Thứ 2, 23/12/2024, 19:39[GMT+7]

Nông thôn mới Thái Bình: Ý đảng - lòng dân (Bài 4)

Thứ 5, 30/05/2019 | 08:42:07
3,044 lượt xem
Bằng sự nỗ lực chung của toàn tỉnh, khu vực nông thôn Thái Bình đã có những đổi thay đáng kể. Gần 90% số xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Những bước đi chắc chắn, cách làm phù hợp, nhiều địa phương đã bứt phá, hướng đích xã NTM kiểu mẫu.

Những cánh đồng mẫu mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.

Bài 4: Nông thôn mới -  làng quê đáng sống

Xóa hộ nghèo

Nằm cách xa trung tâm kinh tế của tỉnh, huyện, 10 năm trước xã Đông Phương (Đông Hưng) còn độc canh cây lúa, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2011, khi bắt đầu xây dựng NTM, Đông Phương mới chỉ đạt 7 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người dưới 10 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nói đến NTM là một khái niệm rất xa vời với bộn bề khó khăn nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền và đồng thuận của người dân, Đông Phương đã chọn khâu đột phá là nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo để tạo ra sức bật hoàn thành các tiêu chí khác.

Xã Đông Phương năm 2018:

  • Thu nhập của người dân đạt 45 triệu đồng/người/năm.
  • 95% lao động có việc làm
  • Hộ nghèo giảm còn 1,8%


Để giải được bài toán này, Đông Phương tập trung xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu, vận động nông dân tham gia vào HTX trực tiếp sản xuất trên thửa ruộng của mình theo quy hoạch hoặc làm thuê cho HTX còn HTX xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất giống lúa Nhật, lúa T10, liên kết với doanh nghiệp chịu trách nhiệm về giống, phân bón, các dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Cùng với đó thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng tại địa phương. Trước khi xây dựng NTM, xã Đông Phương hầu như vắng bóng ngành nghề nhưng đến nay nhờ có nhiều cơ chế tạo điều kiện, thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào xã đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn xã đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn cho cả các xã lân cận. Kinh tế tăng trưởng nhanh, bình quân giai đoạn 2011 - 2017 là 15,8% (trước 2010 là 11,5%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 38,8 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2010, năm 2018 đạt 45 triệu đồng, trên 95% lao động có việc làm ổn định; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%. Hiện nay, xã Đông Phương vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế để giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu; phấn đấu không còn hộ nghèo; thường xuyên duy trì đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, không có tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật… 

Nếp “tiến vua”

Năm 2013, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, cán bộ và nhân dân xã Vũ Tây (Kiến Xương) tiếp tục bắt tay nâng cấp các tiêu chí, hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và quyết tâm xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong hành trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu hiện nay, truyền thống đoàn kết, gắn bó và tính cố kết cộng đồng của người dân Vũ Tây lại càng được phát huy, trở thành nền tảng, động lực để cán bộ và nhân dân trong xã phấn đấu làm nên những nét đẹp riêng có của mình.

Nông dân xã Vũ Tây (Kiến Xương) được mùa vụ lúa xuân.

Một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, niềm tự hào của người dân Vũ Tây nói riêng và của tỉnh nói chúng là sản phẩm lúa nếp “tiến vua”. Nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và nông dân mong sao “danh tiếng” đặc sản trên quê hương mình ngày càng vươn xa vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy khi có chủ trương triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”, với quyết tâm cao trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Vũ Tây đã chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn lúa nếp là sản phẩm chủ lực nhằm từng bước xây dựng và quảng bá sản phẩm.

 Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Tây cho biết: Lúa nếp truyền thống vẫn được người dân gọi là nếp “tiến vua” là giống lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 – 2 lần so với các giống lúa khác, diện tích gieo cấy giống lúa nếp ở vụ xuân chiếm khoảng 20%, vụ mùa đạt 70% so với tổng diện tích gieo cấy của xã. Trên địa bàn xã có trên 20 hộ gia đình đầu tư máy xay xát công suất hàng chục tấn thóc/ngày, không chỉ thu mua toàn bộ lúa nếp trên địa bàn xã còn cả các xã lân cận. Thực hiện chủ trương OCOP, HTX đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã hình thành tổ hợp tác sản xuất, sơ chế, chế biến lúa nếp trên cơ sở liên kết giữa các hộ sản xuất, thu mua, chế biến lúa nếp với mục tiêu duy trì ổn định diện tích, nâng cao hơn nữa hiệu quả của sản xuất lúa nếp đồng thời vươn xa thương hiệu “nếp tiến vua Vũ Tây”, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2018, thu nhập đạt gần 44 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2 lần so với thời điểm được công nhận xã đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7% - điều mà chỉ vài ba năm trước, có nằm mơ người dân Vũ Tây cũng không thể cảm nhận được sự đổi thay nhanh đến vậy.

