Chủ nhật, 24/11/2024, 04:59[GMT+7]

Người Thái Bình trên đất Tây Nguyên (Kỳ 2)

Thứ 6, 24/05/2019 | 09:10:45
2,699 lượt xem
Từng trang lịch sử hiện lên như vừa mới diễn ra, cụ Phiệt, cụ Lương hay hàng nghìn người con Thái Bình khi ấy đã cống hiến cả tuổi xuân, gắn bó cả cuộc đời để góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp như ngày hôm nay.

Vợ chồng cụ Bùi Quang Phiệt chia sẻ về những năm tháng khó khăn với phóng viên.

Kỳ 2: Gặp người cán bộ tiền trạm năm xưa

44 năm trước, khi đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, hàng nghìn thanh niên Thái Bình nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã tình nguyện rời quê hương đến với vùng đất Tây Nguyên xa xôi để xây dựng vùng kinh tế mới. Gần nửa thế kỷ qua, với khối óc sáng tạo, bàn tay cần cù, chăm chỉ, những thanh niên năm xưa và thế hệ kế tiếp ngày nay đã biến vùng đất hoang hóa ngày nào trở thành một vùng quê trù phú. Mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại nay đã trở thành quê hương thứ hai của những người con quê lúa. 

Nhờ sự hỗ trợ của các bác Hội đồng hương Thái Bình tại Đắk Nông, chúng tôi được gặp cụ Bùi Quang Phiệt, sinh năm 1934, quê xã Độc Lập (Hưng Hà), nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk (trước khi tách tỉnh). Hiện cụ Phiệt đang sinh sống tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây 44 năm, khi đó cụ đang là Bí thư Đảng ủy xã Độc Lập (Hưng Hà). Cụ Phiệt là một trong gần 200 cán bộ đầu tiên của tỉnh Thái Bình được tăng cường vào Đắk Lắk ngay sau khi thị xã Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) được giải phóng (ngày 10/3/1975). Trong đó, đoàn Hưng Hà của cụ Phiệt có 19 đồng chí được tăng cường cho huyện Đắk Nông. Vượt hàng nghìn cây số đến Đắk Nông, vừa đến nơi chưa kịp nghỉ ngơi cụ Phiệt cùng đồng đội đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ xây dựng chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ; tiếp quản phong trào giáo vụ dân; thanh lọc chính quyền thời ngụy và đối phó với Fulro. Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề, đặc biệt đối với những người không thông thạo địa bàn Tây Nguyên. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn, gian khổ, cụ Phiệt chia sẻ: Đắk Nông khi đó còn là một khu rừng hoang vu bị bom đạn chiến tranh cày xới. Phần vì xa quê, phần vì chưa quen với vùng đất mới, phần vì thiếu thốn đủ bề giữa rừng xa hoang vắng, “làm bạn” với thú dữ, sốt rét rừng, tai nạn do bom, mìn còn sót lại nhưng nguy hiểm nhất là bọn Fulro luôn rình rập phá hoại thành quả cách mạng. Để khẩn trương nắm bắt địa bàn, cụ Phiệt và đồng đội phải đi bộ băng rừng lội suối đến từng buôn làng hẻo lánh “cắm chốt” hàng tháng liền để vận động đồng bào tránh xa những luận điệu xuyên tạc, chống phá chính quyền, tin tưởng vào cách mạng. Cụ Phiệt cho biết: Ngoài khó khăn trong giao thông đi lại, trở ngại nhất trong quá trình đi vận động đồng bào chính là sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân bản địa. Thế nhưng, bằng sự kiên cường bám trụ, sâu sát với cơ sở, những cán bộ được tăng cường dần chiếm được lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân, đồng bào địa phương. Hệ thống chính quyền cơ sở ở Đắk Nông đi vào ổn định. 

