Thứ 5, 16/01/2025, 02:30[GMT+7]

Chung tay chống rác thải nhựa

Thứ 2, 03/06/2019 | 09:02:41
3,378 lượt xem
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Vì vậy, giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sự chung tay hành động của toàn xã hội.

Rác thải từ túi nilon chiếm 7 - 8% lượng rác thải mỗi ngày.

Hiện nay, các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Đa số người dân thường xuyên sử dụng túi nilon vì tiện lợi và phù hợp thói quen mua bán nhỏ, lẻ. Thực tế hiện nay tại hầu hết các cửa hàng, siêu thị, quán ăn, chợ... đều sử dụng đồ nhựa để bao gói, phục vụ khách hàng. Các sản phẩm làm từ nhựa với sự tiện lợi, nhanh gọn, giá thành rẻ đã thu hút và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa mang lại các tiện ích trong sinh hoạt nhưng cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. 

Theo ông Vũ Đình Hành, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình, đa số rác thải nhựa vẫn đang lẫn vào rác sinh hoạt của các hộ dân khi thải ra môi trường, dẫn đến khó khăn, tốn chi phí trong khâu xử lý. Trong khi đó, công nghệ hiện nay của Thái Bình trong xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt. Do vậy, để có môi trường sống tốt hơn đòi hỏi nhiều biện pháp thiết thực, nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân nhằm tiến tới loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống.

Mỗi ngày, toàn tỉnh thải ra 700 - 800 tấn rác thải, trong đó rác thải từ nilon chiếm 7 - 8%. Đáng nói, rác thải từ nilon gia tăng từng năm và là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống. Vì vậy, vấn đề xử lý rác thải nhựa tạo ra thách thức lớn không chỉ cho riêng cá nhân hay tổ chức nào mà là vấn đề của toàn xã hội. 

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để loại trừ hiểm họa từ rác thải nhựa, Sở Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp, các chợ, trung tâm mua sắm, các siêu thị chung tay tuyên truyền, vận động người dân cần phải thay đổi thói quen trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường, sử dụng các dụng cụ dễ phân hủy trong cuộc sống hàng ngày; thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành, chính quyền, người dân và doanh nghiệp tích cực thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, ao hồ, hệ thống thoát nước... thường xuyên được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phong trào dùng làn nhựa đi chợ, thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon được triển khai sâu rộng. Qua đó, khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.

Không đốt, không chôn lấp, biến rác thải thành hàng hóa như phân bón hữu cơ, hạt nilon, công nghệ xử lý rác của nhà máy xử lý rác thải thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) đang là một lựa chọn tốt, giúp các địa phương xử lý triệt để rác thải sinh hoạt, góp phần hạn chế rác thải nhựa. Nhà máy nhận xử lý rác thải cho 18 xã, thị trấn của hai huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng với công suất 50 tấn/ngày. Rác thải được đưa về nhà máy, sau đó phân loại thành rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải rắn. Qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao phục vụ nông nghiệp, giá thành thấp; túi nilon được tái chế thành hạt nhựa cung cấp cho các nhà máy chế biến. 

Ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ cho biết: Thời gian qua, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn của huyện Quỳnh Phụ có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên. Cùng với đó, nhà máy xử lý rác thải thị trấn Quỳnh Côi đã đóng góp không nhỏ vào những thành công chung trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Hiện, nhà máy đang xử lý rác thải sinh hoạt cho gần 1/2 số xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ, qua đó tiết kiệm được quỹ đất, ngân sách nhà nước, rác thải không phải chôn lấp hoặc đốt, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa.

Tuy nhiên, để phong trào phòng, chống rác thải nhựa đi vào thực chất và có hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường, điều quan trọng là cần thay đổi thói quen của bản thân và gia đình bằng các việc làm cụ thể như: có thùng đựng rác ngay tại gia đình; sử dụng giỏ nhựa để đi chợ; mang theo đồ đựng thực phẩm riêng khi mua đồ ăn bên ngoài; hạn chế sử dụng túi nilon trong mua bán, trao đổi hàng hóa; phân loại rác thải ngay tại nguồn.

Minh Nguyệt