Giàu lên nhờ... kéo điện ra đồng

Việc đưa điện ra đồng phục vụ nước tưới tiêu cho những cánh đồng mẫu diện tích trên 120ha vốn trước đây phụ thuộc nước trời đã góp phần đẩy nhanh tốc độ quay vòng của đất, với 4 vụ: màu xuân - màu hè - lúa mùa - cây vụ đông cho giá trị sản xuất gần 500 triệu đồng/ha/năm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng của sống của nông dân xã Thụy An (Thái Thụy).

Nông dân xã Thụy An cắm cầu dao điện chuẩn bị tưới cây vụ đông.

Năm 2014, cùng với sự hỗ trợ của ngành Điện, bà con nông dân xã Thuỵ An đã góp công, góp của đưa điện ra đồng. Chỉ cách trung tâm xã khoảng 300m, phóng tầm mắt xa xa, một màu xanh trải rộng ngút ngàn, ẩn hiện những hàng trụ điện căng dây chạy thẳng tắp giữa các cánh đồng, chúng tôi cảm nhận các công trình “điện khí hoá” nông nghiệp, nông thôn đã và đang được phát huy tác dụng trên vùng đất Thụy An, mang lại hiệu quả lớn, góp phần tăng thu nhập cho những người nông dân ở một vùng quê đã từng nổi tiếng đi đầu trong cơ giới hoá, dồn điền đổi thửa, thâm canh tăng vụ.

 Ông Mai Đức Nhường, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy An cho biết: Trước đây, hầu hết các cánh đồng rau màu ở Thụy An đều khó chủ động được nước tưới tiêu do đồng đất úng trũng, không đồng đều. Việc canh tác gặp nhiều khó khăn, người nông dân hết sức vất vả trong việc tiêu thoát nước khi mưa bão và nước tưới vào mùa khô. Nhiều hộ gia đình có điều kiện đã đầu tư máy nổ chạy dầu diesel nhưng kinh phí lớn, lại phải cử người trực vận hành, điều tiết nước… gây tốn kém mà hiệu quả không cao. Nhưng đến nay việc canh tác của bà con nông dân đã thuận lợi hơn nhiều.

Vừa cầm ống dây phun nước ào ào cho 1,4 mẫu hành và rau xanh, chị Nguyễn Thị Chín, thôn An Cố Bắc vừa niềm nở trò chuyện: Từ nay gia đình tôi không còn phải vất vả trong khâu tưới tiêu cho các loại cây màu nữa. Ở những vụ trước, để tưới hết diện tích này, 2 vợ chồng tôi phải dành cả buổi chiều gánh nước tưới cho từng thửa ruộng, có thửa cánh xa mương nước hơn 100m nên rất vất vả. Chính vì thế nhiều luống không được tưới đầy đủ, rau, hành chậm lớn, cằn cỗi, giá bán thấp. Từ khi có điện, gia đình tôi chỉ cần lắp máy, bơm nước trực tiếp lên từng luống rau màu. Thời gian, công sức làm việc giảm đi đáng kể, giờ chỉ cần một người trong 1 – 2 giờ là hoàn thành. Rau màu có đủ nước cũng sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Với 1,4 mẫu luân canh 4 vụ, mỗi năm cho thu lãi trên 200 triệu đồng.

Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã tạo ra động lực, quyết tâm cao cho các địa phương và chính chủ thể - người dân bởi những lợi ích thiết thực mang lại. Khái niệm ấy không còn mơ hồ mà đang hiện hữu và dần trở thành những làng quê đáng sống ở nhiều địa phương.


Thực hiện: Vũ Anh Thao - Minh Nguyệt - Lưu Ngần - Thanh Huyền