Thứ 3, 05/11/2024, 21:22[GMT+7]

Được mùa nhờ thế chủ động

Thứ 2, 10/06/2019 | 10:22:17
765 lượt xem
Tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, sâu bệnh gia tăng song vượt lên mọi thử thách, vụ lúa xuân năm 2019 ở Thái Bình vẫn được mùa, năng suất đạt kế hoạch đề ra. Mùa gặt đã về, đồng ruộng vàng óng màu lúa chín. Tiếng người, tiếng máy rộn ràng khắp các cánh đồng.

Nông dân huyện Đông Hưng thu hoạch lúa xuân.

Vụ xuân năm 2019, toàn tỉnh gieo cấy gần 78.000ha lúa, trong đó giống lúa chất lượng cao (Bắc thơm 7, T10, RVT, Nếp 97, lúa Nhật...) chiếm 36,56%, lúa lai (CNR36, D.ưu 527, Thái Xuyên 111...) chiếm 13,36%, còn lại là giống lúa thuần năng suất (BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225...). Thời vụ gieo cấy diễn ra trong điều kiện thuận lợi, thời tiết ấm, công tác điều tiết nước đáp ứng kịp thời cho làm đất và gieo cấy; nguồn cung ứng vật tư nông nghiệp như giống, phân bón ổn định nhờ đó tiến độ gieo cấy nhanh gọn, kết thúc trước kế hoạch đề ra. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Bên cạnh những thuận lợi, vụ xuân ấm khiến cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng, thời điểm lúa trỗ thời tiết liên tiếp có mưa, nhiều ngày trời âm u, ẩm độ cao, nhiệt độ se lạnh ảnh hưởng tới trỗ bông, phơi màu, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại, khiến công tác phòng, trừ sâu bệnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo sản xuất nhận được sự quan tâm sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; những bài học kinh nghiệm đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết và sinh vật hại cây trồng trong những năm qua đã giúp các địa phương chủ động, có giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Phụ) cho biết: Các đợt phòng, trừ sâu bệnh được phát trên loa truyền thanh, huyện và xã có cán bộ thường xuyên bám ruộng để hướng dẫn cho bà con từ lựa chọn loại thuốc gì, mua ở đâu, phun vào thời điểm nào. Nhờ đó, nông dân chúng tôi chủ động và yên tâm trước mỗi đợt phun trừ sâu bệnh. Tuy gặp nhiều khó khăn song năng suất lúa xuân của gia đình tôi vẫn đạt khoảng 2,8 tạ/sào, tương đương vụ xuân năm 2018.

Vượt qua mọi khó khăn, lúa xuân cho năng suất cao, đạt kế hoạch đề ra.

Thời điểm này, huyện Kiến Xương đang bước vào kỳ thu hoạch rộ lúa xuân. Trên các cánh đồng, nhấp nhô những chiếc máy gặt cỡ lớn, xung quanh là bà con nông dân, người chờ những bao thóc oằn nặng thả xuống khỏi máy sau lượt thu hoạch, người đợi đến lượt ruộng nhà mình được gặt... Nhờ chủ động sản xuất từ cơ cấu giống, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bổ khuyết phòng, trừ sâu bệnh mà năng suất lúa năm nay khá đồng đều, toàn diện ở tất cả các địa phương. Theo điều tra của Chi cục Thống kê huyện, năng suất lúa xuân bình quân đạt 71,6 tạ/ha, trong đó một số giống như: BC15, TBR1, CNR36 và một số giống lúa lai khác cho năng suất đạt trên 78 tạ/ha.
Huyện Đông Hưng vừa trải qua một vụ mùa cam go, nguyên nhân chính do hình thái thời tiết bất lợi cho sản xuất, đặc biệt lúa trà sớm khi cuối tháng 3, một bộ phận diện tích lúa đang giai đoạn phân hóa đòng, gặp nhiệt độ xuống thấp dưới 20oC đã gây ra hiện tượng lép, thoái hóa đầu bông. Tuy nhiên, đến nay, nông dân đã thở phào với kết quả. Với tỷ lệ cơ giới hóa khoảng 95% khâu thu hoạch, dự kiến đến ngày 10/6 toàn huyện sẽ kết thúc gặt. Ông Phạm Văn Đoàn, xã Đông Động cho biết: Gia đình tôi cấy gần 20 mẫu ruộng, nhờ mua sắm đầy đủ các loại máy móc phục vụ sản xuất nên lúa chín đến đâu tôi thu hoạch đến đó để có thể phơi phong và chuẩn bị làm vụ mùa.

Nông dân huyện Đông Hưng thu hoạch lúa xuân.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 30.000ha lúa xuân, trời càng nắng, lúa chín càng nhanh. Để bảo đảm sản xuất vụ xuân thắng lợi và chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do thời tiết bất thuận xảy ra; thu hoạch đến đâu làm đất đến đó. Thực hiện nghiêm túc việc không đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân, tận dụng rơm để trồng nấm hoặc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học như Sumitri, Azotobacterin, AT, Tricodema...

Ngân Huyền