tiêu sớm. Thời hoàng kim, toàn xã có tới 1.000ha. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp nên cây tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao, giá cả ổn định nên nhiều hộ nông dân đã khá và giàu lên từ loại cây này. Thời điểm này, hồ tiêu rớt giá nhưng thu nhập của bà con trong xã vẫn ổn định, năm 2018 đạt bình quân 38 triệu đồng/người. Anh Vinh cho biết thêm: Cũng chính nhờ biết phát huy thế mạnh của địa phương nên Đắk Sin là xã luôn đi đầu trong các phong trào. Hiện tại, 100% hộ dân đã được dùng điện lưới quốc gia, hệ thống đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa ở 12/12 thôn, trường học và trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm, tỷ lệ con em trong xã đỗ vào các trường cao đẳng, đại học cao nhất trong vùng, tỷ lệ hộ nghèo thấp.

Cùng anh Vinh, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lý Tất Thành ở thôn 3, xã Đắk Sin. Ngôi nhà hai tầng khang trang của anh Thành bám mặt đường trục xã, tọa lạc trên diện tích hàng nghìn mét vuông. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông với nước da sạm đen, rắn chắc. Mặc dù đã rời quê hương Hồng Lý (Vũ Thư) hơn 40 năm nhưng anh Thành vẫn nói giọng Bắc, vẫn giữ cái tính chất phác, giản dị như “cây lúa, củ khoai” quê nhà. Anh cho biết, năm 1977, khi mới hơn 10 tuổi anh theo bố mẹ vào Tây Nguyên khai hoang, lập nghiệp. Thời đó cả xóm chỉ có hơn chục nóc nhà, tất cả đều là dân Bắc. Mỗi nhà được một quả đồi cây cối um tùm, cuộc sống ban đầu khó khăn đủ đường. Anh Thành vẫn nhớ như in, thuở đó ở đây cả tuần không nhìn thấy bóng người, anh buồn lắm, nhiều lúc ngồi khóc một mình thèm được nô đùa cùng chúng bạn, nhớ cảm giác được đi tắm sông mỗi buổi chiều tan học... Thế rồi cũng quen, gia đình anh cũng như nhiều hộ dân nhờ chịu khó khai hoang mở đất và đem kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp từ quê hương “5 tấn” áp dụng vào ruộng vườn nơi đây nên dần có cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên quê hương thứ hai. Nói về việc phát triển kinh tế gia đình, anh Thành cho biết hiện tại gia đình anh có một cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi cùng 4ha trồng cà phê, hồ tiêu cộng với hệ thống chuồng trại nuôi 150 con lợn thịt/lứa, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng, ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động chủ yếu là con em quê hương với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi lợn khép kín của HTX Đồng Tiến do ông  Nguyễn Văn Hưởng quê gốc xã Trung An, huyện Vũ Thư làm chủ.

Từ nhà anh Thành xuyên qua những rẫy cà phê, hồ tiêu hút tầm mắt, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Xuân Hoạch ở thôn 5. Ngôi nhà mới xây của anh Hoạch nằm ở góc một quả đồi, bao quanh là những gốc cà phê đang bung hoa trắng muốt. Mời khách nhâm nhi ly cà phê “cây nhà lá vườn” thơm phức, anh Hoạch cho biết: Tôi quê xã Vũ Tiến (Vũ Thư), năm 1995 đưa gia đình vào đây lập nghiệp. Khi mới vào tôi ở nhờ nhà người quen, sau đó hai vợ chồng xin đất khai hoang, tích cóp tiền mua rẫy trồng cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi... Do chịu khó và biết cách làm ăn nên giờ gia đình anh Hoạch đã có một cơ ngơi bề thế, kinh tế thuộc loại khá trong vùng. Anh cho biết, hiện gia đình anh đang canh tác 3ha hồ tiêu, 2ha cà phê và 1ha điều, số còn lại là trồng cây ăn trái, trừ chi phí mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng. Những năm trước (2015 - 2016), tiêu được giá (gần 200.000 đồng/kg) riêng tiền lãi từ hồ tiêu đã từ 300 - 500 triệu đồng. Sau hơn 20 năm lập nghiệp trên quê hương thứ hai, gia đình anh Hoạch đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, 3 người con của anh đều học hết đại học, một người lập nghiệp ở thành phố, hai người trở lại chính mảnh đất Đắk Sin đem kiến thức đã học phục vụ quê hương.

Chia tay gia đình anh Hoạch, trên đường đi, anh Vinh đưa chúng tôi ghé thăm gia đình ông Thập, gia đình ông Đồng, gia đình ông Hưởng, gia đình bà Ngàn, đều là người Thái Bình vào Đắk Sin từ rất sớm. Sau một ngày tại xã Đắk Sin, chúng tôi đã đến thăm, đón nhận tình cảm nồng ấm của bà con quê hương và tận mắt thấy được cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà vùng đất trù phú này đã mang lại cho họ. Kết thúc chuyến công tác tại Đắk Sin, chúng tôi được bà con mời cơm tối với nhiều món đặc sản mà chỉ nơi đây mới có như rau đắng, rau nhíp, đọt mây, gà Ê-đê... Bữa cơm ấm tình quê hương ở một nơi cách xa Thái Bình hàng nghìn ki-lô-mét làm cho tình cảm đồng hương của chúng tôi thêm khăng khít. Những câu chuyện khai hoang mở đất với thú dữ, rắn độc, vắt rừng và những trận sốt rét mê man... được người dân nơi đây ôn lại như một kỷ niệm không bao giờ quên của một thời gian nan, vất vả.

Chia tay bà con Đắk Sin với những cái ôm, cái nắm tay thật chặt, những gói hạt tiêu, cà phê sản vật “cây nhà lá vườn” được bà con gói ghém rất cẩn thận được trao tận tay cho chúng tôi để làm quà. Giây phút chia tay bịn rịn và xúc động để lại trong chúng tôi một tình cảm đặc biệt, một kỷ niệm khó quên về mảnh đất và những người con quê hương nơi đây!

(còn nữa)

Tùng Thơi

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)