Vì nhiệm vụ mà tổ chức giao phó, một phần vì tình cảm với vùng đất mới ngày được vun đắp, người cán bộ tiền trạm quyết định đưa cả gia đình, vợ con vào sinh sống, lập nghiệp tại Đắk Nông. Vốn có kiến thức về y dược nên cụ Nguyễn Thị Lương, vợ cụ Phiệt, sinh năm 1942, cùng quê xã Độc Lập (Hưng Hà) được nhận vào làm tại Trung tâm Y tế huyện. Là những người tiền trạm, có mặt ở Đắk Nông gần như sớm nhất, ngoài thời gian công tác ở cơ quan, ngày đó vợ chồng cụ Phiệt còn tạo điều kiện hỗ trợ những hộ dân mới vào, cùng với bà con khai hoang thêm nương rẫy để trồng mì, trồng bắp cải thiện đời sống. Cụ Nguyễn Thị Lương cho biết: Ngoài chuyện thiếu ăn, thời gian đầu vào Đắk Nông, những hộ kinh tế mới còn phải đối mặt với dịch sốt rét. Nguyên nhân là do bà con phải sử dụng nước suối để ăn uống, thuốc men thiếu thốn và không có tại chỗ, huyện Đắk Nông có một cơ sở y tế nhưng chỉ chữa được bệnh thông thường. Vì thế, nếu ai bị sốt rét nặng là phải chuyển lên Buôn Ma Thuột để chữa trị. Đường lên tỉnh ngày ấy chỉ toàn là đường mòn, gập ghềnh, lầy lội, phải mất cả mấy ngày trời mới đến nơi nên phần nhiều chết dọc đường đi. Chán nản vì cuộc sống khó khăn, lại lo sợ dịch sốt rét rình rập, không ít hộ dân kinh tế mới lần lượt kéo nhau bỏ về quê hoặc đi nơi khác. Đang phải chống chọi với cuộc sống vô cùng khó khăn, gian khổ thì lại gánh thêm mất mát lớn, cô con gái đầu lòng khi ấy chưa đầy 7 tuổi cũng không chống chọi nổi với bệnh sốt rét ác tính và qua đời khiến vợ chồng cụ Phiệt tưởng như không trụ nổi. Nhiều người kéo nhau về quê, gia đình cụ Phiệt cũng nao núng nhưng rồi lại động viên nhau cố gắng bám trụ và tích cực cải tạo, khai hoang đất đai để sản xuất, làm ăn.

Cuộc sống ở vùng đất mới cũng dần quen với gia đình cụ Phiệt cũng như nhiều gia đình khác. 44 năm qua, những người con Thái Bình đã ngày đêm lao động sản xuất quyết tâm xây dựng quê hương thứ hai ngày một ấm no, hạnh phúc. Nhiều người từng đi kinh tế mới đến Đắk Nông ngày nào đều ít nhiều có những kỷ niệm khó quên ở vùng đất này. Nào là cảnh tìm rau đay, rau dệu, đào củ rừng để ăn qua ngày; nào là cảnh cả nhà bị sốt rét một lượt, đến nỗi không có người nấu cháo để ăn... Nhưng điều đáng nói là trong khó khăn mọi người đã đoàn kết cùng nhau vượt qua gian khổ, bám trụ vươn lên. 

Đến nay, tuy tuổi đã gần 90, sức khỏe đã yếu song mỗi lần có khách tới thăm cụ Bùi Quang Phiệt lại tự hào dẫn đi xem những tấm huân huy chương, kỷ niệm chương được Đảng, Nhà nước trao tặng và kể lại những năm tháng tuổi trẻ gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Từng trang lịch sử hiện lên như vừa mới diễn ra, cụ Phiệt, cụ Lương hay hàng nghìn người con Thái Bình khi ấy đã cống hiến cả tuổi xuân, gắn bó cả cuộc đời để góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu đẹp như ngày hôm nay.

"Thời kỳ 1976 - 1980, UBND tỉnh Thái Bình đã huy động trên 22.000 người tham gia các đơn vị lao động tiền trạm xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 8.800 lao động, tỉnh Kiên Giang có 4.194 lao động, tỉnh Sông Bé có 4.224 lao động..."

(Theo tài liệu lưu trữ tại Chi cục Văn thư Lưu trữ, Sở Nội vụ Thái Bình)


(còn nữa)
Tùng Thơi

  • Từ khóa

Ngọc hai - 1 năm trước

Liệu còn ghi chép những người đây kg xin rép ak

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày