Thứ 5, 21/11/2024, 23:55[GMT+7]

Xây dựng thương hiệu gạo Việt trên nền tảng chữ “Tâm”

Thứ 5, 23/05/2019 | 10:39:58
2,725 lượt xem
Thời gian gần đây, người tiêu dùng được thưởng thức những bát cơm với vị ngon khó cưỡng bởi độ sạch tinh khiết , hương thơm tự nhiên từ những hạt gạo Niêu Vàng, Sông Vàng, Nhất Hương, Tám thơm Tiền Hải, nếp A Sào. Đây là những sản phẩm được làm ra từ “tâm” của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed- những người con của quê lúa Thái Bình, một trong những vựa lúa màu mỡ của Việt Nam.

Đóng gói sản phẩm gạo tại ThaiBinh Seed.


 Không chỉ có những loại gạo trên mà với ước mơ xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, bằng sự nỗ lực bứt phá, đến nay Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) đã trở thành nhà sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam. Các giống lúa: BC15, TBR-1, TBR45, TBR36, TBR225, Đông A1, Thái Xuyên 111... của  ThaiBinh Seed đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm, có khoảng 20.000 tấn lúa giống mang thương hiệu ThaiBinh Seed đến với nông dân. Riêng ở Thái Bình, các loại giống này đã và đang trở thành giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất chính của tỉnh; giống lúa BC15 và TBR225 năng suất cao, chất lượng gạo ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà ít có giống lúa nào sánh kịp. Ngoài ra, ThaiBinh Seed còn liên kết sản xuất, thu mua giống với các địa phương trên cả nước, giúp nhiều hộ nông dân tham gia liên kết có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho họ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo kiểm tra sinh trưởng giống lúa OM 9582 tại Cần Thơ (ảnh do TSC cung cấp).

 Phải khẳng định rằng, những thành tích trên của ThaiBinh Seed  được gắn liền với cuộc đời hơn 40 năm làm nghề nghiên cứu chọn tạo giống lúa của ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ThaiBinh Seed- người nông dân, người lính, doanh nhân làm khoa học nông nghiệp. 

Chúng tôi gặp lại ông Báo khi ông vừa trở về từ Paris (Pháp), sau khi tham dự Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng” (VGLF) lần thứ nhất do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. 

Ông Trần Mạnh Báo cho biết: Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng” được tổ chức nhằm mục đích kết nối người Việt Nam trên toàn thế giới, tạo nên sự đoàn kết, chung tay tham gia xây dựng đất nước. Diễn đàn xoay quanh chủ đề quan trọng “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam”, trong đó có nhiều chuyên đề như “Xây dựng thương hiệu Quốc gia”, “Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế”; “Cái nhìn đa chiều của thế giới và người Việt ở nước ngoài đối với Việt Nam”… 

Ông Báo tâm sự với chúng tôi, ông nhận thức rõ vinh dự và cũng là trách nhiệm to lớn khi được mời tham gia diễn đàn này với tư cách một diễn giả tham luận về chủ đề “Niềm tự hào của Nông dân Việt Nam”. Tại diễn đàn, ông đã truyền tải về sự đóng góp đáng tự hào của nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Đồng thời nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam và vai trò cầu nối của người Việt Nam ở nước ngoài để đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới. Trong phần tham luận của mình, ông Báo cũng đề cập đến vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Theo đó ông cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng nền kinh tế xuất phát ở điểm thấp, nông sản xuất khẩu chủ yếu sản phẩm thô, giá trị không cao và chưa có thương hiệu mạnh. Vì vậy yêu cầu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là một đòi hỏi bức thiết hơn lúc nào hết. Mà nếu không xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp thì không thể có thương hiệu sản phẩm quốc gia. Để giúp ngành Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển, xứng đáng với truyền thống lịch sử và niềm tự hào mà nó mang lại cho đất nước đồng thời khai thác lợi thế của Nông nghiệp Việt Nam ông đã đề xuất với diễn đàn các nội dung: Giúp Việt Nam ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển Nông nghiệp đặc biệt là công nghệ giống nông nghiệp; xây dựng công nghiệp chế biến và công nghệ bảo quản nông sản; hợp tác nghiên cứu và bảo vệ tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên thế giới; cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu chuyên ngành trên thế giới và là cầu nối để đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.

 Sản phẩm của ThaiBinh Seed đạt giải vàng chất lượng quốc gia năm 2016 (ảnh do TSC cung cấp).

Quay trở lại vai trò và trách nhiệm của ThaiBinh Seed trong xây dựng thương hiệu gạo Việt, ông Báo chia sẻ: Là một trong những công ty hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, ThaiBinh Seed hiểu rằng sứ mệnh của mình chính là phải khẳng định thương hiệu gạo Thái Bình bằng những sản phẩm gạo chất lượng và cao cấp. Trong đó, điểm cốt lõi để xây dựng thương hiệu gạo là thay đổi quan điểm sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Ý tưởng xây dựng thương hiệu gạo có từ rất lâu, nhưng phải mất 14 năm nghiên cứu, chọn lọc (từ 2002 - 2016), ThaiBinh Seed mới có được các giống lúa tốt, được đăng ký bản quyền. Sự ra đời của gạo Niêu Vàng, rồi Sông Vàng, Nhất Hương, Tám thơm Tiền Hải, nếp A Sào là dấu mốc mới của ThaiBinh Seed, khẳng định sự năng động, nhạy bén trong thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế. Bên cạnh đó, ThaiBinh Seed còn có nhiều giống lúa cổ truyền của Thái Bình để lại đã chọn lọc và thuần hóa được. Những giống lúa này đều cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao, cơm dẻo, thơm ngon, đậm đà. Giống chất lượng đã có, ThaiBinh Seed tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, hiện đại hóa dây chuyền chế biến, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến, từng bước vươn lên hiện thực hóa khát vọng thương hiệu gạo Việt của mình.

 Chia tay với phóng viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị ThaiBinh Seed khẳng định: Cơm trắng trong như tâm sáng người gieo hạt lúa. Gạo ngọt thơm từ giống lúa độc quyền. Đó chính là những điều đặc biệt tạo nên sản phẩm mang trọn tâm huyết trong suốt quá trình hình thành và phát triển của ThaiBinh Seed!

Phan Lợi